Tag Archives: BỘ CÔNG THƯƠNG

Đề xuất tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ giữa trở ngại thuế quan

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, giúp giảm bớt gánh nặng cho ngành chăn nuôi, tạo cơ hội cân bằng thương mại.

1 trại heo giống nhập khẩu khoảng 250 con giống heo cụ kỵ (GGP) mỗi năm, trị giá khoảng 0,5 triệu USD. Ảnh: Nguyễn Thủy.

1 trại heo giống nhập khẩu khoảng 250 con giống heo cụ kỵ (GGP) mỗi năm, trị giá khoảng 0,5 triệu USD. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trong bối cảnh khó khăn do chính sách thuế quan của Mỹ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, ngày 6/4, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ trước bối cảnh Mỹ công bố áp thuế đối ứng đối với hàng hóa từ Việt Nam với mức thuế suất 46%.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang triển khai chương trình GSM-102, là chương trình cung cấp bảo lãnh tín dụng để khuyến khích xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Mỹ với lãi suất trả chậm chỉ 1%/năm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, có 6 ngân hàng được tham gia chương trình GSM-102, nhưng lãi suất các ngân hàng này đưa ra chưa hợp lý, dẫn đến việc triển khai chưa được hiệu quả.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm, xem xét tạo điều kiện cho các ngân hàng bảo lãnh chương trình GSM-102 lãi suất từ 1-1,5% để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Giải pháp này không chỉ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhập khẩu mà còn hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chương trình GSM-102 của USDA cung cấp bảo lãnh tín dụng với lãi suất trả chậm chỉ 1%/năm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm nông sản như đậu nành, khô đậu nành, bắp và DDGS (bã rượu khô) từ Mỹ, với giá trị nhập khẩu hàng tỷ USD. Đây là những mặt hàng đang đóng vai trò quan trọng trong ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề lãi suất cao từ các ngân hàng Việt Nam tham gia chương trình này đã khiến việc triển khai chưa thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, Mỹ còn là nguồn cung cấp con giống heo chất lượng cao. Theo ước tính, mỗi năm một trại heo giống ở Việt Nam nhập khẩu khoảng 250 con giống heo cụ kỵ (GGP) trị giá gần 0,5 triệu USD.

Dự kiến, vào tháng 6 tới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ cùng một số trang trại chăn nuôi sang Mỹ, ký hợp đồng nhập khẩu heo giống từ Công ty AG World và hợp tác với Công ty Waldo để phát triển mô hình liên doanh chăn nuôi. Ngoài ra, Hiệp hội cũng xúc tiến nhập khẩu các sản phẩm nguyên liệu dinh dưỡng từ Công ty International Nutrition (Mỹ) nhằm cải thiện chất lượng thịt heo, bò, và môi trường chăn nuôi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là Nghị định 73/2025 mới đây, đã giảm thuế suất đối với một số mặt hàng nông sản từ Mỹ, bao gồm ngô hạt và khô dầu đậu tương từ mức 1-2% xuống 0%.

“Thuế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ giảm, nếu được kèm theo chính sách hỗ trợ theo chương trình GSM-102 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.

Điều này không chỉ góp phần cân bằng thương mại Việt Nam – Mỹ mà còn giúp giảm chi phí cho ngành chăn nuôi Việt Nam, giúp nâng chất lượng chăn nuôi và nâng khả năng cạnh tranh của ngành trong hội nhập”, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, trước tình hình khó khăn hiện nay, đặc biệt khi Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam 46% vào ngày 9/4 tới, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẩn thiết mong Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm, chỉ đạo kịp thời để các doanh nghiệp nhập khẩu trong ngành được tham gia triển khai chương trình GSM-102 với mức lãi suất phù hợp 1-1,5%.

Đồng thời, Hiệp hội cũng cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác tin cậy để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, và mong muốn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ các ngân hàng Việt Nam để hỗ trợ ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầy thách thức này.

Nguyễn Thủy

Theo nongnghiep.vn 

Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu tiếp tục tái diễn

Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu tiếp tục tái diễn

Dự kiến từ ngày 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả, nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ…
 

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Đến sáng ngày 4/3, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, tỉnh đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ.

Cụ thể, tỉnh này cố gắng trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ.

Đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.

“Cùng với các biện pháp chúng tôi triển khai tích cực, trong đó cả việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu, tuy nhiên hàng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau”, bà Đoàn Thu Hà nói.

Bà Hà cho biết, việc thiết lập “vùng xanh” để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đã được tỉnh thiết lập và triển khai ở khu biên giới. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện phương thức hạn chế tiếp xúc, tuy nhiên năng lực thông quan chưa được cải thiện trong khi hàng hóa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, tình trạng ùn tắc vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Bà Hà lo lắng, nông sản đang vào chính vụ trong khi tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu sẽ vẫn tiếp diễn.

“Chúng tôi dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu đã có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ”, bà Hà chia sẻ.

Do đó, bà Hà mong muốn, các Bộ Công Thương, NN-PTNT, các cơ quan, các địa phương thúc đẩy các kênh tiêu thụ nội địa đặc biệt trong thời gian hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh chế biến cũng như mở lại, khôi phục lại một số hoạt động xuất khẩu nông sản để giảm tải áp lực xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu trước đây đã có, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”. Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.

Từ khi xảy ra vấn đề này, liên bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, như: Thủ tướng đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp.

“Có thể thấy việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả. Cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15.000 xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở 13 cửa khẩu”, ông Chinh thông tin.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/tinh-trang-un-u-nong-san-tai-cua-khau-tiep-tuc-tai-dien

Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X