Author Archives: Vitad Agri

Tôm sú, cua ghẹ Việt Nam tăng trưởng mạnh

Tôm sú, cua ghẹ Việt Nam tăng trưởng mạnh

Thông tin trên được bà Kim Thu – Chuyên gia thị trường tôm (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cung cấp.

Tôm sú đứng vững trên thị trường châu Âu nhờ Hiệp định EVFTA

Tôm sú được coi là sản phẩm cao cấp nhờ màu sắc, hương vị đặc biệt, kích cỡ lớn và thường được yêu thích ở các thị trường ngách tại EU như Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp.

Trong quý I/2022, XK tôm sú của Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tăng trưởng đột phá 107% với giá trị XK đạt 24 triệu USD

Bà Kim Thu chia sẻ: Tôm sú được tiêu thụ tại các thị trường bán lẻ và dịch vụ thực phẩm tại châu Âu. Năm 2020 và đầu năm 2021, tiêu thụ tôm sú tại EU chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng quán ăn đóng cửa để phòng dịch.

Thế nhưng, từ giữa năm 2021, thị trường dần dần mở cửa trở lại nên nhu cầu tiêu thụ tôm sú tại thị trường EU phục hồi và dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2022.

“Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ tại thị trường EU ưa chuộng các sản phẩm như tôm sú HLSO và tôm sú bóc vỏ cỡ 16/20 – 51/60, tôm sú HOSO cỡ 21/26. Lĩnh vực tái chế biến có nhu cầu cao với các sản phẩm tôm sú HOSO, HLSO, lột vỏ đóng block cỡ 16/20 – 51/60.

Trong phân khúc bán lẻ, các sản phẩm tôm sú lột vỏ đông lạnh chủ yếu được bán dưới dạng túi 250g – 1kg. Tôm sú HOSO semi IQF hoặc IQF được bán dưới dạng túi 250g – 1kg hoặc hộp carton từ 500g – 1kg. Phần lớn các tổ chức bán lẻ bán tôm đông lạnh dưới nhãn của riêng họ”, bà Thu tâm sự.

Hiện nay, các nhà cung cấp tôm sú cho thị trường EU gồm Bangladesh, Việt Nam, Madagascar, Indonesia, Ấn Độ và Myanmar. Các sản phẩm cạnh tranh với tôm sú trên thị trường EU như tôm chân trắng, tôm đỏ Argentina và tôm sú khai thác tự nhiên.

Theo bà Thu, trong quý đầu năm nay, xuất khẩu (XK) tôm sú của Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tăng trưởng đột phá 107% với giá trị XK đạt 24 triệu USD. XK tôm sú Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trong năm 2021, các năm trước đó, XK vẫn ghi nhận giảm. Năm 2021, XK tôm sú Việt Nam sang EU đạt 98,5 triệu USD, tăng 36% so với năm 2020.

Các sản phẩm tôm sú Việt Nam chủ yếu XK sang EU trong quý đầu năm nay gồm tôm sú nguyên con tươi đông lạnh, tôm sú PD tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu EZP tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu HLSO EZP tươi đông lạnh, tôm sú IQF tươi đông lạnh, tôm sú PDTO hấp chín IQF, tôm sú HOSO tươi đông lạnh, tôm sú CPTO hấp đông lạnh…

Bà Thu nhấn mạnh: “Tôm sú Việt Nam trên thị trường EU có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các nhà cung cấp đối thủ. Cùng với lợi thế từ Hiệp định EVFTA, tôm sú Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng tại thị trường này. Với sản phẩm tôm sú đi châu Âu, doanh nghiệp cần phải đảm bảo được nhiều yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuỗi hành trình sản phẩm và chứng nhận của bên thứ ba”.

Xuất khẩu cua ghẹ quý I/2022 đạt 52 triệu USD

Trong khi đó, tiếp nối sự tăng trưởng trong quý 4/2021, XK cua ghẹ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý I/2022. Giá trị XK cua ghẹ trong quý này đạt gần 52 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 qua, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Số liệu thống kê xuất khẩu cua ghẹ Việt Nam

Cụ thể, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp là top 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu (NK) nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam. Trong đó, Pháp chiếm hơn 91% tổng giá trị XK.

Theo bà Thu, sau khi sụt giảm trong năm 2021, XK cua ghẹ của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng cao liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022. Giá trị XK cua ghẹ sang thị trường này trong quý I/2022 đạt hơn 20 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã thích nghi tốt với chính sách “zero Covid” của nước này. Sự tăng trưởng cao này đã đưa Trung Quốc trở thành thị trường NK cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam

Với thị trường Nhật Bản, XK cua ghẹ của Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng trong quý này. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường Nhật Bản đạt gần 19 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Nhật Bản hiện đang là nước NK nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam trong khối thị trường tham gia Hiệp định CPTPP. Và cũng là nước duy trì được sự tăng trưởng NK cua ghẹ liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, XK cua ghẹ sang Australia và Singapore lại có sự sụt giảm liên tục trong quý này.

Bà Thu cho biết thêm, tại khối thị trường EU, XK cua ghẹ của Việt Nam cũng phục hồi sau khi sụt giảm vào năm ngoái. Tuy nhiên, XK sang các thị trường trong khối không ổn định. Pháp hiện đang là thị trường NK cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam trong khối thị trường này, đạt gần 1,7 triệu USD, tăng 38%.

Trên thị trường cua EU, các doanh nghiệp XK cua của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cua đến từ Anh, Na Uy, Madagascar, Trung Quốc, Indonesia. Các sản phẩm cạnh tranh với cua trên thị trường này gồm tôm hùm và surimi.

Đáng chú ý, XK cua ghẹ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng liên tục trong quý I/2022. Giá trị XK cua ghẹ của Việt Nam sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt gần 19 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ.

Mỹ đã mở cửa hoàn toàn trở lại điều này đã giúp nhu cầu tiêu thụ cua ghẹ tăng. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển đường biển tăng đã đẩy giá XK tăng lên.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/tom-su-cua-ghe-viet-nam-tang-truong-manh

Trái cây được mùa nhưng còn đó nỗi lo tiêu thụ, giá cả

Trái cây được mùa nhưng còn đó nỗi lo tiêu thụ, giá cả

Quý II/2022 là thời điểm nhiều loại cây trái khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh Nam Bộ bước vào vụ thu hoạch, nhưng việc tiêu thụ cùng với giá cả đang là vấn đề lớn.

Trái cây Nam Bộ sắp vào vụ thu hoạch nhưng khâu tiêu thụ và giá cả là vấn đề không dễ giải quyết

Đây cũng chính là lý do để Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam Bộ” vào ngày 8/5.

Trên cơ sở dự báo tiêu thụ sẽ gặp khó khăn do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid”, các biện pháp phòng dịch của nước này làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, lúc đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Lê Thanh Tùng đưa ra những trở ngại trong việc tiêu thụ trái cây quý II/2022.

Cùng quan điểm với ông Lê Thanh Tùng, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết trong 2 tháng qua, các cửa khẩu chính tại Quảng Ninh, Lào Cai đóng cửa do Trung Quốc phát hiện Covid-19 đã gây áp lực lớn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Chưa kể, những đợt phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến về công tác kiểm soát Covid-19 cho thấy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn chủ quan, chưa tuân thủ quy định về phòng dịch khi đưa hàng sang nước bạn. Việc ách tắc trong xuất khẩu rau quả cũng nằm ở khâu kiểm tra Covid-19, không phải do kiểm dịch thực vật nên doanh nghiệp cần phải kiểm soát chặt quy trình sản xuất, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trên bao bì, sản phẩm, thành container…

Còn đối với thị trường EU, dù rau quả Việt Nam đang được hưởng lợi do ưu đãi thuế quan nên tăng trưởng tốt trong năm qua. Tuy nhiên trong thời gian gần đây phát sinh vấn đề EU tăng tần suất kiểm tra đối với thanh long và rau gia vị từ 10% lên 20% khiến lượng xuất khẩu sụt giảm.

Trước những khó khăn kể trên, ông Lê Thanh Tùng kiến nghị đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng cây ăn quả để tăng cường quản lý vùng trồng, nắm sát sản lượng, chất lượng từng loại quả; chỉ đạo rải vụ trái cây (thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng) linh hoạt phù hợp với tình hình tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây; phát triển mảng bảo quản và chế biến.

Về việc ách tắc ở cửa khẩu, ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị các địa phương, doanh nghiệp theo dõi, cập nhật thông tin ở cửa khẩu để điều phối trái cây lên biên cho hợp lý.

Trước những ý kiến, giải pháp của các đại biểu đưa ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đưa ra ý kiến chỉ đạo. Theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp, các địa phương không nên “than vãn” mà cần tìm giải pháp để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân.

“Cần tổ chức lại sản xuất để thích ứng với những thay đổi của thị trường, đừng để khi cửa khẩu với Trung Quốc thông thì mọi việc lại quay về như cũ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy nước đến chân mới nhảy, vẫn suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính nên không chịu thay đổi để thích ứng. Cần nhìn vào cách ngành rau quả Thái Lan thích ứng với chính sách “zero Covid” của Trung Quốc nên xuất khẩu của họ ít bị ảnh hưởng. Họ tìm cách đáp ứng được quy định để kiểm soát Covid-19 trong chuỗi sản xuất trái cây trong khi Việt Nam chỉ có thể hy vọng đàm phán để Trung Quốc nới lỏng quy định”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thẳn góp ý.

Cuối cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ quy luật thị trường không phải lúc nào cũng như ý muốn, vì thế các mô hình sản xuất nông nghiệp cần tiết kiệm chi phí, giúp tăng hiệu quả kinh doanh cần được lan tỏa, nhân rộng.

Được biết, theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng sản lượng cây ăn quả chính tại Nam Bộ trong quý II/2022 sẽ đạt khoảng 1,5 triệu tấn, cao hơn quý I khoảng 137.000 tấn do một số loại quả vào mùa như: thanh long, chuối, nhãn, chôm chôm, sầu riêng… Vì thế đây sẽ là một áp lực trong khâu tiêu thụ cũng như giá cả.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/trai-cay-duoc-mua-nhung-con-do-noi-lo-tieu-thu-gia-ca

Khoảng 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký mua vải thiều

Khoảng 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký mua vải thiều

BẮC GIANG – Sắp đến vụ thu hoạch vải thiều, nên thời điểm này nhiều thương nhân Trung Quốc đã chủ động đăng ký đến Bắc Giang để thu mua quả vải.

Năm 2021, người dân Bắc Giang thắng lợi vụ vải thiều

Theo Sở Công Thương, đến thời điểm này có gần 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Bắc Giang để thu mua vải thiều năm 2022. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh đang tham mưu, hướng dẫn những thương nhân này thực hiện thủ tục nhập cảnh theo trình tự quy định của pháp luật.

Vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao, mã đẹp được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Nhiều năm qua, thương nhân Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ với chủ các điểm cân, thương nhân của Việt Nam thu mua, đưa vải thiều tiêu thụ vào thị trường tỷ dân này.

Việc thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều của Bắc Giang sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.

Ngành nông nghiệp Bắc Giang cho biết, năm nay, tình hình thời tiết thuận lợi, dự báo vải thiều Bắc Giang chất lượng tốt hơn năm trước, sản lượng toàn tỉnh ước đạt hơn 160.000 tấn.

Đến nay, Bắc Giang đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Nếu tình hình dịch như hiện nay sẽ thực hiện kịch bản 50/50 (tiêu thụ 50% thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu), trong đó sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).

Còn nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid” sẽ xuất khẩu 30%, còn lại tiêu thị nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại và sấy khô.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/khoang-70-thuong-nhan-trung-quoc-dang-ky-mua-vai-thieu

Việt Nam tập trung xuất khẩu gạo ngon tới thị trường ASEAN

Việt Nam tập trung xuất khẩu gạo ngon tới thị trường ASEAN

Với dân số gần 700 triệu người, ASEAN là thị trường cực kì quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.

ASEAN là thị trường lớn nhập khẩu gạo của Việt Nam

Dân số đông, có vị trí địa lý trong khu vực, cùng với những nét tương đồng về văn hóa, ASEAN là một thị trường cực kì quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam, Philippines là thị trường lớn nhất. Năm 2021, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng nhập khẩu đạt 2,45 triệu tấn, đạt kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020. Philippines cũng chiếm 39,4% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Quý I/2022 tiếp tục ghi nhận kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines với 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu.

Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như: Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. Trong đó, thị trường Malaysia tăng trưởng mạnh với số liệu tháng 1/2022 là 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD, tăng 163,4% về lượng và  156% về kim ngạch so với tháng 12/2021.

Hiện gạo xuất khẩu sang Philippines và các nước ASEAN khác chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25%, chủ yếu cạnh tranh bằng giá. Về mặt chiến lược, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường, tăng tỉ trọng sản xuất lúa gạo chất lượng cao từ 35-40% lên 75-80% vào năm 2020.

Việc này giúp tăng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau năm 2020. Tuy nhiên, với sự chuyển dịch này, gạo Việt Nam lại gặp khó khăn do không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.

Vì vậy, hiện cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo cũng được điều chỉnh, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn vào năm 2030.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang các nước ASEAN, ngành gạo còn phải  rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…

Cuối cùng, Việt Nam cần tận dụng các hiệp định thương mại với các nước trong khu vực, cải thiện trình độ công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư.

Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN nắm bắt được các thông tin như: Nhu cầu thị trường, yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu, ngày 5/5/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN diễn ra tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. 

Trong phiên tư vấn, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia sẽ thông tin về tình hình thị trường gạo Indonesia và các cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bà Lê Thị Phương Hoa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào sẽ chia sẻ về mặt hàng gạo tại thị trường Lào; Bà Trần Lê Dung, Bí thứ thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẽ nêu một số vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu gạo sang Malaysia; Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ giới thiệu tình hình thị trường gạo Singapore niên vụ 2021 – 2022; Ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm gieo trồng, thu hoạch gạo của Thái Lan với doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/viet-nam-tap-trung-xuat-khau-gao-ngon-toi-thi-truong-asean

Thị trường tiêu thụ nông lâm và thủy sản được khơi thông, mở rộng

Thị trường tiêu thụ nông lâm và thủy sản được khơi thông, mở rộng

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng 4/2022 tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân tại các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu tại các địa phương phía Nam.

Chăn nuôi trong tháng 4 đang khởi sắc dần sau khi dịch Covid-19 được phục hồi

Chăn nuôi đang trong đà hồi phục, nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Thời tiết trong tháng thuận lợi cho việc trồng rừng, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,6 triệu m3, tăng 5,9%.

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản phát triển khá cả ở thả nuôi mới và thu hoạch sản phẩm. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.

Cụ thể, về nông nghiệp: Tính đến ngày 15/4, cả nước gieo cấy được 2.990,5 nghìn ha lúa đông xuân; gieo trồng được 375,5 nghìn ha ngô; 52,8 nghìn ha khoai lang; 12,6 nghìn ha đậu tương; 110 nghìn ha lạc; 584,4 nghìn ha rau đậu.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng 4 phát triển ổn định. Ước tính đến cuối tháng 4, tổng số lợn tăng 5,5% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số bò tăng 1,3%; tổng số trâu giảm 1,9%; tổng số gia cầm tăng 2,2%.

Tính đến ngày 24/4, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở 5 địa phương; dịch tả lợn châu Phi còn ở 27 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 4 địa phương chưa qua 21 ngày.

Bảng thống kê về sản xuất nông lâm, thủy sản tháng 4/2022

Về lâm nghiệp: Trong tháng 4, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 67,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 34,8 triệu cây, tăng 6,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4,7 triệu m3, tăng 4,4%; sản lượng củi khai thác đạt 6,2 triệu ste, tăng 0,7%.

Tình hình thiệt hại rừng 4 tháng đầu giảm so cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 4 ước tính 118,6 ha, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 4,3 ha, giảm 77,5%; diện tích rừng bị chặt phá là 114,3 ha, tăng 14,6%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng bị thiệt hại là 361,8 ha, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 13,7 ha, giảm 89,8% (diện tích rừng bị cháy cùng kỳ năm trước là 134 ha); diện tích rừng bị chặt phá là 348,1 ha, giảm 0,4%.

Về thủy sản: Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736,4 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 380,4 nghìn tấn, tăng 5,8%; sản lượng thủy sản khác ước đạt 356 nghìn tấn, giảm 0,6%

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.600 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng nuôi trồng đạt 1.368,4 nghìn tấn, tăng 5,3%; sản lượng khai thác đạt 1.231,6 nghìn tấn, giảm 1% (sản lượng khai thác biển đạt 1.177,3 nghìn tấn, giảm 1,1%).

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/thi-truong-tieu-thu-nong-lam-va-thuy-san-duoc-khoi-thong-mo-rong

Nông nghiệp hữu cơ: Xu hướng mới gia tăng giá trị nông sản

Việc nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ không những nâng cao sản lượng, giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường.

Nâng cao năng suất và thu nhập, tiết kiệm chi phí đồng thời giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường là hiệu quả mang lại từ những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ đã và đang được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Những ngày này, cánh đồng su su ngay dưới chân núi Tam Đảo ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc luôn tấp nập người dân thu hái, vận chuyển su su. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá su su luôn ở mức cao nên bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi.

Bà Lê Thị Chín, thôn Làng Hạ, xã Hồ Sơn chia sẻ, với 2 sào su su sau hơn 1 năm tham gia mô hình theo hướng hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm với tiêu chuẩn “5 không”: Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích sinh trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại.  Khi vào vụ, bình quân 2 ngày/lần gia đình sẽ thu hoạch ngọn su su.

Mô hình trồng su su hữu cơ ở Vĩnh Phúc.

Nếu những ruộng su su canh tác theo phương pháp thông thường chỉ thu được 35 – 40kg/sào/lần hái thì ruộng nhà bà Chín cho sản lượng từ 45 – 50kg. Với giá bán bình quân 14.000 đồng/kg, mỗi tháng bà Chín có thể thu cả chục triệu đồng, trong khi mỗi vụ su su có thể thu hoạch kéo dài từ 7 – 8 tháng.

“Trước đây bón phân vô cơ và những loại phân thông thường chi phí từ 2 – 3 triệu/sào, còn bón phân bón hữu cơ chỉ hơn 1 triệu/sào nhưng giá su su bán ra lúc nào cũng cao hơn. Su su bán chợ có nhiều giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg nhưng su su trồng theo hướng hữu cơ lúc nào giá cũng cao nhất. Về chăm bón, phân hữu cơ không gây hại như bón phân vô cơ mà cây lại sinh trưởng tốt, chất lượng rau ngon”, bà Chín cho biết.

Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ của người dân trên địa bàn ngày càng tăng, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân sản xuất an toàn. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Vĩnh Phúc đã cấp kinh phí 45 tỷ đồng hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trồng trọt an toàn, theo hướng hữu cơ, xử lý rơm rạ, môi trường.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, để sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ ngày càng phát triển, có chỗ đứng trên thị trường, Bộ NN&PTNT cần ủy quyền cho Sở NN&PTNT các địa phương đứng ra cấp mã số vùng trồng cho các vùng sản xuất trên cơ sở thống nhất theo chỉ đạo của Bộ.

“Ngay cả sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng cần có mã số vùng trồng, do vậy, nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền cho các Sở thực hiện thì tiến độ sẽ nhanh hơn rất nhiều lần”, ông Dũng đề xuất.

Từ cách làm của doanh nghiệp trong gần 20 năm qua, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, phát triển canh tác theo hướng hữu cơ là đòi hỏi tất yếu để cung cấp những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng; định hướng sản xuất hữu cơ tạo ra giá trị nhân văn, là xu thế của tương lai cũng là mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp đang phối hợp với nhiều địa phương chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, từ đó có thể sản xuất phân hữu cơ từ chính những phụ phẩm nông nghiệp xung quanh vốn đang bị vứt bỏ một cách lãng phí. Nếu địa phương nào có lãnh đạo và ngành chuyên môn quan tâm, các mô hình sản xuất hữu cơ sẽ phát triển nhanh và có sự lan tỏa mạnh mẽ”, ông Bá cho biết.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá phân bón tăng tới 200% thì giá phân bón hữu cơ chỉ tăng 20% – 30%, bởi vậy việc nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường.

Giám sát sinh trưởng su su theo hướng hữu cơ ở Tam Đảo.

Bà Phạm Thị Vượng, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, thực tế sản xuất những mô hình sử dụng phân bón hữu cơ ở nhiều địa phương đã giúp tăng đáng kể hiệu quả sử dụng đất, mật độ số giun trong đất tăng cao, các chủng vi sinh vật có ích cũng tăng, hàm lượng kim loại nặng giảm, sản phẩm không còn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

“Từ thực tế hiệu quả mô hình trồng su su theo hướng hữu cơ ở Hồ Sơn, ban đầu chỉ có 1 hộ tham gia nhưng chỉ sau 1 năm diện tích đã tăng lên 20 ha. Canh tác theo hướng hữu cơ bà con nông dân sẽ được 1 chữ “L” là lãi, và 2 chữ “H” đó là hạnh phúc và hồi sinh vì không lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, người tiêu dùng được ăn sản phẩm sạch, an toàn”, bà Vượng chia sẻ.

Trong Chỉ thị về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN&PTNT tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp.

Đối với các doanh nghiệp thực hiện cam kết về sản xuất, sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; chủ động tham gia liên kết sản xuất để hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ./.

Trồng bưởi da xanh tiêu chuẩn VietGAP: Hướng đi bền vững cho bà con ở Bến Tre

Trồng bưởi da xanh tiêu chuẩn VietGAP: Hướng đi bền vững cho bà con ở Bến Tre

Bưởi da xanh có thể xem là một trong 5 loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh Bến Tre, được đưa vào nhóm cây ăn quả chất lượng cao và được xác định là cây ăn trái chủ lực có lợi thế trong phát triển kinh tế vườn của tỉnh Bến Tre thời gian tới.

Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh là 5.904 ha, chiếm 20% diện tích cây ăn trái, trong đó diện tích đã và đang cho quả trên 4.000ha, trồng mới gần 130 ha, đến nay toàn tỉnh có 55,5 ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năng suất gần 12 tấn/ha, sản lượng trên 47 nghìn tấn/năm. Vùng trồng tập trung ở các huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Chợ Lách và thành phố Bến Tre.

Theo thống kê hàng năm của tỉnh, diện tích bưởi da xanh tăng dần và đây được xem là một trong những cây trồng làm giàu cho nông dân vì năng suất cao mà giá thành cũng cao, ổn định, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Khi triển khai mô hình hữu cơ, cái khó nhất là nông dân phải thật sự “đoạn tuyệt” với phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, điều mà theo thói quen sản xuất, người dân vẫn sử dụng bấy lâu nay.

Anh Huy (xã châu Long, Bến Tre) chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây chỉ có trồng một số loại cây ăn quả như: cam, nhãn, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhưng năng suất đầu ra kém, bấp bênh. Năm 2010, tôi quyết cải tạo vườn trồng cây bưởi da xanh chuyên canh theo hướng hữu cơ trên diện tích 2ha. Lúc đầu tôi chỉ trồng vài chục gốc, sau này thấy Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, phù hợp với giống cây bưởi da xanh kết hợp áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên vườn cây ngày một tươi tốt. Sau 3 năm, vườn bưởi đã lên trái xum xuê, trĩu quả nên tôi nhân rộng trồng lên vài trăm gốc và đều đạt sản lượng”.

Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại năng suất cao, giúp bà con có thu nhập ổn định, sớm thoát nghèo. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, bưởi da xanh ở Bến Tre càng được thương lái ưa chuộng. Giá bưởi loại 1 dao động từ 35.000 đồng – 45.000 đồng/quả. Bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 60 tấn bưởi, mỗi ngày có thể tiêu thụ được cả tấn bưởi. Mỗi năm nguồn lãi có thể thu về gần 1 tỷ đồng. 

Bưởi da xanh được chăm sóc đúng kỹ thuật cho giống bưởi da căng, vỏ mỏng

Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng nặng nề đến năng suất tiêu thụ bưởi da xanh. Nhiều tỉnh, thành khác thực hiện giãn cách xã hội, thương lái không thể đến thu mua, nên lượng bưởi tồn đọng khá lớn làm ảnh hưởng lớn tới giá cả, được mùa nhưng mất giá.

Nếu không được tiêu thụ kịp thời, nhà vườn không chỉ thất thu mà còn ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc vụ tiếp theo. Vì bưởi chín mà không hái kịp sẽ bị khô nước. Còn giữ lại trái bưởi trên cây khi mưa giông dễ khiến cây bị gãy đổ, hư hại.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Bến Tre có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ trên trái bưởi da xanh. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình an toàn được chứng nhận đã giúp bà con trồng bưởi vững vàng giữa đại dịch”.

Nhà nông phân loại bưởi để đưa tới nhà xưởng sản xuất

Dù khá nổi tiếng và hàng năm cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn tấn trái, nhưng bưởi da xanh Bến Tre vẫn loay hoay với thị trường nội địa. Mặc dù có rất nhiều đơn đặt hàng từ các nước như Đức, Pháp, Canada, Hà Lan, Nga, Trung Quốc… nhưng bưởi da xanh Bến Tre chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân là do sản xuất manh mún, thiếu liên kết, sản lượng và chất lượng trái bưởi không ổn định, số lượng không đủ để các doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng xuất khẩu ra ngoài nước.

Video: Mô hình trồng bưởi da xanh ở Bến Tre

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/trong-buoi-da-xanh-tieu-chuan-vietgap-huong-di-ben-vung-cho-ba-con-o-ben-tre

Phân cấp quản lý mã số vùng trồng về địa phương

Phân cấp quản lý mã số vùng trồng về địa phương

 

Tại hội nghị phổ biến các quy định mới về xoài xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản vừa qua tại An Giang và Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, số lượng mã số vùng trồng các Chi cục địa phương quản lý hiện rất lớn.


Hội nghị phổ biến các quy định mới về xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản tổ chức trực tiếp và trực tuyến ngày 14/3/2022 tại An Giang

Trên quan điểm giúp người dân nâng cao hơn nữa nhận thức về mã số vùng trồng, cũng như các kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”…, Cục BVTV chủ trương bàn giao dần những mã số đã được cấp từ Chi cục về huyện (Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, Phòng NN-PTNT huyện).

Trong quá trình chuyển giao, Chi cục địa phương cần phối hợp với các đơn vị cấp huyện giám sát mã số vùng trồng theo quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hàng năm, Chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra, rà soát lại công tác giám sát mã số vùng trồng đã cấp, với tỷ lệ khoảng 10 – 15% hồ sơ mà Trạm Trồng trọt và BVTV cấp huyện quản lý.

Chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ chỉ kiểm tra các vùng trồng được đề nghị cấp mã số mới. “Trong quá trình này, chúng ta cần tăng cường công tác tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp để thay đổi nhận thức”, bà Hương nói.

Theo Cục BVTV, định hướng mới của Cục sẽ giúp bà con nông dân hiểu rõ và nắm chắc hơn những yêu cầu xuất khẩu. Trong bối cảnh các nước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, bao bì, cách làm này sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bài bản, bền vững hơn.

Cùng với việc giải đáp thắc mắc của các đại biểu và bà con nông dân, bà Hương còn giới thiệu cho đại biểu tham dự cách tra cứu thuốc BVTV bằng phần mềm tra cứu thuốc BVTV trên điện thoại. Các thao tác truy cập phần mềm cơ sở dữ liệu về phân bón và những quy định mới về kiểm dịch thực vật của các nước trên website Cục BVTV cũng được cán bộ Cục BVTV hướng dẫn.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh An Giang được cấp 236 mã số cho 123 vùng trồng (xoài, lúa, mít và chuối) xuất khẩu. Trong đó, xoài 195 mã số của 82 vùng trồng (diện tích 5.146 ha). 

Trong năm nay, Cục BVTV đã tổ chức 1 lớp tập huấn online về quy định mã số vùng trồng trên lúa cho 84 lượt học viên; tập huấn 14 lớp cho 140 các cán bộ của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, Trạm Khuyến nông và cán bộ các huyện; tập huấn 20 lớp cho tổ chức, cá nhân, nông dân với 200 người.

Song song với đẩy mạnh xuất khẩu, Cục BVTV cũng phối hợp Sở NN-PTNT An Giang triển khai mô hình trình diễn thuốc BVTV sinh học trên đồng ruộng, hay “Cánh đồng ước mơ” góp phần bảo vệ môi trường, tạo thói quen cho nông dân giảm lượng thuốc BVTV hóa học. 

Ngành BVTV tại An Giang cũng đã triển khai 4 mô hình sử dụng phân bón tại các huyện Châu Thành, Tri Tôn, Chợ Mới và An Phú trên các giống OM 18, OM 5451 và VNG-20. Kết quả, các mô hình sử dụng phân bón ít hơn ruộng đối chứng của nông dân từ 100 – 130 kg/ha, giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/ha. 


Cán bộ Cục Bảo vệ thực vật và cán bộ, nông dân kiểm tra các vùng trồng xoài tại An Giang

Trong năm 2022, Cục BVTV sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT An Giang dự kiến tổ chức 5 lớp tập huấn trên lúa, cây ăn quả và rau màu. Ngoài ra, các mô hình “Không dấu chân”, “Canh tác lúa gạo bền vững”, “Mô hình bao lợi nhuận” sẽ được Cục tiếp tục thực hiện.

Tại Hội thảo ngày 14/3, một trong những vấn đề được người làm nông nghiệp An Giang quan tâm là xoài Cát Chu. Đây là mặt hàng được Nhật Bản chính thức mở cửa từ năm 2015, nhờ nỗ lực của Cục BVTV trong việc đàm phán, từng bước tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn các địa phương thiết lập vùng nguyên liệu đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm 

Để các vùng trồng xoài duy trì việc đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản, Cục BVTV khuyến cáo người dân không ngừng nâng cao kỹ thuật và trình độ sản xuất, đồng thời có những hiểu biết nhất định về quy định thị trường này.

Bảo Thắng (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Công văn số 953/BVTV-ATTP: Cập nhật một số nội dung đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu theo Lệnh 248 của Trung Quốc

Công văn số 953/BVTV-ATTP: Cập nhật một số nội dung đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu theo Lệnh 248 của Trung Quốc

 

Công văn số 953/BVTV-ATTP ngày 13/03/2022 về cập nhật một số nội dung đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu theo Lệnh 248 của Trung Quốc.

Tài liệu hướng dẫn sử dụng Hệ thống Quản lý đăng ký cho các doanh nghiệp thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài của Trung Quốc (bản mới) 

Quy định mới EU 2018/848 có làm khó nông sản hữu cơ Việt Nam?

Quy định mới EU 2018/848 có làm khó nông sản hữu cơ Việt Nam?

 

Các sản phẩm hữu cơ muốn xuất khẩu sang EU phải tuân thủ các quy tắc về sản xuất hữu cơ theo Quy định EU 848/2018 và phải được cấp chứng nhận xuất khẩu hữu cơ.

Thách thức lớn đối với các nhà xuất khẩu

Để tăng cường phát triển diện tích sản xuất hữu cơ cũng như thị trường nông sản hữu cơ, vào tháng 5/2020, Nghị viện Châu Âu đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động để phát triển sản xuất hữu cơ tại EU từ năm 2021 – 2027, nhằm hướng tới mục tiêu 25% diện tích đất nông nghiệp được áp dụng sản xuất hữu cơ vào năm 2030.

Trước đây, sản phẩm nông hữu cơ tại thị trường EU đang áp dụng theo các quy định (EC) số 834/2007. Với quy định này, EU cho phép các nước xuất khẩu áp dụng các tiêu chuẩn khác đã được đối chuẩn (benchmark) với yêu cầu của EU.

Điều này tạo nên sự không đồng nhất về mức chất lượng của các sản phẩm hữu cơ khi áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau. Ngoài ra, yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ của EU thường cao hơn so với yêu cầu của các tiêu chuẩn khác, do vậy tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các nhà sản xuất hữu cơ ở EU với các nhà sản xuất hữu cơ khác trên thế giới.

Trong thời gian vừa qua, EU cũng phát hiện một số trường hợp các nhà sản xuất có sự không minh bạch trong việc triển khai, áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ khác.

Bởi thế, Liên minh châu Âu đã đưa ra một bộ quy tắc mới theo Quy định (EU) số 2018/848 nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, đồng thời ngăn chặn gian lận và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng tại EU về các sản phẩm hữu cơ.

Quy định mới không chỉ kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm, mà còn liên quan đến quản lý đất và sản xuất thực phẩm. Bộ quy tắc đơn nhất này cũng sẽ áp dụng cho các nông dân ngoài EU xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của họ sang thị trường EU.

Với các quy định mới như vậy sẽ công bằng cho các nhà sản xuất nông nghiệp EU. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất hữu cơ ở các nước đang phát triển để có thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của quy định mới.

Sản xuất quế hữu cơ của Công ty Quế Việt Nam

Quy định mới của EU 2018/848

Hiện tại, Việt Nam đang xuất khẩu nông sản sang thị trường EU khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị nông sản xuất khẩu. EU đang là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông sản Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ).

Vậy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản hữu cơ sẽ thay đổi như thế nào khi áp dụng quy định hữu cơ mới EU 2018/848?

Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện tại, Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trên các thị trường khó tính thuộc EU, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam.

Với 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được cắt giảm trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.

0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp) được EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan, sẽ giúp cho hàng nông sản Việt Nam tăng cường lợi thế cạnh tranh về giá so với nông sản xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh không phải là thành viên hiệp định.

Một sản phẩm có thể xuất khẩu đến EU hoặc các quốc gia ngoài EU dưới dạng sản phẩm hữu cơ và có thể mang biểu tượng logo sản xuất hữu cơ của châu Âu với điều kiện sản phẩm đó phải tuân thủ các quy tắc về sản xuất hữu cơ theo Quy định EU 848/2018.

Sản phẩm hữu cơ xuất khẩu phải được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu hữu cơ để đảm bảo rằng sản phẩm hữu cơ xuất khẩu được thực hiện theo Quy định hữu cơ EU 2018/848.

Các Nguyên tắc chung của Quy định hữu cơ EU 2018/848

– Tôn trọng các chu trình và hệ thống tự nhiên cũng như là duy trì, nâng cao hiện trạng của đất, nước, không khí, sức khỏe của động vật, thực vật và cân bằng giữa chúng.

– Bảo tồn các yếu tổ cảnh quan tự nhiên như các khu di sản thiên nhiên; Sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng có trách nhiệm như đất, nước, các vật chất hữu cơ và không khí.

– Sản xuất nhiều loại thực phẩm chất lượng cao cùng như các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm hữu cơ này được sản xuất bằng cách sử dụng các quy trình không gây hại cho môi trường, sức khỏe con người và phúc lợi động vật.

– Đảm bảo tính toàn vẹn của sản xuất hữu cơ ở tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, phân phối thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

– Quản lý và thiết kế thích hợp quá trình sinh học, dựa trên các hệ thống sinh thái và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong hệ thống quản lý; Hạn chế sử dụng các yếu tố đầu vào từ bên ngoài.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/quy-dinh-moi-eu-2018-848-co-lam-kho-nong-san-huu-co-viet-nam-2

Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X