
Làm nông nghiệp hữu cơ nông dân được nhiều cái lợi
Hà Tĩnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị để nhân ra diện rộng; hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu cho sản xuất.
Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, Hà Tĩnh Đặng Trần Phong giúp đỡ tôi lăn lộn với những chuyển dịch đang ầm thầm thay đổi trên cánh đồng. Nơi tôi đến đầu tiên là Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Thống Nhất, của xã Xuân Lam. Làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nông dân được nhiều cái lợi, hạt gạo gia tăng giá trị, cánh đồng đã trở lại là nơi đa dạng sinh học.
“Cổ tích” đã trở lại
Chủ nhiệm HTX Thống Nhất Bùi Văn Chiến dẫn tôi ra cánh đồng. Nhiều nông dân đang bón phân cho lúa. HTX Thống Nhất này có 218 ha đất nông nghiệp. Toàn HTX có hơn 690 xã viên, đều là những nông dân giỏi giang, cần cù.
Hà Tĩnh nói chung, trong đó có Nghi Xuân từ nhiều năm trước đã vận động nông dân thực hiện cuộc dồn điền đổi thửa. Không dồn, không sử dụng được máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bây giờ đồng ruộng Nghi Xuân thẳng cánh cò bay.
– Anh thử tính, một công cấy bây giờ 400.000 đ, trong khi thuê máy cấy chỉ mất 120.000 đ/sào; trong khi 2 thợ cấy trong ngày mới xong 1 sào. Bùi Văn Chiến nói, người nông dân tính được ngay hơn, thiệt. Từ đó họ ủng hộ, không mất công vận động như trước.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Thống Nhất, Bùi Văn Chiến (phải) giới thiệu về trồng lúa hữu cơ
Theo Bùi Văn Chiến, trong số 218 ha, Thống Nhất có 10 ha cấy lúa, nuôi rươi. Từ năm 2022, bà con nông dân bắt đầu cải tạo đất. Con rươi, không hề dễ tính.
Theo anh Chiến, để cải tạo được 10 ha đó, mỗi nhà nông phải đầu tư vốn từ 1 đến 1,5 tỷ đồng. Hói Ải của xóm Minh Tân là nơi dẫn nước từ sông Lam về làm mát ngọt cánh đồng, và tạo môi trường cho rươi sinh trưởng. Nghề nào cũng phải công phu, tảo tần. Ngoài kinh phí cải tạo đất là mương dẫn nước, lắp cửa cống, sử dụng mùn hữu cơ bón lót dưới ruộng…Và phải học, không thầy đố mày làm nên, như thành ngữ Việt và việc ứng dụng tri thức mới.
“Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ”, mô hình ngày càng lan tỏa, không riêng ở Nghi Xuân, mà nhiều nơi ở Hà Tĩnh. Năm 2022 nông dân Hà Tĩnh, trong đó có Nghi Xuân bắt đầu thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ. Sau đó tỉnh hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 – 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 2.500 ha.
Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Tĩnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị để nhân ra diện rộng; hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ…
Anh Bùi Văn Chiến tâm đắc, không chỉ chủ trương mà kỹ thuật nằm lòng. Sau khi tiến hành sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ, ai dùng thuốc bảo vệ thực vật thì rươi xuất hiện và phát triển khá nhanh. Các loại sinh vật sống ở ruộng như: niềng niễng, cà cuống, cáy… được tái sinh; các loại ốc, cá, cua đồng cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Một thời bị hủy diệt, bây giờ “cổ tích” đã xuất hiện.
– Truyền thông kết hợp với hướng dẫn ngay đầu bờ, anh à, Bùi Văn Chiến khẳng định. Về phía huyện Nghi Xuân, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện rất chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng nguồn nhân lực để triển khai nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Phác thảo một “không gian”
Nghi Xuân có gì? Nghi Xuân không chỉ có biển, đồng bằng mà có nhiều tiềm năng phi vật thể, tạo ra dư địa phát triển.
Nói về tự nhiên, địa hình, địa mạo, trên có núi Hồng, dưới có sông Lam, khi mở rộng phát triển sẽ tiếp cận với vùng ven biển tạo nên địa thế của đô thị “sơn, thủy hữu tình”. Khi đó Nghi Xuân sẽ là điểm nhấn, đối xứng với TP. Vinh, trung tâm văn hóa, chính trị và du lịch của tỉnh Nghệ An qua trục sông Lam.
Đây là vùng địa linh, nhân kiệt, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới và nhà văn hóa, quân sự, chính trị Nguyễn Công Trứ, quê hương của ca trù Cổ Đạm. Nói không ngoa, đây là điểm kết nối lý tưởng với các địa danh du lịch, các địa danh lịch sử của cả tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nông dân bón phân hữu cơ trên thuở ruộng lúa – rươi.
GS.TS. Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, tác giả của đề án “Sử dụng đa mục tiêu Tài nguyên nước gắn với du lịch sinh thái, cội nguồn văn hóa tỉnh Hà Tĩnh”, trong đó có phần nói về Nghi Xuân.
Theo đề án ông đề xuất, nên lựa chọn, bổ sung vùng đô thị Nghi Xuân thành một “Đô thị cội nguồn văn hóa” theo hướng lấy nguồn nước làm trung tâm, tái tạo lại các hoạt động lao động, sản xuất và văn hóa lịch sử truyền thống ngày xưa làm điểm đến cho hình thức du lịch văn hóa trải nghiệm.
Hiện nay Hà Tĩnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị trên đảo Xuân Giang và vùng ven sông Lam tiếp giáp với đảo giữa dòng Lam.
“Phải lấy việc khôi phục và nâng cấp sông Đồng Kèn (còn gọi là Rào Mỹ Dương) làm trung tâm của đô thị mới”, GS Hòa nêu ý tưởng.
Hiện tại, ngoài sông Lam “bổ đôi Nghệ Tĩnh”, (thơ Trần Mạnh Hảo), trên địa bàn Nghi Xuân có sông Đồng Kèn. Tiếc là, phần lớn đã bị bồi lấp, và thu hẹp, về mùa mưa sông không còn khả năng trữ nước phục vụ sản xuất và cắt lũ.
Đồng Kèn bắt nguồn từ núi Ông Bảng, dài khoảng 29km chảy vòng quanh chân núi Hồng Lĩnh đi qua địa phận các xã Xuân Viên, Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Liên và Cương Gián thuộc huyện Nghi Xuân và đổ ra biển tại cửa Song Nam, có diện tích lưu vực khoảng 73km2. Trong đó đoạn thượng lưu đến hồ Mỹ Dương dài khoảng 17km và đoạn sông sau đập Mỹ Dương là 12km.
“Chúng tôi kiến nghị phục hồi và mở rộng sông theo phương án mở rộng đoạn Rào Mỹ Dương (thượng nguồn sông) theo hình thức vừa sông (để thoát nước) vừa là hồ để trữ nước. Với dung tích trữ nước vào khoảng 30 triệu m3. Toàn bộ đất lòng hồ được tôn tạo sang 2 bên bờ sông để hình thành các khu làng văn hóa, du lịch” vẫn theo GS Hòa. Ông nói, khi đó phía tả của sông Đồng Kèn chạy men theo chân núi Ông Bảng sẽ bố trí các khu nhà vườn mô phỏng đời sống của người dân vùng núi sinh sống bằng nghề đốn củi, săn bắn. Phía bờ hữu của sông Đồng Kèn bố trí các làng nghề truyền thống (trồng lúa, khoai, lạc,..); xen kẽ là các khu văn hóa truyền thống được tái tạo, phục dựng.
Nếu tổ chức được “không gian văn hóa” du khách sẽ được hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này; vừa có thể trải nghiệm, tham gia các công việc truyền thống nhà nông như trồng lúa, trồng khoai, lạc, bắt cá,..

Sông Đồng Kèn
Tôi đã có những trải nghiệm được thưởng thức các hình thức văn hóa dân gian Xứ Nghệ về hát ví giặm, hát phường vải,..; thưởng thức các món ăn quê dân dã từ đồng ruộng, sau khi được “tái sinh” đa dạng sinh học.
Rời Nghi Xuân, tôi nhớ mãi Chủ nhiệm HTX Thống Nhất Bùi Văn Chiến và nông dân Lê Văn Sơn trên cánh đồng Xuân Lam. Khi tôi đến, Lê Văn Sơn đang bón phân cho lúa, biết tôi là người mê mẩm với nông nghiệp sinh thái, “bợm” rươi, hai anh dặn tôi: “Hôm nào đến mùa bắt rươi, bọn em mời anh về”.
Trước mặt tôi là Lam Giang, sau lưng là Hồng Lĩnh hùng vĩ, xứ Nghệ gọi bằng phương ngữ là Rú Hồng. Rú Hồng ai đắp mà cao. Gió sông Lam hắt lên mát rượi.
Ngô Đức Hành
Theo nongnghiepmoitruong.vn
Thiếu quỹ đất, HTX nông nghiệp Thái Nguyên khó phát triển bền vững
Thiếu quỹ đất khiến nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Nguyên khó triển khai sản xuất tập trung quy mô lớn hoặc ứng dụng khoa học công nghệ, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững kinh tế hợp tác.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 541 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với 32.000 thành viên, người lao động. Các HTX đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động với thu nhập bình quân đạt từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng,
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế hợp tác xã tại Thái Nguyên gặp phải một số vấn đề mang tính cố hữu, một trong số đó là quỹ đất để các HTX hoạt động sản xuất ổn định, lâu dài. Thiếu quỹ đất đã và đang ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh, sự phát triển bền vững của HTX.
HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú tại Phú Bình thành lập năm 2017, với 7 thành viên. Hiện nay, HTX có khoảng hơn 3ha đất chủ yếu là trồng dưa chuột. Tuy vậy số đất này lại phân tán theo sở hữu của từng thành viên, việc không tập trung trên một diện tích lớn đã khiến những định hướng về sản xuất của hợp tác xã này gặp khó.
Bà Âu Thị Phương Hà – Phó Giám đốc HTX Phú Lương – cho biết, “Dù định hướng của HTX là tạo ra những sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhưng đến nay chưa thực hiện được. Việc sản xuất trên đất riêng lẻ, không liên tục trong năm, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chặt chẽ về điều kiện canh tác, nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật” – bà Hà chia sẻ.
Không chỉ gặp khó trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc thiếu quỹ đất sản xuất tập trung còn khiến HTX khó trong triển khai các phương án cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, dù đã có nhiều năm hoạt động hiệu quả trong việc liên kết trong trồng một số loại rau ăn lá và ăn quả, nhưng HTX vẫn gặp khó khăn khi muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bởi đất đai phân tán nhỏ lẻ.
“Ai cũng hiểu được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ nâng cao chất lượng, năng suất và cả giá thành sản phẩm nhưng làm được với chúng tôi cũng không dễ. Đơn cử như chúng tôi có ý định đầu tư nhà kính, nhà màng để trồng rau theo tiêu chuẩn mới nhưng 5 năm nay chưa làm được vì đất canh tác nằm rải rác”, ông Miêu Văn Long – Giám đốc HTX Nam Hòa – cho hay.
Theo Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, hơn 4 năm qua (từ năm 2020 đến 2024) toàn tỉnh đã tăng thêm được 175 HTX, tuy vậy số hợp tác xã thực sự hoạt động hiệu quả chỉ chiếm trên 55%. Một trong những nguyên nhân là do nhiều HTX chưa có hoặc chưa thể tiếp cận được với nguồn lực đất đai.
Bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên – cho biết, việc hỗ trợ để các HTX được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó các HTX có điều kiện để thuê lại đất sản xuất lâu dài của người dân để phục vụ sản xuất sẽ giúp các hợp tác xã phát triển ổn định, có tính lâu dài.
“Sớm tháo gỡ những khó khăn về đất đai sẽ giúp các hợp tác xã nông nghiệp nâng tầm hoạt động, đưa sản phẩm nông nghiệp địa phương vào chuỗi giá trị cao hơn, góp phần nâng cao đời sống người dân” – bà Hương nhận định.
Việt Bắc
Theo laodong.vn
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng 3,5% cho ngành nông nghiệp

Bức tranh kinh tế đầu năm 2025 của Thái Nguyên cho thấy nhiều gam màu xám đối với ngành nông nghiệp tại địa phương này. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị quý 1/2025 của tỉnh ghi nhận sự tăng trưởng chung của các lĩnh vực kinh tế – xã hội, nhưng riêng ngành nông nghiệp lại có mức tăng trưởng thấp hơn bình quân và đáng lo ngại hơn là thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024.
KHÓ KHĂN “BỦA VÂY” VÀ KỲ VỌNG NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Những khó khăn này không chỉ đến từ yếu tố nội tại mà còn chịu tác động mạnh mẽ từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Sự phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu, tình trạng lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao đang gây áp lực lên chi phí sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế sâu rộng và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là với các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng từ các nước nhập khẩu, đang đặt ra những rào cản không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu, nhất là mặt hàng chè vốn là thế mạnh của Thái Nguyên.
Trong nước, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi vẫn luôn tiềm ẩn. Mặt khác, kinh tế hộ gia đình vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại Thái Nguyên, việc ứng dụng sản xuất an toàn nhờ công nghệ cao còn hạn chế, cùng với đó là sự chậm phát triển của công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp phụ trợ.
Mặc dù đối diện với không ít thách thức, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên vẫn thể hiện quyết tâm cao độ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. Tại Kỳ họp thứ XXIII, Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh năm 2025 là năm “tăng tốc, bứt phá” để tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Mục tiêu tăng 3,5% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được đánh giá là khả thi, dù những tháng đầu năm có những khó khăn nhất định.
Theo đó, để đạt được mục tiêu này, Thái Nguyên xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn và hữu cơ là giải pháp then chốt. Tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước hết là sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương. Chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thái Nguyên tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, đặc biệt là phát triển và nâng cao giá trị cây chè Thái Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng khẳng định việc ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo là lựa chọn duy nhất và tất yếu để các hợp tác xã nông nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh và vươn lên trong kỷ nguyên mới.
ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thái Nguyên đang tích cực thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành công đã được triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực trồng chè, rau, hoa và cây ăn quả.
Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất chè, từ khâu trồng trọt theo hướng hữu cơ đến bảo quản, chế biến và quảng bá sản phẩm, đang được đẩy mạnh. Tỉnh cũng tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP gắn với ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời tăng cường liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản trong chuỗi giá trị.
Tỉnh khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thái Nguyên sẽ có thêm động lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong năm 2025 và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong những năm tiếp theo.
Tú Anh
Theo vneconomy.vn
Xanh mướt trang trại nông nghiệp thuận tự nhiên ở Hà Nội
Đất tơi xốp, cây xanh rì, rau quả tươi ngon đều xuất hiện tại trang trại nông nghiệp hữu cơ thuận tự nhiên ở Sóc Sơn (Hà Nội) hướng đến an toàn và bền vững.
Trong bối cảnh an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng đang trở thành mối quan tâm hàng đầu, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ không chỉ là xu hướng phát triển bền vững mà còn là lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng sống. Không sử dụng hóa chất độc hại, chú trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, mô hình nông nghiệp sạch đang ngày càng chứng minh giá trị cả về kinh tế lẫn môi trường.

Hà Nội là một trong những nơi tiên phong trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Từ các vùng ngoại thành đến ven đô, nhiều hợp tác xã, trang trại, cá nhân tiêu biểu đã góp phần lan tỏa mô hình sản xuất xanh, sạch và giàu tính nhân văn này.

Nằm ở phía Bắc Thủ đô, Sóc Sơn – vùng đất có rừng, núi và đồng bằng trù phú – đang từng bước chuyển mình theo dòng chảy của nông nghiệp hữu cơ. Với điều kiện thổ nhưỡng tốt, khí hậu trong lành, nơi đây vốn là vùng canh tác nông nghiệp truyền thống từ bao đời.

Về Sóc Sơn ngày hôm nay, những luống rau hữu cơ, vườn trái cây không hóa chất, những đàn gia cầm nuôi theo chuẩn tự nhiên… đang dần thay thế cách làm nông nghiệp cũ. Tư duy sản xuất xanh không chỉ được ươm mầm mà còn lan tỏa, bén rễ trong cộng đồng.

Vốn là một kỹ sư xây dựng, được tiếp xúc với nông nghiệp sạch trong quá trình du học nước ngoài, anh Hoàng Hải Minh (phải) đã quyết định trở về quê hương để theo đuổi khát vọng sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên. Và từ đó, trang trại nông nghiệp hữu cơ Dako Farm tại Sóc Sơn đã ra đời.

Xác định sản phẩm sạch là mấu chốt của phát triển bền vững, anh Minh đã chủ động tìm kiếm nguồn nước sạch, phân bón an toàn và thuốc bảo vệ thực vật từ tự nhiên. Những luống hành tây xanh mướt, khu nhà màng trồng ớt chuông, măng tây và nho mẫu đơn đều được tưới mát bởi dòng nước suối tự nhiên, mát lành. Phân bón là loại phân chuồng ủ hoai, thuốc bảo vệ thực vật là những chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt… Bên cạnh đó, hệ thống tưới tiêu cũng được đầu tư với công nghệ hiện đại, vừa tiết kiệm nước vừa đảm bảo cung cấp đúng và đủ lượng cho cây trồng.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, mảnh đất nơi trang trại đặt chân ngày càng trù phú. Đất tơi xốp, cây xanh rì, rau quả tươi ngon và thơm đượm vị thiên nhiên. Đi qua nhiều vùng sản xuất, thử nghiệm nhiều mô hình, anh Hoàng Hải Minh đúc kết rằng, nông nghiệp thuận tự nhiên vẫn là an toàn và bền vững nhất. Dù phải chấp nhận nhiều rủi ro nhưng anh vẫn kiên định lựa chọn, cần mẫn chăm chút cho trang trại mỗi ngày để giờ đây đã dần mang về những trái ngọt.

Với 4 loại cây trồng thế mạnh măng tây, nho mẫu đơn, ớt chuông và hành tây, những sản phẩm nông nghiệp của trang trại đang từng bước khẳng định thương hiệu. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và được các doanh nghiệp tin tưởng để liên kết xuất khẩu, trong đó chủ yếu là thị trường Hàn Quốc.

Điều quan trọng nông nghiệp hữu cơ mang lại chính là sức khỏe cho người tiêu dùng và cả người sản xuất. Trong những ngày này, đến với trang trại không chỉ cảm nhận được không khí trong lành, mùi hương của rau quả tươi, mà còn nghe thấy tiếng nói cười rộn ràng của người dân nơi thôn quê thanh bình. Không còn lo lắng vì hóa chất độc hại hay công việc nặng nhọc, họ gọi đó là niềm hạnh phúc của người nông dân.

Với cách làm tử tế, kiên trì và giàu tâm huyết, trang trại đang là một điểm sáng cho phát triển nông nghiệp sạch giữa vùng ven đô Hà Nội. Từ một ước mơ nhỏ, giờ đây mô hình ấy đang gieo niềm tin, gặt trái ngọt và lan tỏa cảm hứng về một nền nông nghiệp thân thiện, bền vững.

Giữa một thế giới đang ngày càng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, nông nghiệp sạch không chỉ là lựa chọn, mà là con đường tất yếu để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường và giữ gìn sự sống bền vững.
Phạm Hiếu
Theo nongnghiep.vn
Bình dân hóa loại nấm quý để chữa bệnh cho nhiều người
Đông trùng hạ thảo được cho là có tác dụng nhất định với bệnh nhân tiểu đường, mắc bệnh tim mạch hay ung thư, nhưng hiện giá thành sản xuất còn tương đối cao.
Nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo không sử dụng nhộng tằm
Đầu tư nuôi đông trùng hạ thảo bởi một ‘chữ duyên’
Liên kết sản xuất đông trùng hạ thảo nhộng tằm hữu cơ

Hội đồng khoa học phản biện về đề tài nghiên cứu sản xuất đông trùng hạ thảo. Ảnh: Bảo Thắng.
Từ lâu, đông trùng hạ thảo đã được biết đến là một dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng dương, tăng cường miễn dịch và một số công dụng khác.
Một trong những đặc tác dụng đáng chú ý nhất của loại nấm này là hoạt tính kháng ung thư, được ghi nhận trên nhiều dòng tế bào ung thư phổi, vú, gan, da… và trên chuột. Các thành phần hoạt tính sinh học có tác động chống ung thư chủ yếu từ polysaccharide, sterol, adenosine và đặc biệt cordycepin.
TS Xuanwei Zhou, Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học, Đại học Giao thông Thượng Hải chỉ ra 6 cơ chế kháng ung thư của đông trùng hạ thảo.
Đó là: (i) tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch và miễn dịch tự nhiên; (ii) ức chế có chọn lọc tổng hợp RNA, từ đó ảnh hưởng tới tổng hợp protein; (iii) hoạt động chống oxy hóa và chống các gốc tự do; (iv) chống đột biến; (v) làm nhiễu quá trình sao chép của virus cảm ứng khối u; (vi) cảm ứng methyl hóa nucleic acid.
Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo chưa được công nhận là thuốc do mắc phải những rào cản tương tự nhiều polysaccharide khác như, cấu trúc phức tạp dẫn đến hoạt tính và chuyển hóa phức tạp, không ổn định; cơ chế kháng ung thư chưa rõ ràng. Polysaccharide cũng tương đối khó tan, khiến cho cấu trúc của chất này trở nên phức tạp hơn.
Tại Việt Nam, người dân tiếp xúc với đông trùng hạ thảo còn hạn chế, một phần nguyên nhân nằm ở giá bán. Một sản phẩm hoàn chỉnh có thể lên tới vài, thậm chí chục triệu đồng. Ngược lại, một số mặt hàng khác có giá rẻ hơn, khiến người tiêu dùng băn khoăn khi chọn lựa.

Ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Vitad-Agri, nêu quan điểm ủng hộ dự án. Ảnh: Bảo Thắng.
Làm thế nào để ngày càng nhiều người Việt Nam được sử dụng đông trùng hạ thảo là mục tiêu được Hội đồng khoa học do PGS.TS Trần Mạnh Trí, Chủ tịch hội đồng, Trưởng bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt ra.
Theo ông Trí, thế giới hiện có 2 chủng đông trùng hạ thảo chính, đó là Cordyceps militaris – sử dụng tương tự 1 loại nấm dược liệu, và thường được sản xuất, chế biến; Cordyceps sinensis – có giá thành cao, phân bố rất hạn chế trong tự nhiên (chủ yếu ở khu vực Tây Tạng) và hiện chưa được nuôi thành công trong môi trường nhân tạo.
Những sản phẩm được bán ngoài thị trường hiện nay đa số là Cordyceps militaris.
Về bản chất, đông trùng hạ thảo là một loại nấm sống ký sinh, phát triển trên ấu trùng của sâu bướm. Mùa đông, khi các ấu trùng sâu bướm vùi mình vào lớp đất để ngủ đông (đông trùng) tạo cơ hội cho loài nấm Cordyceps sinensis xâm nhập và ký sinh.
Đến mùa hè, loài nấm này sẽ phát triển mạnh mẽ, hút hết các chất dinh dưỡng bên trong ấu trùng và vươn dài cơ thể giống với hình dáng các loài thực vật (hạ thảo).
Là đơn vị thường tổ chức tour du lịch sang Trung Quốc, Công ty CP Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam cho biết, nhu cầu về đông trùng hạ thảo rất lớn. Hầu hết, người Việt Nam khi tham quan các điểm du lịch đều hỏi, hoặc sẵn sàng mua sản phẩm này nếu được đảm bảo về dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ.
Đơn vị mong muốn hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp để hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, quản lý chất lượng và thương mại hóa các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiếp cận người dùng từ dịch vụ lữ hành.

Đông trùng hạ thảo là vị thuốc đông y quý, có nhiều tác dụng. Ảnh: Bảo Thắng.
Ủng hộ quan điểm “bình dân hóa” đông trùng hạ thảo cho nhiều người có thể sử dụng, ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad-Agri), nhận xét, đây là hướng đi tiềm năng. Ông lưu ý thêm, rằng nếu sản xuất thương mại cần chú trọng việc đăng ký bản quyền tác giả, đăng ký thương hiệu, sau đó bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghệ.
Hiện một số người dân chưa biết, rằng phần ngọn đông trùng hạ thảo có hình thái đẹp, nhưng chất dinh dưỡng chủ yếu lại nằm ở phần đế. Các tác dụng chữa bệnh tiểu đường, tim mạch hay thậm chí là ung thư xuất phát từ đây.
Nhiều nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới cũng chỉ rõ, chiết xuất từ đông trùng hạ thảo có tác dụng giảm đường huyết bằng cách thúc đẩy sự chuyển hóa glucose, giảm nồng độ cholesterol toàn phần và chất béo trung tính trong huyết thanh nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch…
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Vitad-Agri đề nghị đối tác có thể hợp tác với người dân, liên kết chặt chẽ và đảm bảo chất lượng từ ngay vùng nguyên liệu. Cùng với đó, nghiên cứu thêm khả năng phát triển sản phẩm hữu cơ.
“Sản xuất đông trùng hạ thảo bằng phương pháp hữu cơ có nhiều lợi ích với sức khỏe, nhưng hiện còn ít sản phẩm có thể đảm bảo việc này”, ông Nam chia sẻ, và nhấn mạnh rằng, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm, thúc đẩy sản xuất sản phẩm hữu cơ, nhất là với những sản phẩm tốt cho sức khỏe như đông trùng hạ thảo.
PGS.TS Trần Mạnh Trí, Chủ tịch hội đồng ủng hộ ý tưởng về việc sản xuất sản phẩm tốt cho sức khỏe, đồng thời cam kết đồng hành với đơn vị thực hiện trong khâu tư vấn chứng chỉ chất lượng, công nghệ chế tạo và xây dựng thương hiệu.
Bạn đang đọc bài viết Bình dân hóa loại nấm quý để chữa bệnh cho nhiều người tại chuyên mục Sức khỏe – Gia đình của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.
Bảo Thắng.
Theo nongnghiep.vn
Đông trùng hạ thảo, món quà quý của người lữ hành
Dân gian có câu: “quý như đông trùng hạ thảo, hiếm như nhân sâm Cao Ly”, ý nói đây là hai loại dược liệu quý hiếm và đắt đỏ hàng đầu. Tuy thế Công ty CP Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam muốn biến điều “xa tận chân trời” thành “gần ngay trước mắt” với dự án “Nghiên cứu, ứng dụng và hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm đông trùng hạ thảo”.
Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá dự án “Nghiên cứu, ứng dụng và hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm đông trùng hạ thảo”
Dự án này được Hội đồng khoa học thẩm định, đánh giá, tư vấn và đề ra phương hướng thực hiện trong thời gian tới cho Công ty CP Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam, đầu năm 2025 tại Phòng họp 102, số 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hội đồng gồm các chuyên gia khoa học công nghệ: PGS.TS Trần Mạnh Trí – Chủ tịch Hội đồng, TS Hồ Trường Giang – Phó chủ tịch Hội đồng, TS Phạm Đình Nam, TS Nguyễn Đức Thọ; các chuyên gia nông nghiệp: TS Vũ Văn Sang, TS Nguyễn Hồng Hạnh, TS Nguyễn Ngọc Dinh đều là các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam hiện nay trên lĩnh vực khoa học công nghệ và nông nghiệp.
Tại đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam đã nêu mục đích và ý nghĩa của Dự án. Theo đó giới thiệu Tập đoàn là tổ chức lữ hành và chăm sóc sức khỏe hàng đầu Việt Nam, kinh doanh du lịch và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng, thương mại hóa, tìm kiếm hợp tác sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo, phát triển sản phẩm thông qua dịch vụ du lịch lữ hành (bán hoặc khuyến mãi tặng kèm cho khách du lịch của tập đoàn). Việc phát triển các sản phẩm Đông trùng hạ thảo giúp xây dựng hệ sinh thái dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và giữ gìn di sản văn hóa đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho Tập đoàn, tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất (nuôi trồng) đến chế biến, quản lý chất lượng và thương mại hóa các sản phẩm từ nấm Đông trùng Hạ thảo thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiếp cận người dùng từ dịch vụ lữ hành.
Phần trình bày của Tập đoàn cũng giới thiệu hiện có 2 chủng đông trùng hạ thảo chính. Một là Cordyceps sinensis – có giá thành rất cao, phân bố rất hạn chế trong tự nhiên (chủ yếu ở khu vực Tây Tạng) và hiện chưa được nuôi thành công trong môi trường nhân tạo. Đây chính là loại Đông trùng hạ thảo được đề cập trong các thành ngữ, tục ngữ trong dân gian. Và hai là Cordyceps militaris – tương tự một loại nấm dược liệu có thể nuôi trồng nhân tạo và chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau. Đa số các sản phẩm được bán ngoài thị trường hiện nay chính là Cordyceps militaris – loại Đông trùng hạ thảo có thể nuôi trồng nhân tạo, có cả 65 hoạt chất với tỷ lệ tương tự như Cordyceps sinensis tự nhiên, bao gồm các hoạt chất hỗ trợ điều trị ung thư như polysaccharide, sterol, adenosine và đặc biệt cordycepin.
Ngoài ra, Đông trùng hạ thảo còn có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng dương, tăng cường miễn dịch… hữu ích cho điều trị mỡ máu, tiểu đường, suy nhược, suy dinh dưỡng và còn có thể dùng làm nước giải khát chất lượng cao.
Như vậy chúng ta hoàn toàn có thể nuôi trồng Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris thay thế Cordyceps sinensis tự nhiên với chất lượng tương đương mà giá thành thấp hơn rất nhiều và có thể đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu sử dụng.
Tại Việt Nam, hiểu biết về đông trùng hạ thảo còn hạn chế. Theo TS Vũ Văn Sang, chuyên gia nông nghiệp của Viện ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam (VITAD-AGRI), ủy viên Hội đồng khoa học, phần ngọn Đông trùng hạ thảo đẹp mắt như san hô dưới đáy biển lại không có nhiều chất dinh dưỡng như phần đế, nơi chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chữa bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư… nên người mua thường lựa chọn những cụm Đông trùng hạ thảo đẹp mắt thay vì chọn những khóm có phần đế chất lượng hơn. Ngoài ra hiện nay giá thành các sản phẩm Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam cũng có hiện tượng loạn giá, độ chênh giữa hàng hóa các công ty khá lớn khiến khách hàng lưỡng lự, dè dặt khi quyết định chọn mua hay không.
Chất lượng của Đông trùng hạ thảo được quyết định bởi phần đế
Phát biểu tại cuộc họp, TS Phạm Đình Nam, Viện trưởng VITAD-AGRI đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam làm rõ nét quy trình công nghệ, xác định đăng ký sản phẩm ở mức độ nào: dùng cho người, làm dược liệu, thực phẩm chức năng hay là thuốc. Phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Xây dựng logo, nhãn hàng phụ. Đăng ký bản quyền logo; tiến tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; kiểu dáng công nghệ, chứng chỉ Oganic, Cácbon… Lưu ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ, được ghi tại điều 17, nghị định 109/2018.
TS Phạm Đình Nam, Viện trưởng VITAD-AGRI (giữa) phát biểu tại cuộc họp
Các chuyên gia nông nghiệp TS Nguyễn Hồng Hạnh, TS Nguyễn Ngọc Dinh đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam sớm nghiên cứu, công bố tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước về sản phẩm an toàn cho người như Nghị định 15/2018, 19/2019…
Các chuyên gia khoa học công nghệ TS Hồ Trường Giang, TS Nguyễn Đức Thọ cũng tư vấn Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam xây dựng chi tiết quy trình thực hiện dự án: thời gian, địa điểm, sớm xây dựng thương hiệu, đối tác sản xuất, công nghệ áp dụng và công tác marketing cho sản phẩm.
TS Vũ Văn Sang, Chuyên gia Nông nghiệp đánh giá, tư vấn dự án cần làm đề cương chi tiết về 4 điểm chính: kế hoạch sản xuất, hợp tác (theo tiêu chuẩn nào), bổ sung chi tiết công nghệ sản xuất, quy trình chế biến, xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở phải đề cập rõ Công ty tự xây dựng hay đề nghị đối tác xây dựng. Lưu ý cần dựa vào các tiêu chuẩn, nghị định, thông tư của Nhà nước như NĐ 15/2018 hay QĐ 885/TTg năm 2020.
TS Vũ Văn Sang, Chuyên gia Nông nghiệp đánh giá, tư vấn dự án
PGS.TS Trần Mạnh Trí, Chủ tịch hội đồng đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam hoàn thiện bổ sung hồ sơ dự án; xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở rõ ràng, thông số cụ thể; làm rõ hơn điểm mới và ưu việt của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường. Bổ sung quy trình công nghệ nuôi trồng, chế xuất sản phẩm. Xây dựng thương hiệu, kế hoạch thương mại hóa và phát triển sản phẩm. Ông ủng hộ ý tưởng sản xuất sản phẩm tốt cho sức khỏe và cam kết đồng hành cùng Công ty trong quá trình thực hiện dự án. Theo ông, dự án này hoàn toàn khả thi và trong tương lai gần, Đông trùng hạ thảo sẽ là món quà quý giá và quen thuộc của người lữ hành, dễ mang theo sử dụng khi du lịch cũng như làm quà cho gia đình, người thân.
PGS.TS Trần Mạnh Trí, Chủ tịch hội đồng (thứ 2 từ phải sang) tổng hợp ý kiến của các chuyên gia
Hội đồng khoa học cam kết đồng hành cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, Viện ứng dụng công nghệ và phát triển Nông nghiệp Việt Nam VITAD-AGRI cũng đề ra chiến lược hợp tác lâu dài với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam trong các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp như các khóa đào tạo ứng dụng nông nghiệp hữu cơ Organic, đưa người ra nước ngoài học tập kỹ thuật nông nghiệp…
Hội đồng khoa học cam kết đồng hành cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam thực hiện dự án
Nội dung: Thành Vinh
Hình ảnh: Bích Hồng
Hoa tươi thời Công nghệ
Hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm biến đổi gen vẫn là một vấn đề gây tranh cãi thì công nghệ gen đã mang lại những kết quả mỹ mãn trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó hoa tươi là một ví dụ điển hình.
Từ xưa, hoa Ly (Lily) hay còn gọi là Bách Hợp, Huệ Tây, hoa có tên tiếng Anh là Lily, thuộc họ Liliaceae (Loa Kèn) đã có mặt rất nhiều nơi trên toàn thế giới, gồm các nước châu Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Việt Nam, và phần lớn các nước châu Âu. Ngày nay, hoa Lily là một trong những loài hoa phổ biến nhất ở châu Âu, rất nhiều gia đình dùng loài hoa này để trang trí nhà cửa hoặc trồng trong vườn. Đây cũng là loài hoa được yêu thích bậc nhất thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày nay, cùng với công nghệ gen, hoa Ly đã có những chuyển biến mới đặc sắc về chủng loại, trong đó phải kể đến việc thay đổi kích thước của đóa hoa. Chúng ta có thể bắt gặp những bông Lily có sải cánh lên tới 30cm mọi nơi trên đất Việt Nam này bởi Lily dễ trồng ở khắp mọi miền nước ta.
Hoa Ly đại đóa với sải cánh lên tới 30cm
Gần đây, công nghệ gen đã giúp cho Lily được “khoác một chiếc áo mới” gọi là “Ly kép” với hai hoặc ba lớp cánh hoa. “Ly kép” tuy không rực rỡ như Lily truyền thống, cũng không to như “Ly đại đóa” kể trên, nhưng chiều sâu nội tâm của loài hoa đứng trong top đầu được yêu thích này mang đến những trải nghiệm độc đáo. Tất nhiên, cùng với thời gian, các Nhà khoa học sẽ khám phá các công nghệ gen mới, lai tạo nên những bông Lily gợi hứng hơn nữa.
Lily kép với nhiều lớp cánh hoa
Với hoa Hồng – Nữ hoàng các loài hoa, công nghệ gen cũng mang lại những làn gió mới. Nếu trước đây, Bông Hồng Đen chỉ có trong phim hoặc hoa giả, thì ngày nay người ta có thể dễ dàng ươm trồng chúng. Nếu bạn tới vườn hoa Đà Lạt, bạn có thể ngắm những bông hồng đen đúng nghĩa, và là… hoa thật.
Hoa hồng đen Đà Lạt
Hoa hồng xanh cũng là một nét thú vị của loài hoa được yêu thích số một thế giới bên cạnh những bông hồng đa sắc màu khác cùng những bông hồng được pha màu như trắng hồng, hồng kem, hồng phớt, vàng cam…
Hoa hồng xanh/tím pha
Công nghệ gen cũng làm cho ngàn hoa trở nên xinh tươi rực rỡ trỗi vượt, thậm chí nhiều người còn phải sờ thử coi có phải là… hoa thật hay không. Chúng ta sẽ thường xuyên gặp đâu đó trên đường những bông hoa lạ, hay cũng là những loài hoa bình thường trong “chiếc áo mới” đầy sắc hương được các Nhà khoa học dệt nên, đó là những thứ không một loại hoa giả nào có thể thay thế được.
Thực hiện: Thành Vinh