
Tạo luồng xanh thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc
Nhằm tránh vấn đề mù mờ thông tin với thị trường lớn Trung Quốc, một trung tâm đầu mối tin tức về TP. Thâm Quyến được thành lập để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết
Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc liên tục tăng thời gian qua. Theo Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam đạt khoảng 7,4 tỷ USD, củng cố vị trí thứ nhì của Trung Quốc trong danh sách các thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực.
Trung Quốc xem Việt Nam là cửa ngõ Đông Nam Á, là điểm đầu để phía Bạn mở cửa thị trường ASEAN. Tương tự, Việt Nam coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo để doanh nghiệp trong nước thích ứng với yêu cầu của Bạn.
Đồng thuận cả về chủ trương, lẫn công tác phối hợp, nhưng việc kết nối doanh nghiệp hai nước còn gặp điểm nghẽn thông tin. Thấu hiểu điều ấy, Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam phối hợp Trung tâm Xúc tiến chuyển giao công nghiệp Thâm Quyến và Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Đông Đằng (Khu thương mại tự do Quảng Tây) ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Cụ thể, tại Việt Nam, các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm vận hành tại Việt Nam thuộc Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Đông Đằng. Tại Trung Quốc, đại diện Cục Thương mại TP. Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây và Công ty khai trương “Quán thương mại Việt- Trung”.
Hai trụ sở, tại Hà Nội và Quảng Tây, giữ vai trò đầu mối thông tin về thị trường nói chung. Doanh nghiệp hai nước, nếu có nhu cầu tìm hiểu các thông tin liên quan, có thể đến liên hệ, nhờ tư vấn, hỗ trợ.
Lễ ký được diễn ra trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội với TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
Ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam, một trong ba bên ký biên bản ghi nhớ, tin tưởng việc thành lập văn phòng hỗ trợ trực tiếp tại hai nước sẽ mở ra không gian giống như một “sàn giao dịch”, tạo “luồng xanh” để doanh nghiệp hai bên nhanh chóng có được thông tin cần thiết, đồng thời có thể tìm hiểu kỹ về nhu cầu, yêu cầu của đối tác.
“Nền nông nghiệp nước ta gặp điểm nghẽn về tình trạng mù mờ thông tin. Hy vọng với những hoạt động xúc tiến thương mại như hôm nay, chúng ta sẽ góp phần đưa sản phẩm thế mạnh của hai nước đến được nhiều hơn với người dân”, ông Nam chia sẻ.
Diện diện Bộ NN-PTNT, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá cao sự chủ động của doanh nghiệp hai nước trong việc thiết lập kênh hỗ trợ thông tin. Ông cũng cam kết, đồng hành cùng doanh nghiệp hai bên trong hoạt động minh bạch hóa thông tin, giúp mở cửa thị trường, góp phần nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam – Trung Quốc.
“Qua những hành động thiết thực như này, hy vọng hai bên sẽ tăng giá trị hợp tác, cả về số lượng lẫn giá trị, để cuộc sống người dân hai nước ngày một đi lên”, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam nói.
Viện trưởng Phạm Đình Nam, đại diện Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam tham gia ký kết
Cùng dự lễ ký tại điểm cầu Hà Nội, ông Tô Vạn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư Quán thương mại Trung Việt đánh giá, Việt Nam có ưu thế về vị trí địa lý, đồng thời sở hữu tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ (liên tục giữ ở ngưỡng từ 6-7% năm). Hai nước có nhiều cơ hội kinh doanh và tiềm lực hợp tác trong đầu tư và thương mại.
Giới thiệu những tiềm năng lớn của Thâm Quyến, cả về số lượng doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, lẫn sự linh hoạt trong thể chế, chính sách, ông Tô nhận định, hợp tác sắp tới sẽ tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, nâng cao hơn nữa vị thế của cửa ngõ Khâm Châu, và bổ sung lẫn nhau cho các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp. Như vậy sẽ thúc đẩy sự hợp tác sâu sắc về lĩnh vực đầu tư và thương mại giữa hai nhà nước.
Từ Trung Quốc, ông Trương Lập Phàm, đại diện Trung tâm xúc tiến di chuyển ngành công nghiệp Thâm Quyến đề cao tiềm năng của khu Vịnh Lớn gồm Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao, với Thâm Quyến sắm vai trò như “trái tim”.
Theo ông Trương, thông qua các doanh nghiệp tại Thâm Quyến, phía Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thị sản phẩm, hợp tác dự án, thu hút đầu tư, hợp tác kỹ thuật, tạo tiền đề cho việc thu hút dự án quy mô cũng như thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp Việt Nam.
Bạn đang đọc bài viết Tạo luồng xanh thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc tại chuyên mục Thị trường của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.
Thực hiện: Bảo Thắng
Nguồn: nongnghiep.vn
18 nhóm thực phẩm cần phải đăng ký trước khi sang Trung Quốc
18 nhóm thực phẩm cần phải đăng ký trước khi sang Trung Quốc
Theo Lệnh 248, doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, nhóm thực phẩm là là thịt và các sản phẩm từ thịt, vỏ ruột, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến, sản phẩm từ ong, trứng và các sản phẩm từ trứng, chất béo và dầu thực phẩm, thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mỳ, thực phẩm từ ngũ cốc.
Sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha, rau củ tươi và khô (rau tách nước, sấy), đậu khô, gia vị, các loại hạt (quả hạch) và hạt giống, trái cây sấy khô, hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng.
Đối với sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại trên, doanh nghiệp phải tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện đăng ký.
Việc thực hiện đăng ký được thực hiện thông qua “Ứng dụng quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài” trên cổng thông tin điện tử một cửa thương mại quốc tế của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Thông tin mới nhất từ Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đến ngày 1/3/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.776 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường này.
Nguồn: Lãng Hồng – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam