Tổ chức Seed to Table hỗ trợ Đồng Tháp nhiều hoạt động phát triển nông nghiệp hữu cơ
Ngày 23/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Seed to Table tổ chức “Sơ kết hoạt động phát triển cộng đồng bền vững thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm và quản lý kinh doanh tại tỉnh Đồng Tháp” với sự tham dự của ông Ono Masuo – Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh.
Bà Ino Mayu – Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table tại Việt Nam; ông Huỳnh Tất Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp chủ trì hội nghị.
Bà Ino Mayu – Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table tại Việt Nam báo cáo kết quả thực hiện dự án tại hội nghị
Nhằm thúc đẩy phát triển cộng đồng một cách bền vững, Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp do Tổ chức Seed to Table hỗ trợ thực hiện (đến giai đoạn 3) đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, phụ nữ và các nhóm yếu thế trong lĩnh vực sản xuất hữu cơ, chế biến thực phẩm và quản lý kinh doanh. Những chương trình này không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng thực tiễn mà còn góp phần hình thành tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, phù hợp xu thế thị trường và yêu cầu hội nhập.
Ông Ono Masuo – Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (thứ 3 từ trái qua, hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự hội nghị
Tại hội nghị, ông Huỳnh Tất Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, hạn chế, khó khăn được chia sẻ tại hội nghị, các đơn vị tiếp tục phối hợp để thực hiện Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tốt hơn trong thời gian tới. Trong năm 2025, dự án tiếp tục tổ chức lớp tập huấn (đào tạo giảng viên (TOT), tập huấn kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ và hệ thống PGS, chế biến thực phẩm, quản lý kinh doanh cùng với các chuyên gia Nhật Bản); thực hiện phát triển các sản phẩm mới từ các nông sản chủ lực, tiềm năng của địa phương như: xoài, sen, nhãn,… và cải tiến chất lượng sản phẩm đã phát triển từ các năm trước; tham gia các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, khởi nghiệp với các hợp tác xã và các đơn vị đang nỗ lực phát triển các sản phẩm làm từ nông sản địa phương; tìm được đầu ra ổn định cho nông dân tham gia sản xuất rau hữu cơ;…
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp tốt với Tổ chức Seed to Table, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án, nhằm thực hiện đạt mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ thuật của nông dân quy mô nhỏ, cán bộ ngành nông nghiệp, giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp và thanh niên khởi nghiệp về kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản, phát triển các sản phẩm đặc sản mới, cải thiện cách tiếp cận thị trường, góp phần cải thiện sinh kế hộ sản xuất nhỏ lẻ, giúp người dân địa phương bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
TN
Theo Baomoi.vn
Cam “ăn” đậu xanh, ngô nghiền, tưởng dở ai ngờ chở cam sang Nhật bán đắt hàng
Vài năm trở lại đây, cụm từ “nông nghiệp hữu cơ” là từ khóa mới trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La, nhằm tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế.
“Sản xuất xanh”
Tháng 1/2018, HTX Nông trại hữu cơ bản Pa Cốp, xã Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) được thành lập với 7 thành viên, là một trong những HTX tiên phong của tỉnh áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đến nay, HTX có 10 thành viên, canh tác 21ha cam đường canh, 4ha cây bưởi ruby và cam Vinh.
Anh Vũ Hùng Cường – Giám đốc HTX, cho biết: Trong quy trình chăm sóc cây ăn quả, các thành viên luôn coi trọng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Chế phẩm HTX dùng để phun cho toàn bộ diện tích cây cam đường canh, cam Vinh được nhập từ Nhật, là dạng khuẩn sinh học. Định kỳ cho cây cam “ăn” đậu tương, ngô nghiền nhỏ ủ chung cá, nấm tạo ra phân hữu cơ. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm cam đường canh của HTX được xuất khẩu sang Nhật với giá hợp đồng là 55.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi ha cam đường canh có năng suất 14 tấn/ha, doanh thu bình quân 550 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 440 triệu đồng.
Anh Hùng Văn Cường – Giám đốc HTX Nông trại hữu cơ bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Ảnh: Yến Nguyễn
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Sơn La có 35ha rau, cây ăn quả đã được cấp chứng nhận hữu cơ, 155ha đang được sản xuất theo hướng hữu cơ. Xây dựng, duy trì 197 chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn, trong đó có 159 chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng, sản lượng trên 30.000 tấn. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của các HTX, như: HTX sinh thái Nà Sản, HTX Ngọc Lan (Mai Sơn), HTX sản xuất rau an toàn Ta Niết (Mộc Châu) đã có những sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ được thị trường biết đến…
Quy trình sản xuất chặt chẽ
Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng nên yêu cầu canh tác khá khắt khe. Ông Nguyễn Quang Vinh-Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn), cho biết: Chúng tôi có 5ha thanh long được trồng theo hướng hữu cơ. Trước đây, người dân chủ yếu dùng phân bón vô cơ, đất bị thoái hóa, một số loại sâu bệnh kháng thuốc, nên khi bắt đầu chuyển sang dùng phân hữu cơ, chi phí cao gấp đôi. Hơn nữa, cần phải có hệ thống tưới ẩm tốt và từ năm thứ 3 trở đi, các loại vi sinh vật có ích mới phát triển mạnh.
Bà Cầm Thị Phong – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, thông tin: Rất nhiều HTX khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp không ít khó khăn. Do việc sản xuất hữu cơ đòi rất nhiều tiêu chí, như: Phải có thời gian nhất định để thực hiện chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ. Các tổ chức, cá nhân khi thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ phải thực hiện việc ghi chép đầy đủ rõ ràng về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
HTX Ngọc Lan (Mai Sơn) tham gia thí điểm mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Sau hơn 2 năm triển khai đến nay HTX đã có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn bán ra thị trường.
Với những lợi ích thiết thực về cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu. Ngoài các cơ chế, chính sách của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để làm thay đổi thói quen sản xuất của người dân về sản xuất hữu cơ, cũng như thói quen lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng, tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa các thành phần tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ dựa trên cơ sở chuỗi giá trị.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-htx-o-son-la-cho-cam-an-dau-xanh-ngo-nghien-tuong-do-ai-ngo-cho-cam-sang-nhat-ban-dat-hang-20211103165351283.htm