Tag Archives: TRUNG QUỐC

AI đang thay đổi cách trồng trọt ở Trung Quốc

Trồng trọt thông minh dựa vào AI đang mở ra tiềm năng phát triển những siêu vụ mùa chịu được biến đổi khí hậu, cho năng suất cao, có thể định nghĩa lại an ninh lương thực toàn cầu.

Sự xâm nhập của trí tuệ nhân tạo (AI) vào nông nghiệp đang biến đổi tương lai lương thực, theo CGTN. Tại Đại hội Hạt giống 2025 diễn ra từ ngày 20 đến 23/3 ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, trồng trọt thông minh trở thành chủ đề trung tâm. Hơn 40 nhà triển lãm trưng bày những công nghệ tiên tiến và các chủng hoa màu hàng đầu, nêu bật trồng trọt dựa trên AI đang biến đổi từ lý thuyết tới thực tiễn như thế nào. Màn hình kỹ thuật số tại sự kiện minh họa hàng loạt đột phá mới nhất, từ phân tích gene bằng AI tới hệ thống theo dõi trang trại dựa trên đám mây.

Những chuyên gia ở sự kiện nhấn mạnh trồng trọt thông minh đang biến đổi các phương pháp truyền thống thành nông nghiệp chính xác, cung cấp giải pháp để vượt qua hạn chế tài nguyên, tăng cường tự lực trong ngành công nghiệp hạt giống, đảm bảo vị trí chiến lược của Trung Quốc trong thị trường hạt giống toàn cầu.

Li Jiayang, học giả ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) giới thiệu khái niệm “lai tạo thông minh các chủng cây thông minh”, nhấn mạnh tiềm năng tích hợp AI, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin để phát triển hoa màu tự động thích nghi với thách thức môi trường.

Qian Qian, một học giả CAS khác, đề cập tới độ phức tạp của đặc tính của hoa màu. Theo ông, sức mạnh máy tính và thuật toán cao cấp sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ quan hệ giữa gene và đặc tính của hoa màu. Khác với trồng trọt quy mô nhỏ, trồng trọt thông minh ứng dụng cách tiếp cận công nghiệp hóa, tận dụng tài nguyên để tích hợp những đặc điểm ưu việt một cách hiệu quả.

Trồng trọt dựa trên AI đang mang lại nhiều kết quả. Ví dụ, ở Tập đoàn hạt giống quốc gia Trung Quốc, các nhà nghiên cứu sử dụng hệ thống đám mây để theo dõi từ xa cánh đồng, thu thập dữ liệu thời gian thực về sức khỏe và sự phát triển của hoa màu. Điều này cho phép nhà khoa học giải quyết vấn đề nhanh chóng và tối ưu hóa quá trình nhân giống. Một đột phá đáng chú ý nằm trong lĩnh vực phát triển lúa lai. Thông thường, chuyên gia nhân giống kiểm tra hàng nghìn cách kết hợp để tìm ra một giống lúa lai ưu việt. Hiện nay. Phân tích gene bằng AI dự đoán những cách kết hợp năng suất cao trước khi bắt đầu thử nghiệm thực địa.

Drone tiến hành hoạt động kiểm soát dịch bệnh và sâu bệnh ở Nam Thông, Giang Tô. Ảnh: VCG

Drone tiến hành hoạt động kiểm soát dịch bệnh và sâu bệnh ở Nam Thông, Giang Tô. Ảnh: VCG

Một cột mốc khác là sự ra đời của “Fengdeng”, mô hình ngôn ngữ lớn tập trung vào hạt giống, chủ yếu phát triển bởi Phòng thí nghiệm quốc gia Yazhou ở Tam Á. Nền tảng AI này cung cấp kiến thức chuyên gia về nhân giống, gieo trồng và xu hướng công nghiệp, trang bị cho nông dân và nhà nghiên cứu kiến thức sâu rộng.

Tuy nhiên, lĩnh vực trồng trọt thông minh ở Trung Quốc vẫn còn một số thách thức cần vượt qua, ví dụ tập dữ liệu rời rạc hạn chế khả năng của AI trong dự đoán và thiết kế chủng hoa màu ưu việt.

An Khang (Theo CGTN)

Đăng lại bởi vnexpress.net

Tăng cường Xúc tiến kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và thành phố Cảng Phòng Thành (Trung Quốc)

Hội nghị Xúc tiến kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và thành phố Cảng Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên.

Ông Phạm Đình Nam (phải), Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad-Agri) phát biểu khai mạc hội nghị

Sáng 10/11 tại Hà Nội đã diễn Hội nghị Xúc tiến kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và thành phố Cảng Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Chủ trì hội nghị là ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad-Agri); ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN); TS Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị – Cục thông tin tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN).

Tham dự cuộc họp còn có đại diện của 1 số doanh nghiệp, đơn vị Việt Nam như: Công ty CP HD Kinh Bắc (Bắc Ninh); Công ty CP dinh dưỡng Hải Thịnh (thuộc Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên); Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Nhân Group (Cần Thơ); Tập đoàn Global Genius Network (Hải Phòng), Hội nông dân tỉnh Kiên Giang.

Tham dự hội nghị trực tuyến có: TS Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT); ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk; ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Nguyên.

Về phía Trung Quốc trưởng đoàn là ông Chiêm Đức Phúc, Phó Chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến thương mại thành phố Cảng Phòng Thành, Phó Chủ tịch Phòng thương mại quốc tế thành phố Cảng Phòng Thành; bà Trần Chí Quỳnh, TTK Phòng thương mại quốc tế thành phố Cảng Phòng Thành; ông Tô Nhật Hảo, TTK Liên hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây tại Việt Nam trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, Phó Chủ tịch TTK Phòng thương mại quốc tế thành phố Cảng Phòng Thành; và đại diện của các doanh nghiệp phía bạn.

Sau phần phát biểu khai mạc Hội nghị của ông Phạm Đình Nam về mục đích tăng cường xúc tiến kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và thành phố Cảng Phòng Thành, ông Chiêm Đức Phúc đại diện cho phía bạn cũng bày tỏ mong muốn hợp tác giữa 2 bên.

Ông Chiêm Đức Phúc (giữa), Phó Chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến thương mại thành phố Cảng Phòng Thành, Phó Chủ tịch Phòng thương mại quốc tế thành phố Cảng Phòng Thành đại diện cho phía bạn phát biểu

Ông Chiêm Đức Phúc cho biết, Cảng Phòng Thành là thành phố mới được thành lập 30 năm và có bến cảng được xây dựng 16 năm. Cảng Phòng Thành muốn hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị của Việt Nam trong 5 lĩnh vực chính gồm:  Y tế – Chế tạo tiên tiến – Sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ nông sản – Tài nguyên biển – Logictis.

Hiệp hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Nguyên, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng bày tỏ việc mong muốn tăng cường hợp tác để khai thác tối đa tiềm năng của các đơn vị trong từng lĩnh vực chuyên sâu, nhất là với thị trường rộng lớn như Trung Quốc nói chung và thành phố Cảng Phòng Thành nói riêng.

Các doanh nghiệp, đơn vị Việt Nam mong muốn hợp tác để khai thác thị trường rộng lớn Trung Quốc

TS Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) tham dự Hội nghị thông qua hình thức trực tuyến

Về phía bạn, Công ty Container thuộc Công ty Cảng Phòng Thành (Tập đoàn Beigang) muốn tìm hiểu nguồn hàng chính tại các cảng liên quan ở Việt Nam, tìm hiểu cung cầu và khả năng triển khai các tuyến hàng container hoặc tàu chở hàng – Công ty CP chuỗi cung ứng lạnh Xinfu (Tân Phúc) Cảng Phòng Thành mong muốn hợp tác với nhà cung cấp hải sản đông lạnh và thuỷ sản của Việt Nam.

Các DN Trung Quốc cũng rất mong muốn hợp tác với phía Việt Nam

Công ty CP dịch vụ tàu Quốc tế Chunhui (Xuân Huy) Cảng Phòng Thành mong muốn hợp tác với doanh nghiệp vận tải tàu biển của Việt Nam – Công ty CP kỹ thuật thông minh Linggui (Lĩnh Quế) mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam chuyên về dây chuyền sản xuất thiết bị tự động hoá và gia công phụ tùng cơ khí.

Công ty CP Y tế Internet Akon Cảng Phòng Thành mong muốn hợp tác với doanh nghiệp y tế và bệnh viện của Việt Nam – Công ty TNHH thương mại Quốc tế Yinteng (Dận Đằng) Quảng Tây mong được hợp tác với các thương gia sầu riêng, dứa và các loại trái cây khác của Việt Nam – Công ty CP quản lý chuỗi cung ứng tập đoàn Trung Nguyên Quảng Tây hi vọng được hợp tác với các doanh  nghiệp logictics cảng, logictics chuỗi cung ứng lạnh, vận tải biển của Việt Nam.

Các đại biểu, DN Trung Quốc trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn (áo trắng), Phó Cục trưởng Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) bên lề hành lang hội nghị

Ở phần kết luận hội nghị, ông Phạm Đình Nam đã đưa ra một số đề xuất để tăng cường xúc tiến thương mại giữa 2 bên gồm: tìm hiểu cơ chế, chính sách; tổ chức hội thảo; tuần lễ hàng hoá; phía bạn cử cán bộ, chuyên gia để kiểm tra năng lực, sản phẩm của phía Việt Nam; trong lĩnh vực nông nghiệp các DN Việt Nam rất mong muốn được giúp đỡ về vấn đề bảo quản sau thu hoạch; các DN Việt Nam sang thăm, học hỏi tại thành phố Cảng Phòng Thành; và phía Việt Nam có hệ thống các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ về nhiều mặt.

Ông Chiêm Đức Phúc, đại diện cho phía bạn đưa ra đề xuất cần có một cơ chế hợp tác thường xuyên giữa 2 bên, và có một kế hoạch hành động cụ thể.

Ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad-Agri) tặng quà lưu niệm cho ông Chiêm Đức Phúc, Phó Chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến thương mại thành phố Cảng Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại quốc tế thành phố Cảng Phòng Thành

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Hà Dũng

Tạo luồng xanh thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc

Nhằm tránh vấn đề mù mờ thông tin với thị trường lớn Trung Quốc, một trung tâm đầu mối tin tức về TP. Thâm Quyến được thành lập để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết. 

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết

Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc liên tục tăng thời gian qua. Theo Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam đạt khoảng 7,4 tỷ USD, củng cố vị trí thứ nhì của Trung Quốc trong danh sách các thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực.

Trung Quốc xem Việt Nam là cửa ngõ Đông Nam Á, là điểm đầu để phía Bạn mở cửa thị trường ASEAN. Tương tự, Việt Nam coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo để doanh nghiệp trong nước thích ứng với yêu cầu của Bạn.

Đồng thuận cả về chủ trương, lẫn công tác phối hợp, nhưng việc kết nối doanh nghiệp hai nước còn gặp điểm nghẽn thông tin. Thấu hiểu điều ấy, Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam phối hợp Trung tâm Xúc tiến chuyển giao công nghiệp Thâm Quyến và Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Đông Đằng (Khu thương mại tự do Quảng Tây) ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.

Cụ thể, tại Việt Nam, các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm vận hành tại Việt Nam thuộc Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Đông Đằng. Tại Trung Quốc, đại diện Cục Thương mại TP. Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây và Công ty khai trương “Quán thương mại Việt- Trung”. 

Hai trụ sở, tại Hà Nội và Quảng Tây, giữ vai trò đầu mối thông tin về thị trường nói chung. Doanh nghiệp hai nước, nếu có nhu cầu tìm hiểu các thông tin liên quan, có thể đến liên hệ, nhờ tư vấn, hỗ trợ.

Lễ ký được diễn ra trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội với TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Lễ ký được diễn ra trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội với TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam, một trong ba bên ký biên bản ghi nhớ, tin tưởng việc thành lập văn phòng hỗ trợ trực tiếp tại hai nước sẽ mở ra không gian giống như một “sàn giao dịch”, tạo “luồng xanh” để doanh nghiệp hai bên nhanh chóng có được thông tin cần thiết, đồng thời có thể tìm hiểu kỹ về nhu cầu, yêu cầu của đối tác.

“Nền nông nghiệp nước ta gặp điểm nghẽn về tình trạng mù mờ thông tin. Hy vọng với những hoạt động xúc tiến thương mại như hôm nay, chúng ta sẽ góp phần đưa sản phẩm thế mạnh của hai nước đến được nhiều hơn với người dân”, ông Nam chia sẻ.

Diện diện Bộ NN-PTNT, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá cao sự chủ động của doanh nghiệp hai nước trong việc thiết lập kênh hỗ trợ thông tin. Ông cũng cam kết, đồng hành cùng doanh nghiệp hai bên trong hoạt động minh bạch hóa thông tin, giúp mở cửa thị trường, góp phần nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam – Trung Quốc.

“Qua những hành động thiết thực như này, hy vọng hai bên sẽ tăng giá trị hợp tác, cả về số lượng lẫn giá trị, để cuộc sống người dân hai nước ngày một đi lên”, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam nói.

Viện trưởng Phạm Đình Nam, đại diện Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam tham gia ký kết

Cùng dự lễ ký tại điểm cầu Hà Nội, ông Tô Vạn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư Quán thương mại Trung Việt đánh giá, Việt Nam có ưu thế về vị trí địa lý, đồng thời sở hữu tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ (liên tục giữ ở ngưỡng từ 6-7% năm). Hai nước có nhiều cơ hội kinh doanh và tiềm lực hợp tác trong đầu tư và thương mại.

Giới thiệu những tiềm năng lớn của Thâm Quyến, cả về số lượng doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, lẫn sự linh hoạt trong thể chế, chính sách, ông Tô nhận định, hợp tác sắp tới sẽ tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, nâng cao hơn nữa vị thế của cửa ngõ Khâm Châu, và bổ sung lẫn nhau cho các nguồn lực  xã hội, doanh nghiệp. Như vậy sẽ thúc đẩy sự hợp tác sâu sắc về lĩnh vực đầu tư và thương mại giữa hai nhà nước.

Từ Trung Quốc, ông Trương Lập Phàm, đại diện Trung tâm xúc tiến di chuyển ngành công nghiệp Thâm Quyến đề cao tiềm năng của khu Vịnh Lớn gồm Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao, với Thâm Quyến sắm vai trò như “trái tim”.

Theo ông Trương, thông qua các doanh nghiệp tại Thâm Quyến, phía Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thị sản phẩm, hợp tác dự án, thu hút đầu tư, hợp tác kỹ thuật, tạo tiền đề cho việc thu hút dự án quy mô cũng như thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp Việt Nam.

Nguồn: nongnghiep.vn

Trung Quốc lại khiến thế giới “đuổi không kịp” về khả năng ứng dụng công nghệ (P3): Nông dân đã dùng AI hiệu quả lâu rồi!

Viện sĩ Chu Hữu Dũng đã cùng Baidu phát triển “Nông dân Viện sĩ Thông minh”, một trợ lý AI giúp giải đáp thắc mắc về nông nghiệp cho bà con nông dân mọi lúc mọi nơi. Ứng dụng này hứa hẹn sẽ là cầu nối hiệu quả giữa kiến thức chuyên môn và thực tiễn sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

 

 

Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình AI đặt ra câu hỏi về việc ứng dụng công nghệ này vào cuộc sống và sản xuất, tạo ra giá trị thực tiễn. Câu hỏi làm thế nào AI thể hiện khả năng vượt trội trong việc xử lý các nhiệm vụ cụ thể, đã được trả lời ở Trung Quốc. Hiện nay, nhiều nông dân ở quốc gia này đã ứng dụng tốt AI vào việc đồng áng.

Ngày 28/6, Viện sĩ Chu Hữu Dũng và Baidu đã chính thức ra mắt “Nông dân Viện sĩ Thông minh”, sản phẩm AI đầu tiên dành cho lĩnh vực nông nghiệp, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn.

Viện sĩ Chu Hữu Dũng, được mệnh danh là “Viện sĩ Nông dân”, đã gắn bó gần 10 năm với huyện Lan Thương, tỉnh Phổ Nhĩ, Vân Nam, giúp đỡ người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng canh tác cho hàng chục vạn nông dân trong khi thời gian và sức lực có hạn là bài toán khó.

Sự xuất hiện của AI đã mang đến giải pháp cho vấn đề này. “Nông dân Viện sĩ Thông minh” giúp “đưa viện sĩ vào điện thoại”, giải đáp thắc mắc cho bà con nông dân mọi lúc mọi nơi. Điều này không chỉ thể hiện sức mạnh của mô hình AI mà còn mở ra ứng dụng thực tiễn đầy giá trị.

Huyện Lan Thương, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam, từng là một huyện nghèo khó với điều kiện sản xuất, sinh hoạt khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, thường xuyên gặp thiên tai. Tuy nhiên, Viện sĩ Chu Hữu Dũng nhận thấy tiềm năng của vùng đất này với thổ nhưỡng phì nhiêu và lượng mưa phù hợp cho cây trồng. Ông cùng nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm loại cây trồng phù hợp và quyết định ứng dụng khoa học kỹ thuật để xóa đói giảm nghèo.

“Qua hơn 10 năm nghiên cứu, chúng tôi đã trồng thành công lúa trên đất khô, gọi chung là lúa nước chất lượng cao trên đất khô”. Viện sĩ Chu Hữu Dũng và nhóm của ông đã triển khai nhiều kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến tại địa phương, tiêu biểu là kỹ thuật trồng lúa nước chất lượng cao trên đất khô, trồng khoai tây mùa đông và trồng sâm tam thất dưới tán rừng. Đặc biệt, kỹ thuật trồng lúa nước chất lượng cao trên đất khô đã giúp tăng gấp đôi năng suất lúa, giải quyết vấn đề lương thực cho người dân.

“Giúp người dân có thu nhập, tự chủ được cuộc sống là điều tốt đẹp biết bao”. Viện sĩ Chu Hữu Dũng chia sẻ. Ông đã thành lập Trạm làm việc của Viện sĩ và “Viện sĩ Tiểu viện” tại thôn Hạo Chi Bá, huyện Lan Thương, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, khơi dậy niềm đam mê học hỏi của bà con nông dân.

Theo thông tin từ China Economic Net, nhờ sự hướng dẫn của Viện sĩ Chu Hữu Dũng, xã Trúc Đường đã có sự thay đổi đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3.410 Nhân dân tệ năm 2015 lên 13.228 Nhân dân tệ năm 2023, tổng thu nhập kinh tế nông thôn toàn xã tăng khoảng 319%.

Một người dân ở thôn Vân Sơn, xã Trúc Đường chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi không tin, nhưng sau đó, nhà nào cũng học được kỹ thuật nên thu nhập tăng lên. Tôi muốn học hỏi kinh nghiệm trồng trọt từ Viện sĩ nhưng ông ấy quá bận. Tôi phải đợi từ sớm ở cửa chỉ để hỏi ông ấy về vấn đề trồng trọt”.

Giờ đây, với “Viện sĩ trong điện thoại”, người dân không còn phải vất vả tìm kiếm Viện sĩ Chu Hữu Dũng nữa.

 

Ngày 28/6/2024, tại “Hội nghị các nhà phát triển học sâu WAVE SUMMIT 2024” do Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật và Ứng dụng Học sâu Quốc gia tổ chức, Viện sĩ Chu Hữu Dũng và nhóm của ông cùng Baidu đã chính thức ra mắt “Nông dân Viện sĩ Thông minh” – sản phẩm AI đầu tiên dành cho lĩnh vực nông nghiệp.

Ứng dụng được xây dựng dựa trên nền tảng mô hình AI trong nước, mô phỏng cuộc trò chuyện hỏi đáp giữa Viện sĩ Chu Hữu Dũng và người dùng. Người dân có thể hỏi bất cứ lúc nào về điều kiện trồng lúa nước trên đất khô, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh…, “Nông dân Viện sĩ Thông minh” sẽ giải đáp chi tiết từng vấn đề.

“Tôi muốn hỏi khi nào là thời điểm tốt nhất để trồng lúa nước trên đất khô?”, “Cần lưu ý những gì khi trồng lúa nước chất lượng cao trên đất khô?”, “Nếu lúa nước chất lượng cao trên đất khô liên tục bị sâu bệnh thì phải làm sao?”.… “Xin chào, tôi là trợ lý thông minh của Viện sĩ Nông dân Chu Hữu Dũng. Nếu lúa nước chất lượng cao trên đất khô liên tục bị sâu bệnh, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau…”.

Một người dân ở thôn Vân Sơn, xã Trúc Đường, huyện Lan Thương, tỉnh Phổ Nhĩ đã chia sẻ tại WAVE SUMMIT: “Viện sĩ Chu Hữu Dũng như đang ở trong điện thoại của tôi, giống hệt như người thật. Chúng tôi hỏi gì ông ấy trả lời đấy, cứ như ông ấy đang ngồi cạnh tôi vậy. Lần đầu tiên sử dụng ứng dụng này, tôi thấy thật kỳ diệu. Giọng nói và hình ảnh của Viện sĩ Chu Hữu Dũng đều rất chân thực, câu trả lời cũng giống như thường lệ. Từ nay, chúng tôi có thể hỏi han ‘Viện sĩ Chu Hữu Dũng’ trong điện thoại bất cứ lúc nào!”.

Mục tiêu của trí tuệ nhân tạo là mô phỏng, mở rộng và phát triển trí thông minh của con người. “Nông dân Viện sĩ Thông minh” là một ví dụ điển hình cho việc mở rộng trí thông minh con người, giải quyết những vấn đề thiết thực của đời sống dân sinh.

Viện sĩ Chu Hữu Dũng cho biết: “Nông nghiệp là ngành nghề trường tồn, trợ lý thông minh là kênh truyền tải kiến thức và thông tin tốt nhất. Chúng tôi muốn ứng dụng này mang lại lợi ích cho nhiều người hơn nữa”. Theo thông tin, “Nông dân Viện sĩ Thông minh” sẽ được tích hợp trên nhiều nền tảng như ứng dụng và trang web Văn Tâm Nhất Ngôn, Baidu Search, Baidu Baike. Người dùng có thể tìm kiếm “Nông dân Viện sĩ”, “Chu Hữu Dũng” hoặc “Nông dân Viện sĩ” để truy cập nhanh vào ứng dụng.

Có thể hình dung, việc phát triển trợ lý thông minh chuyên ngành sẽ cho phép các viện sĩ và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực áp dụng vào các tình huống tương tự, tạo ra giá trị thương mại và xã hội to lớn. Hiện nay, AI, với đại diện là mô hình ngôn ngữ lớn, đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp trong nhiều ngành nghề, mở rộng phạm vi và chiều sâu ứng dụng trong sản xuất.

Giám đốc Công nghệ Baidu, ông Vương Hải Phong, cho rằng công nghệ AI hiện tại, dựa trên nền tảng học sâu và mô hình ngôn ngữ lớn, đã có tính ứng dụng cao, đồng thời sở hữu các đặc điểm tiêu chuẩn hóa, mô-đun hóa và tự động hóa. Việc đưa AI vào sản xuất và dịch vụ của các ngành nghề sẽ giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tế trong công việc và cuộc sống.

Bạn có thể theo dõi thêm các bài báo về các lĩnh vực ứng dụng công nghệ khác thuộc chuỗi bài: Trung Quốc lại khiến thế giới “đuổi không kịp” về khả năng ứng dụng công nghệ trên website: markettimes.vn

Khoảng 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký mua vải thiều

Khoảng 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký mua vải thiều

BẮC GIANG – Sắp đến vụ thu hoạch vải thiều, nên thời điểm này nhiều thương nhân Trung Quốc đã chủ động đăng ký đến Bắc Giang để thu mua quả vải.

Năm 2021, người dân Bắc Giang thắng lợi vụ vải thiều

Theo Sở Công Thương, đến thời điểm này có gần 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Bắc Giang để thu mua vải thiều năm 2022. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh đang tham mưu, hướng dẫn những thương nhân này thực hiện thủ tục nhập cảnh theo trình tự quy định của pháp luật.

Vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao, mã đẹp được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Nhiều năm qua, thương nhân Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ với chủ các điểm cân, thương nhân của Việt Nam thu mua, đưa vải thiều tiêu thụ vào thị trường tỷ dân này.

Việc thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều của Bắc Giang sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.

Ngành nông nghiệp Bắc Giang cho biết, năm nay, tình hình thời tiết thuận lợi, dự báo vải thiều Bắc Giang chất lượng tốt hơn năm trước, sản lượng toàn tỉnh ước đạt hơn 160.000 tấn.

Đến nay, Bắc Giang đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Nếu tình hình dịch như hiện nay sẽ thực hiện kịch bản 50/50 (tiêu thụ 50% thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu), trong đó sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).

Còn nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid” sẽ xuất khẩu 30%, còn lại tiêu thị nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại và sấy khô.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/khoang-70-thuong-nhan-trung-quoc-dang-ky-mua-vai-thieu

18 nhóm thực phẩm cần phải đăng ký trước khi sang Trung Quốc

18 nhóm thực phẩm cần phải đăng ký trước khi sang Trung Quốc

Theo Lệnh 248, doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, nhóm thực phẩm là là thịt và các sản phẩm từ thịt, vỏ ruột, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến, sản phẩm từ ong, trứng và các sản phẩm từ trứng, chất béo và dầu thực phẩm, thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mỳ, thực phẩm từ ngũ cốc.

Sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha, rau củ tươi và khô (rau tách nước, sấy), đậu khô, gia vị, các loại hạt (quả hạch) và hạt giống, trái cây sấy khô, hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng.

Đối với sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại trên, doanh nghiệp phải tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện đăng ký.

Việc thực hiện đăng ký được thực hiện thông qua “Ứng dụng quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài” trên cổng thông tin điện tử một cửa thương mại quốc tế của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Thông tin mới nhất từ Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đến ngày 1/3/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.776 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường này.

Nguồn: Lãng Hồng – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X