Tag Archives: XUẤT KHẨU CUA GHẸ

Tôm sú, cua ghẹ Việt Nam tăng trưởng mạnh

Tôm sú, cua ghẹ Việt Nam tăng trưởng mạnh

Thông tin trên được bà Kim Thu – Chuyên gia thị trường tôm (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cung cấp.

Tôm sú đứng vững trên thị trường châu Âu nhờ Hiệp định EVFTA

Tôm sú được coi là sản phẩm cao cấp nhờ màu sắc, hương vị đặc biệt, kích cỡ lớn và thường được yêu thích ở các thị trường ngách tại EU như Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp.

Trong quý I/2022, XK tôm sú của Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tăng trưởng đột phá 107% với giá trị XK đạt 24 triệu USD

Bà Kim Thu chia sẻ: Tôm sú được tiêu thụ tại các thị trường bán lẻ và dịch vụ thực phẩm tại châu Âu. Năm 2020 và đầu năm 2021, tiêu thụ tôm sú tại EU chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng quán ăn đóng cửa để phòng dịch.

Thế nhưng, từ giữa năm 2021, thị trường dần dần mở cửa trở lại nên nhu cầu tiêu thụ tôm sú tại thị trường EU phục hồi và dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2022.

“Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ tại thị trường EU ưa chuộng các sản phẩm như tôm sú HLSO và tôm sú bóc vỏ cỡ 16/20 – 51/60, tôm sú HOSO cỡ 21/26. Lĩnh vực tái chế biến có nhu cầu cao với các sản phẩm tôm sú HOSO, HLSO, lột vỏ đóng block cỡ 16/20 – 51/60.

Trong phân khúc bán lẻ, các sản phẩm tôm sú lột vỏ đông lạnh chủ yếu được bán dưới dạng túi 250g – 1kg. Tôm sú HOSO semi IQF hoặc IQF được bán dưới dạng túi 250g – 1kg hoặc hộp carton từ 500g – 1kg. Phần lớn các tổ chức bán lẻ bán tôm đông lạnh dưới nhãn của riêng họ”, bà Thu tâm sự.

Hiện nay, các nhà cung cấp tôm sú cho thị trường EU gồm Bangladesh, Việt Nam, Madagascar, Indonesia, Ấn Độ và Myanmar. Các sản phẩm cạnh tranh với tôm sú trên thị trường EU như tôm chân trắng, tôm đỏ Argentina và tôm sú khai thác tự nhiên.

Theo bà Thu, trong quý đầu năm nay, xuất khẩu (XK) tôm sú của Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tăng trưởng đột phá 107% với giá trị XK đạt 24 triệu USD. XK tôm sú Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trong năm 2021, các năm trước đó, XK vẫn ghi nhận giảm. Năm 2021, XK tôm sú Việt Nam sang EU đạt 98,5 triệu USD, tăng 36% so với năm 2020.

Các sản phẩm tôm sú Việt Nam chủ yếu XK sang EU trong quý đầu năm nay gồm tôm sú nguyên con tươi đông lạnh, tôm sú PD tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu EZP tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu HLSO EZP tươi đông lạnh, tôm sú IQF tươi đông lạnh, tôm sú PDTO hấp chín IQF, tôm sú HOSO tươi đông lạnh, tôm sú CPTO hấp đông lạnh…

Bà Thu nhấn mạnh: “Tôm sú Việt Nam trên thị trường EU có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các nhà cung cấp đối thủ. Cùng với lợi thế từ Hiệp định EVFTA, tôm sú Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng tại thị trường này. Với sản phẩm tôm sú đi châu Âu, doanh nghiệp cần phải đảm bảo được nhiều yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuỗi hành trình sản phẩm và chứng nhận của bên thứ ba”.

Xuất khẩu cua ghẹ quý I/2022 đạt 52 triệu USD

Trong khi đó, tiếp nối sự tăng trưởng trong quý 4/2021, XK cua ghẹ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý I/2022. Giá trị XK cua ghẹ trong quý này đạt gần 52 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 qua, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Số liệu thống kê xuất khẩu cua ghẹ Việt Nam

Cụ thể, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp là top 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu (NK) nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam. Trong đó, Pháp chiếm hơn 91% tổng giá trị XK.

Theo bà Thu, sau khi sụt giảm trong năm 2021, XK cua ghẹ của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng cao liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022. Giá trị XK cua ghẹ sang thị trường này trong quý I/2022 đạt hơn 20 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã thích nghi tốt với chính sách “zero Covid” của nước này. Sự tăng trưởng cao này đã đưa Trung Quốc trở thành thị trường NK cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam

Với thị trường Nhật Bản, XK cua ghẹ của Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng trong quý này. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường Nhật Bản đạt gần 19 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Nhật Bản hiện đang là nước NK nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam trong khối thị trường tham gia Hiệp định CPTPP. Và cũng là nước duy trì được sự tăng trưởng NK cua ghẹ liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, XK cua ghẹ sang Australia và Singapore lại có sự sụt giảm liên tục trong quý này.

Bà Thu cho biết thêm, tại khối thị trường EU, XK cua ghẹ của Việt Nam cũng phục hồi sau khi sụt giảm vào năm ngoái. Tuy nhiên, XK sang các thị trường trong khối không ổn định. Pháp hiện đang là thị trường NK cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam trong khối thị trường này, đạt gần 1,7 triệu USD, tăng 38%.

Trên thị trường cua EU, các doanh nghiệp XK cua của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cua đến từ Anh, Na Uy, Madagascar, Trung Quốc, Indonesia. Các sản phẩm cạnh tranh với cua trên thị trường này gồm tôm hùm và surimi.

Đáng chú ý, XK cua ghẹ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng liên tục trong quý I/2022. Giá trị XK cua ghẹ của Việt Nam sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt gần 19 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ.

Mỹ đã mở cửa hoàn toàn trở lại điều này đã giúp nhu cầu tiêu thụ cua ghẹ tăng. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển đường biển tăng đã đẩy giá XK tăng lên.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/tom-su-cua-ghe-viet-nam-tang-truong-manh

Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X