VITAD-AGRI

Viện ứng dụng công nghệ & phát triển nông nghiệp Việt Nam

8 Tháng Mười, 2019
Lua-ruoi-tu-ky (1)

Đề tài khoa học: Ứng dụng tiến bộ KHKT phục vụ nông thôn và miền núi (Đề tài Mô hình nông nghiệp hữu cơ tổng hợp – Lúa rươi Tứ Kỳ, Hải Dương)

Đề tài Mô hình nông nghiệp hữu cơ tổng hợp – Lúa rươi Tứ Kỳ, Hải Dương

Mẫu A3-ĐXNV

03/2017/TT-BKHCN

 

PHIẾU ĐỀ XUẤT ĐẶT HÀNG NHIỆM VỤ

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA

(Dùng cho dự án khoa học và công nghệ)

 

  1. Tên dự án khoa học và công nghệ (KH&CN):

“Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tổng hợp theo chuỗi giá trị tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương”

  1. Xuất xứ hình thành:

– Căn cứ Quyết định số ​45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017 về việc Phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ;

– Căn cứ Quyết định số 2347/QĐ-BNN-VPĐP ngày 08/6/2017 của Bộ NN&PTNT Ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017 của TTCP Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012 của TTCP)

  1. Tính cấp thiết; tầm quan trọng phải thực hiện ở tầm quốc gia; tác động và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội của đất nước v.v…:

Nền nông nghiệp hóa học từ giữa thế kỷ XX bên cạnh những thành tựu to lớn về an ninh lương thực trước sức ép của gia tăng dân số thì nó cũng để lại những hậu quả không nhỏ về môi trường và sức khỏe con người. Để gia tăng sản lượng lương thực, người nông dân đã lạm dụng phân bón hoá học, hoá chất bảo vệ thực vật để tăng năng suất cây trồng hoặc sử dụng phân bón khác không hợp lý là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đất và nước. Các phân hữu cơ có thể tạo ra các chất khí CH4, CO2, H2S,… các ion khoáng NO3. Các loại phân hóa học có thể tạo ra các hợp chất đạm ở thể khí dễ bay hơi hay các ion khoáng dễ bị rửa trôi, nhất là NO3, các phân kali hóa học là các phân có khả năng gây chua… Vì vậy dù bón ít phân mà thiếu những hiểu biết cần thiết cho việc bón phân hiệu quả và an toàn thì vẫn tạo điều kiện để phân bón ảnh hưởng xấu tới môi trường, nhất là khi chúng ta không sử dụng hợp lý làm nó làm gây ra các hiện tượng như đất bị chua hóa, hàm lượng các chất vôi giảm, kết cấu đất kém, hoạt động của vi sinh vật trong đất giảm, có sự tích đọng amôn, kim loại nặng ở một số vùng. Hiện tượng nhiễm bẩn đó cũng xảy ra với nước mặt và nước ngầm (Nguyễn Như Hà, 2010; Lê Văn Khoaa 2010). Nồng độ NO3 có trong thành phần của phân bón có liên quan tới sức khỏe cộng đồng và biểu hiện qua hai loại bệnh: (1) Methaemoglobinaemia: Hội chứng trẻ xanh ở trẻ sơ sinh; (2) Ung thư dạ dày ở người lớn. Thực ra NO3 không độc, nhưng khi nó bị khử thành nitrit NO2 trong cơ thể thì nó trở nên rất độc. Khi NO2 sinh ra từ NO3 với một loại amin thứ sinh xuất hiện khi phân hủy mỡ hoặc protein ở bên trong dạ dày và tạo ra hợp chất N-nitroso (là hợp chất gây ung thư). Vì tính chất nguy hiểm của NO3 đối với sức khỏe nên cộng đồng châu Âu quy định mức chuẩn cho nước uống là 11,3 gN/m3; giá trị tối ưu là không quá 5,6 gN/m3 (Lê Văn Khoa, 2010). Kim loại nặng tích lũy trong đất do bón phân, tồn tại trong nông sản và đi vào chuỗi thực phẩm, cuối cùng con người sử dụng chúng. Như vậy, bón phân có ảnh hưởng đến con người ở nhiều khía cạnh khác nhau (Lưu Nguyễn Thành Công, 2010).

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp mang lại một số tiện ích như: (i) sử dụng tốt theo 4 đúng sẽ đẩy lùi được dịch hại, cỏ dại, tạo điều kiện cho cây trồng; (ii) Cho hiệu quả cao, tốn ít công chăm sóc; (iii) Một số chủng loại thuốc BVTV còn có tác dụng kích thích sinh trưởng phát triển của cây trồng và (iv) phù hợp với phát triển nền nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa. Theo Tổ chức Nông lương quốc tế thì thuốc BVTV được phân thành 4 cấp độ và theo Nguyễn Trần Oánh (2007) thì thuốc BVTV được phân loại: (1) Dựa vào đối tượng phòng chống bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ chuột, thuốc trừ nhện, thuốc trừ tuyến trùng, thuốc trừ cỏ; (2) Dựa vào con đường xâm nhập gồm có: tiếp xúc, vị độc, xông hơi, thấm sâu, nội hấp; (3) Dựa vào nguồn gốc hóa học gồm có: thuốc có nguồn gốc thảo mộc, thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có nguồn gốc vô cơ, thuốc có nguồn gốc hữu cơ.

Khi phun thuốc BVTV cho cây trồng có tới 50% lượng thuốc rơi xuống đất, ngoài ra còn có một số thuốc thải trực tiếp vào đất. Khi vào trong đất, một phần thuốc được cây trồng hấp thụ, một phần bị keo đất giữ lại, trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến môi trường đất. Mặt khác thuốc BVTV có khả năng hòa tan trong nước gây ô nhiễm môi trường nước. Thuốc BVTV ảnh hưởng đến quần thể sinh vật. Các côn trùng có ích giúp tiêu diệt các loài dịch hại cũng bị tiêu diệt hoặc yếu đi hoặc di cư sang nơi khác do môi trường bị ô nhiễm và hệ quả cuối cùng là làm mất cân bằng sinh thái trên đồng ruộng (Lê Huy Bá, 2008 và Trần Danh Thìn, 2010). Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã làm hỏng cấu tượng đất, làm phương hại đến tập đoàn vi sinh vật – phần “sống” của trái đất, làm ô nhiễm nguồn nước (Trần Đức Viên, 2007). Hàng năm, có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong (do ngộ độc cấp tính) vì lượng hóa chất tồn đọng quá cao trong thực phẩm (Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, 2014).

Xã An Thanh là một xã thuộc khu hạ huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, là một xã thuần nông, do điều kiện về giao thông không thuận lợi (không có quốc lộ, tỉnh lộ đi qua), kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Việc tận dụng các lợi thế tự nhiên nâng cao thu nhập người dân đang là nhiệm vụ quan trọng trong, cấp thiết trong các mục tiêu hướng đến đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã có diện tích trên trên 130 ha (tập trung) đất bãi ven nhánh sông Thái Bình, là vùng nước nợ, ảnh hưởng bởi thủy triều, phù hợp cho sự phát triển của rươi và cáy, là những loại đặc sản có giá trị, trong nhiều năm qua đã mang lại nguồn thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Để khai thác rươi,cáy, trong nhiều năm qua người dân đã thực hiện phương thức canh tác không sử dụng hóa chất, kết hợp cấy lúa, trồng cây ăn quả với bảo vệ môi trường tự nhiên. Đây là những tiền đề thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Tại Hải Dương, ngoài vùng canh tác rươi tại xã An Thanh, dọc nhánh sông Thái Bình (qua huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà), sông Bắc Hưng Hải (qua huyện Tứ Kỳ), sông Đá Vách (đoạn qua huyện Kinh Thầy)… có một số vùng đất bãi với diện tích nhỏ hơn, với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác tương tự, có thể khai thác rươi, cáy.

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã quan tâm, đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh để tiến hành một số nghiên cứu, góp phần tạo tiền đề, hỗ trợ cho sự phát triển của các vùng đất đặc biệt này:

Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi Rươi (Tylorrhynchus heterochaetus Quatrefages) và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương” nghiên cứu tại Vùng canh tác rươi xã An Thanh, xã Tứ Xuyên (huyện Tứ Kỳ) và Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà), tỉnh Hải Dương từ năm 2016 – 2017, Viện Sinh thái và Môi trường nhiệt đới thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện.

Đề tài “Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa theo nguyên tắc hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hải Dương” nghiên cứu tại vùng canh tác rươi xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương từ năm 2017 – 2018, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới, có trụ sở tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương thành lập năm 2016 hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công ty đã triển khai việc hợp tác với người dân theo mô hình “hợp tác 4 nhà”, trực tiếp liên kết với người dân, dưới sự tạo điều kiện của chính quyền, sự hỗ trợ của một số nhà khoa học nông nghiệp để tiến hành sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ, bước đầu đã đưa sản phẩm gạo canh tác theo hướng hữu cơ ra thị trường, nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Để có thể bảo tồn, phát triển nguồn lợi đặc sản tự nhiên, khai thác hiệu quả vùng đất có điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ khép kín này; đồng thời làm cơ sở để lan tỏa và mở rộng mô hình canh tác hữu cơ đến một số vùng đất có điều kiện tương tự thuộc tỉnh Hải Dương và một số tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ (Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa…), Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới xây dựng dự án khoa học “Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tổng hợp theo chuỗi giá trị tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương” với mục đích tiếp tục nghiên cứu, tiếp cận và đưa một số tiến bộ khoa học để giải quyết một số vấn đề:

– Tuyển chọn, khảo nghiệm giống lúa, giống cây ăn quả; lựa chọn được các giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện canh tác hữu cơ, có giá trị kinh tế;

– Nghiên cứu quy trình công nghệ để tận dụng các nguồn sẵn có trên địa bàn (cây, cỏ, rơm, rạ…) sản xuất phân hữu cơ;

– Nghiên cứu quy trình công nghệ để bảo quản và chế biến rươi, cáy.

– Xây dựng các quy trình quản lý sản xuất hướng đến việc chứng nhận vùng sản xuất đạt các tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam, khu vực và Quốc tế.

– Xây dựng các lên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến hình thành chuỗi khép kín trong việc cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

  1. Mục tiêu:

4.1 Mục tiêu chung: Mô hình nông nghiệp hữu cơ tổng hợp tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nhằm tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái với các sản phẩm hữu cơ chủ yếu như: lúa, rươi, cáy, cây ăn quả. Bên cạnh đó, mô hình còn giải quyết vấn đề lao động nông thôn tăng thu nhập cải thiện đời sống người dân địa phương. Mô hình cũng là điển hình để chuyển giao công nghệ sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu cho các vùng có điều kiện tương tự thuộc hệ sinh thái đồng bằng sông Hồng. Môi trường sản xuất nông nghiệp sinh thái cũng là mục tiêu vùng dự án hương đến.

4.2 Mục tiêu cụ thể:

– Xây dựng mô hình canh tác hữu cơ lúa – rươi, cáy – cây ăn quả theo chuỗi giá trị có quy mô 50 ha đạt giá trị trung bình 400 triệu đồng/ha;

– Hoàn thiện quy trình canh tác hữu cơ tổng hợp thuộc nội dung dự án;

– Hoàn thiện mô phỏng kênh phân phối của các sản phẩm dự án. 

  1. Nội dung KH&CN chủ yếu: (mỗi nội dung đặt ra có thể hình thành được một đề tài, hoặc dự án SXTN).

5.1. Nghiên cứu đánh giá hiện trạng tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường và tình hình sản xuất nông nghiệp vùng dự án.

5.2. Tuyển chọn giống lúa phù hợp trong canh tác hữu cơ vùng dự án.

5.3. Tuyển chọn giống cây ăn quả phù hợp trong canh tác hữu cơ vùng dự án.

5.4. Nghiên cứu quy trình công nghệ để tận dụng các nguồn vật chất hữu cơ sẵn có trên địa bàn (phế thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp…) sản xuất phân hữu cơ phục vụ vùng dự án.

5.5. Xây dựng quy trình canh tác, bảo quản, sơ chế và chế biến rươi.

5.6. Xây dựng quy trình canh tác, bảo quản, sơ chế và chế biến cáy.

5.7. Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ tổng hợp: lúa, cây ăn quả và đặc sản tự nhiên rươi, cáy.

5.8. Xây dựng mô hình sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, quy mô 50 ha.

5.9. Xây dựng quy trình quản lý sản xuất hữu cơ tổng hợp quy mô 50 ha, đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ trong nước, hướng đến đạt tiêu chuẩn hữu cơ khu vực và Quốc tế.

  1. Yêu cầu đối với kết quả (công nghệ, thiết bị) và các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cần đạt:

6.1. Báo cáo hiện trạng tự nhiên kinh tế, xã hội, môi trường vùng dự án.

6.2. Quy trình canh tác lúa hữu cơ phù hợp vùng dự án.

5.3. Quy trình canh tác cây ăn quả hữu cơ phù hợp vùng dự án.

5.4. Quy trình xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vùng dự án.

5.5. Quy trình canh tác, bảo quản và chế biến rươi hữu cơ.

5.6. Quy trình canh tác, bảo quản và chế biến cáy hữu cơ.

5.7. Quy trình canh tác hữu cơ tổng hợp: lúa – rươi, cáy – cây ăn quả.

5.8. Mô hình sản xuất hữu cơ tổng hợp theo chuỗi giá trị, quy mô 50 ha.

5.9. Quy trình quản lý sản xuất hữu cơ tổng hợp quy mô 50 ha, đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ trong nước.

  1. Dự kiến tổ chức, cơ quan hoặc địa chỉ ứng dụng các kết quả tạo ra:

7.1 Đơn vị chủ trì dự án: Công ty Cổ phần nông nghiệp thế hệ mới.

Địa chỉ: Thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Chủ nhiệm dự án: Nguyễn Văn Tuân

Thông tin liên hệ: 0915 2468 35;  Email: info@newgeneration.com.vn

7.2 Đơn vị phối hợp: Viện Viện ứng dụng công nghệ và phát triển 

nông nghiệp Việt Nam

Địa chỉ: Số 92 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Thông tin liên hệ: 04.35773030, Email: namvitad.agri@gmail.com

  1. Yêu cầu đối với thời gian thực hiện: 1/2018-12/2020
  2. Năng lực của tổ chức, cơ quan dự kiến ứng dụng kết quả:

Các kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng tại một số vùng có điều kiện canh tác tương tự thuộc các xã: Tứ Xuyên, Đông Kỳ, Cộng Lạc, Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ), Vĩnh Lập (Thuyện Thanh Hà), thị trấn Minh Tân (huyện Kinh Môn) và một số địa phương khác thuộc các tỉnh: Hải Phòng, Thái Bình, QUảng Ninh, Thanh Hóa.

  1. Dự kiến nhu cầu kinh phí: 7.500 triệu đồng
  2. Phương án huy động các nguồn lực của cơ tổ chức, cơ quan dự kiến ứng dụng kết quả: (khả năng huy động nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất từ các nguồn khác nhau để thực hiện dự án)

– Công ty Cổ phần nông nghiệp thế hệ mới: 1.600 triệu đồng (bằng giá trị đầu tư máy móc, thiết bị, vốn sản xuất kinh doanh).

– Người dân địa phương góp: 1.400 triệu đồng (bằng công lao động, đất đai và chi phí đầu tư sản xuất).

– Đơn vị phối hợp đóng góp 20% giá trị khoa học, trị giá tương ứng 500 triệu đồng.

– Ngân sách về KHCN: 4.500 triệu đồng

  1. Dự kiến hiệu quả của dự án KH&CN:

12.1 Hiệu quả kinh tế – xã hội: (cần làm rõ đóng góp của dự án KH&CN đối với các dự án đầu tư sản xuất trước mắt và lâu dài bao gồm số tiền làm lợi và các đóng góp khác…)

Giá trị đạt được của mô hình canh tác hữu cơ tổng hợp (lúa, cây ăn quả, rươi, cáy) đạt 400 triệu đồng/ha, vượt tối thiểu 22% so sánh với giá trị canh tác truyền thống của người dân địa phương trên 1 ha gieo trồng.

Giải quyết lực lượng lao động nông thôn: 120 người. Giá trị ngày công lao động đạt gấp 1,5 lần so sánh với giá trị ngày công ở khu nông nghiệp trong vùng dự án.

– Môi trường đất canh tác, nguồn nước mặt, nước ngầm không còn tồn dư các chát độc hại theo quy định của Bộ Y tế và Bộ TN&MT

– Nông sản hữu cơ tạo ra từ dự án góp phần vào kênh phân phối thực phẩm sạch cho người dân địa phương và các vùng đô thị Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội.

12.2 Hiệu quả về khoa học và công nghệ:

– Tạo ra được bức tranh về mô hình canh tác hữu cơ tổng hợp cho vùng dự án và có thể ứng dụng mở rộng cho các vùng canh tác khác thuộc hệ sinh thái vùng đồng bằng sông Hồng.

– 15 – 30 cán bộ kỹ thuật cấp huyện vùng dự án có kiến thức vững vàng về canh tác hữu cơ tổng hợp, thành thạo kỹ năng trong triển khai hoạt động chuyên sâu từng lĩnh vực, tự nâng cao được nhận thức về sản xuất nông nghiệp an toàn và môi trường sinh thái, bước đầu tiếp cận kiến thức và thực tiễn về sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị.

– 50 – 70% cán bộ địa phương (xã, thôn) nắm được quy trình kỹ thuật từng hợp phần hoặc tổng hợp về sản xuất hữu cơ theo chuỗi gía trị.

– 100% người dân địa phương có diện tích canh tác trong vùng dự án thành thạo kỹ năng canh tác hữu cơ trong từng nội dung chuyên sâu hoặc tổng hợp của dự án. Hiểu và nhận thức vị trí vai trò của canh tác hữu cơ và chuỗi giá trị với môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng và gia tăng giá trị sản phẩm.

 

Hải Dương, ngày 20 tháng 9 năm 2017

TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỀ XUẤT

(Họ, tên và chữ ký – đóng dấu đối với tổ chức)

 

Liên hệ

Email: vitad.agri@gmail.com
Hotline: 02-432-151-285
VPGD: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh: Tầng 5 Tòa nhà Songdo, 62A Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3, TP. HCM

 

 


Comment Form

Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X