Giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với thương mại và thị trường thực phẩm
Đây là tuyên bố chung của Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) QU Dongyu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo.
Hàng triệu người trên thế giới phụ thuộc vào thương mại quốc tế để đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế. Khi các quốc gia ban hành các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang gia tăng, cần phải thận trọng để giảm thiểu tác động tiềm ẩn đối với nguồn cung thực phẩm hoặc hậu quả không lường trước được đối với thương mại và an ninh lương thực toàn cầu.
Khi hành động để bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của người dân, các quốc gia cần đảm bảo rằng mọi biện pháp liên quan đến thương mại không làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm. Những gián đoạn bao gồm cản trở sự di chuyển của các công nhân nông nghiệp và thực phẩm, kéo dài sự chậm trễ ở biên giới đối với hàng hóa dẫn đến sự hư hỏng của thực phẩm và làm gia tăng lãng phí thực phẩm. Hạn chế thương mại thực phẩm cũng có thể được liên kết với mối quan tâm phi lý về an toàn thực phẩm. Nếu một kịch bản như vậy xảy ra sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng thực phẩm, với những hậu quả đặc biệt rõ rệt đối với những người dễ bị tổn thương và những người không đủ ăn.
Bất ổn về nguồn thực phẩm sẵn có có thể châm ngòi cho một làn sóng hạn chế xuất khẩu, tạo ra sự thiếu hụt trên thị trường toàn cầu. Những phản ứng như vậy có thể làm thay đổi cân bằng cung và cầu thực phẩm, dẫn đến tăng giá và biến động giá. Chúng tôi đã học được từ các cuộc khủng hoảng trước đây rằng các biện pháp như vậy đặc biệt gây tổn hại cho các nước thu nhập thấp, thiếu lương thực và các nỗ lực của các tổ chức nhân đạo trong việc mua thực phẩm cho những người có nhu cầu cấp thiết.
Chúng ta phải ngăn chặn sự lặp lại của các biện pháp gây tổn hại như vậy. Chính những lúc như thế này, hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giữa các lần giãn cách xã hội vì COVID-19, mọi nỗ lực phải được thực hiện để đảm bảo hoạt động giao dịch diễn ra tự do nhất có thể, đặc biệt tránh thiếu lương thực. Tương tự, điều tối quan trọng là các nhà sản xuất thực phẩm và công nhân ở khâu chế biến và bán lẻ được bảo vệ để giảm thiểu sự lây lan của bệnh và duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm. Người tiêu dùng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, phải được duy trì khả năng tiếp cận thực phẩm trong cộng đồng theo các yêu cầu an toàn nghiêm ngặt.
Chúng tôi cũng phải đảm bảo rằng thông tin về các biện pháp thương mại liên quan đến thực phẩm, mức độ sản xuất, tiêu thụ và nguồn cung dự trữ, cũng như về giá cả lương thực luôn có sẵn cho tất cả mọi người trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Điều này làm giảm lo ngại và cho phép các nhà sản xuất, người tiêu dùng và thương nhân đưa ra quyết định sáng suốt. Trên hết, điều này giúp hạn chế ‘mua hoảng loạn ‘và tích trữ thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.
Bây giờ là lúc để thể hiện sự đoàn kết, hành động có trách nhiệm và tuân thủ mục tiêu chung của chúng tôi là tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, cải thiện phúc lợi chung của tất cả người dân trên toàn thế giới. Chúng tôi phải đảm bảo rằng phản ứng của chúng tôi với COVID-19 không vô tình tạo ra sự thiếu hụt không đáng có các mặt hàng thiết yếu và làm trầm trọng thêm tình trạng đói và suy dinh dưỡng.
(Nguồn: Bộ NN&PTNT)