Hội nghị Phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại các tỉnh phía bắc
Ngày 10/11, tại Hòa Bình, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả có múi (CAQCM) tại các tỉnh phía Bắc. Dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ. Ngoài ra còn có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và đại diện Sở NN&PTNT 22 tỉnh phía Bắc
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến nay tại nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa tập trung như cam Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, bưởi Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, quýt Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Tổng diện tích cây có múi của các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 121.000 ha (chiếm 47,5% diện tích của cả nước).
Đáng chú ý, điện tích cây có múi liên tục tăng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng cao. Thống kê trong 10 năm từ 2009 – 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm về diện tích (tương đương 7,3 nghìn ha/năm), trên 12% về sản lượng (69,4 nghìn tấn).
Cùng với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều hạn chế và gặp nhiều khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm, dịch bệnh. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, bùng phát dịch hại và ảnh hưởng đến chất lượng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận về tình hình sản xuất, tình hình dịch hại cây có múi, định hướng công tác bảo vệ thực vật và mở cửa thị trường, công nghiệp chế biến, xúc tiến các loại quả có múi; tổng hợp kết quả nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, sau thu hoạch trong những năm gần đây và định hướng trong thời gian tới…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh: Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh hình thành nhóm sản phẩm chủ lực, tạo được uy tín tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tỉnh hoàn thành bản đồ phân hạng thích nghi đất cho sản xuất trồng trọt với diện tích phân hạng 116 nghìn ha. Đặc biệt, CAQCM là cây trồng chủ lực trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 11.500 ha. Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 7.400 ha; 2.119 ha cây có múi được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ. Dự kiến năm 2020, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác đạt trên 350 triệu đồng/ha. Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất CAQCM tại tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại như: Tình trạng kinh doanh, buôn bán giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra; kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ; nhiều loại sâu bệnh mới phát sinh; hoạt động bảo quản, sơ chế, chế biến chưa phát triển; vấn đề bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các ngành liên quan hỗ trợ tỉnh tổ chức rà soát cây có múi; cấp mã vùng; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu; chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm CAQCM. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh thực hiện đề án tái canh vùng cam Cao Phong.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận nỗ lực và những kết quả đạt được trong phát triển CAQCM của các tỉnh phía Bắc. Thứ trưởng khẳng định: Sản xuất cây có múi có vị trí, vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước những khó khăn, bất cập còn tồn tại, đề nghị các cục, vụ, bộ, ban ngành T.Ư cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển cây có múi bền vững, thực hiện tốt quy hoạch vùng trồng.
Thứ trưởng đề nghị Cục Trồng trọt chủ trì hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh diện tích cây có múi theo quy hoạch. Đối với Cục Bảo vệ thực vật tập trung chỉ đạo phòng, chống các loại bệnh gây hại; ban hành quy trình phòng trừ bệnh Greening và bệnh vàng lá, thối rễ. Trung tâm Khuyến nông quốc gia ưu tiên phát triển mô hình vườn mẫu. Các Viện triển khai tốt chương trình giống cây trồng của Bộ NN&PTNT.
Nguồn: Bộ NN&PTNT