Tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép, kiểm tra chất lượng lĩnh vực nông nghiệp
Tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép, kiểm tra chất lượng lĩnh vực nông nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cấp giấy phép, giấy chứng nhận, kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do phải thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cấp giấy phép, giấy chứng nhận, kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh minh họa.
Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ nêu rõ, cho phép áp dụng biện pháp sau đây để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện kiểm tra, đánh giá, giám sát, thẩm định, lấy mẫu, phân tích… (sau đây gọi chung là đánh giá) trực tiếp tại hiện trường để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định, văn bản chấp thuận (sau đây gọi chung là giấy phép) hoặc đánh giá định kỳ, kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do phải áp dụng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Một là, áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến trong trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ quan cấp phép đáp ứng yêu cầu về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật thực hiện (máy tính, đường truyền internet, ứng dụng phần mềm, máy ghi âm, ghi hình…);
Hoặc kéo dài thời hạn giấy phép 6 tháng (đối với giấy phép có thời hạn), tạm hoãn tối đa 6 tháng hoạt động đánh giá giám sát định kỳ; hoặc thực hiện cấp phép tạm thời tối đa 6 tháng, kiểm tra chất lượng nhập khẩu trên cơ sở xem xét hồ sơ đầy đủ, hợp lệ mà không phải tổ chức đánh giá trực tiếp tại hiện trường.
Hai là, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức đánh giá sự phù hợp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin, tài liệu, hình ảnh, hồ sơ cung cấp cho cơ quan cấp phép.
Việc đánh giá trực tiếp tại hiện trường sẽ được thực hiện sau khi các địa phương kiểm soát được dịch bệnh theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện thu hồi ngay giấy phép đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ba là, căn cứ điều kiện thực tế và đặc thù quản lý của từng lĩnh vực, Bộ NN-PTNT hướng dẫn các biện pháp nêu trên đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không bị đình trệ, gián đoạn, đồng thời bảo đảm công tác quản lý nhà nước; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Nguồn: Mai Chiến – Tạp chí Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam