VITAD-AGRI

Viện ứng dụng công nghệ & phát triển nông nghiệp Việt Nam

11 Tháng Một, 2022
mceclip073

Giá tiêu xuất khẩu năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao

Giá tiêu xuất khẩu năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 3.593 USD/tấn, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tín hiệu vui mừng cho người trồng tiêu

Theo đó, trong năm 2021 vừa qua, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ASEAN giảm.

Đặc biệt, trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng cả về lượng và trị giá, gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Pakistan, Hà Lan, Hàn Quốc, Anh. Đáng chú ý, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang thị trường Hà Lan tăng tới 52,7%, đạt 3,17 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường tăng mua hạt tiêu trắng của nước ta như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha. Đưa tổng sản lượng xuất khẩu hạt tiêu trắng 11 tháng năm 2021 đạt 21,2 nghìn tấn, trị giá 106,23 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 58,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu hạt tiêu năm 2021 ước đạt 938 triệu USD

Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 10/2021 đạt 4,79 triệu USD, giảm 1,3% so với tháng 10/2020. Mặc dù Trung Quốc giảm mua tiêu từ Indonesia và Malaysia giảm, nhưng tăng mua từ Việt Nam, Brazil và Ấn Độ.

Được biết, trong 10 tháng năm 2021, Trung Quốc chi 14,54 triệu USD thu mua hạt tiêu từ Việt Nam, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,85% trong 10 tháng năm 2020, lên 31,76% trong 10 tháng năm 2021.

Tín hiệu đáng mừng đối với ngành tiêu, đó là những năm gần đây cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu có sự thay đổi khá lớn.

Các doanh nghiệp đã giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là đẩy mạnh bán các chủng loại đã qua sơ chế hoặc chế biến chuyên sâu; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhằm phục vụ cho ngành sản xuất mỹ phẩm…

Bước sang năm 2022 này, Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá tiêu xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Ngành hạt tiêu tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, tình hình kinh tế có tín hiệu phục hồi sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng.

Trong khi đó, hạt tiêu của Việt Nam đã tạo được chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Hoa Kỳ. Lợi thế cạnh tranh mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam so với các thị trường xuất khẩu khác khá lớn.

Không ngừng nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu, mở rộng thị trường

Nhận định về cơ cấu chuyển dịch của hạt tiêu Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, năm 2021, hạt tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm về lượng, nhưng tăng mạnh về trị giá, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việc thay đổi tư duy, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm đã giúp hạt tiêu của Việt Nam chinh phục được thị trường trong và ngoài nước với giá thành cao hơn.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng dự báo, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn trong những tháng cuối năm. Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường chính có xu hướng chậm lại hoặc giảm mạnh. Hiện, lượng hạt tiêu còn lại trong dân không nhiều, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng không mấy “mặn mà” do giá cước phí vận chuyển tăng “phi mã” và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương rất nghiêm ngặt.

“Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 1-2 tháng tới có nhiều hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi tình trạng ùn ứ tại các cảng biển phía nam cùng giá cước tàu biển vẫn duy trì ở mức cao sẽ là trở ngại đối với xuất khẩu hạt tiêu. Giá hạt tiêu cũng được nhận định khó có thể tăng mạnh do nguồn cung cải thiện khi Indonesia, Malaysia và Brazil bước vào vụ thu hoạch trong tháng 8 và tháng 9”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Do đó, để có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gia vị và hương liệu trên thế giới, sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia gần đây để thúc đẩy xuất khẩu. 

Bộ NNPTNT kiểm tra tình hình trồng tiêu ở tỉnh Đắk Nông.

Về phía các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, sản lượng gia vị của Ấn Độ đạt khoảng 3 triệu tấn mỗi năm. Gia vị cũng là sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của nước này. Ấn Độ cũng nhập khẩu nhiều gia vị, trong đó có hồ tiêu. Ấn Độ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam khoảng 25-30 triệu USD/năm.

Do đó, để gia vị, hương liệu của Việt Nam xuất khẩu thành công sang Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm, ví dụ nhiều loại nguyên liệu gia vị trộn thành 1 loại gia vị với hương vị đặc trưng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu hương vị của các nước để làm ra sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của thị trường này, tạo sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác…

Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia lưu ý thêm cho các doanh nghiệp, vật liệu đóng gói chính cho các loại thảo mộc, gia vị và gia vị ở Saudi Arabia nên là thủy tinh, bao bì linh hoạt, giấy và bìa, nhựa cứng và các loại khác. Các thùng đóng gói có nhiều loại khác nhau như lọ, chai, túi, gói, bồn, hộp, túi và ống.

Đối với thị trường châu Âu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V Hà Lan chia sẻ, để gia vị Việt thâm nhập vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường khối này. Nếu các công ty chưa có phòng nghiên cứu thị trường thì có thể tham gia hội chợ như Anuga của Đức để quảng bá sản phẩm, tham khảo thông tin trên trang website của các hiệp hội, ngành nghề châu Âu.

Nguồn: Xuân Hiền – Tạp chí Nông nghiệp Hữu cơ


Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X