VITAD-AGRI

Viện ứng dụng công nghệ & phát triển nông nghiệp Việt Nam

6 Tháng Một, 2022

Bài học từ đại dịch COVID-19: Làm sao để hệ thống nông sản chống chịu tốt hơn trước các cú sốc

Bài học từ đại dịch COVID-19: Làm sao để hệ thống nông sản chống chịu tốt hơn trước các cú sốc

Báo cáo Hiện trạng Nông nghiệp và Thực phẩm Toàn cầu (SOFA) 2021 của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) mới công bố co thấy sự mong manh của các hệ thống nông sản trên thế giới và đưa ra các giải pháp về cách đối phó với những cú sốc bất ngờ.

Các quốc gia cần phải làm cho hệ thống nông sản kiên cường hơn trước những cú sốc bất ngờ như đã trải qua ​​trong đại dịch COVID-19. Những cú sốc này là tác nhân chính dẫn đến sự gia tăng nạn đói mới nhất trên toàn cầu. Theo báo cáo SOFA 2021, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì những cú sốc khó lường sẽ tiếp tục phá hoại các hệ thống nông sản.

Báo cáo Hiện trạng Nông nghiệp và Thực phẩm Thế giới năm nay có tựa đề “Làm cho các hệ thống nông sản có khả năng chống chịu tốt hơn trước những cú sốc và căng thẳng”. Báo cáo tập trung đánh giá về khả năng của các hệ thống nông sản quốc gia trong việc ứng phó hoặc phục hồi dễ dàng trước các cú sốc và tác nhân gây căng thẳng. Báo cáo cũng cung cấp hướng dẫn cho các Chính phủ về cách cải thiện khả năng phục hồi.

Ngày nay, có khoảng 3 tỷ người trên thế giới không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Báo cáo SOFA 2021 ước tính rằng sẽ có thêm 1 tỷ người nữa gia nhập hàng ngũ này nếu một cú sốc khác làm giảm đi 1/3 thu nhập của họ. Hơn nữa, chi phí thực phẩm có thể tăng lên tới 845 triệu người nếu xảy ra đứt gãy các liên kết giao thông quan trọng. SOFA định nghĩa các cú sốc là “sự sai lệch ngắn hạn so với các xu hướng dài hạn có tác động tiêu cực đáng kể đến hệ thống, tình trạng sức khỏe, tài sản, sinh kế, sự an toàn và khả năng chống chọi của con người đối với các cú sốc trong tương lai.” Các ví dụ bao gồm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và các đợt dịch bệnh và sâu bệnh hại thực vật và động vật.

Ngay cả trước khi COVID-19 bùng nổ, thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đạt được cam kết chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030. Và trong khi chuỗi cung ứng và sản xuất lương thực từ trước đến nay vốn dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu cực đoan, xung đột vũ trang hoặc tăng giá lương thực toàn cầu, tần suất và mức độ nghiêm trọng của những cú sốc như vậy đang gia tăng.

Hành động cụ thể

Hệ thống nông sản thế giới – mạng lưới phức tạp các hoạt động liên quan đến sản xuất lương thực và các sản phẩm nông nghiệp phi lương thực, cũng như bảo quản, chế biến, vận chuyển, phân phối và tiêu thụ, sản xuất ra 11 tỉ tấn lương thực mỗi năm và tạo việc làm cho hàng tỉ người, trực tiếp hay gián tiếp. Sự cấp bách phải tăng cường khả năng chịu đựng của hệ thống nông sản là không thể trì hoãn.

Báo cáo cũng đưa ra các chỉ số cấp quốc gia về khả năng phục hồi của hệ thống nông sản tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, bằng cách phân tích các yếu tố như mạng lưới giao thông, dòng chảy thương mại và sự sẵn có của các chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng. Mặc dù các quốc gia thu nhập thấp nhìn chung phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều, nhưng báo cáo cho thấy các quốc gia thu nhập trung bình cũng đang gặp rủi ro. Đối với gần một nửa số quốc gia được các chuyên gia FAO phân tích, việc đóng các mạng lưới liên kết giao thông quan trọng sẽ làm tăng thời gian vận chuyển địa phương lên 20% hoặc hơn, do đó làm tăng chi phí và giá thực phẩm cho người tiêu dùng.

Do đó, FAO khuyến nghị các Chính phủ nên coi khả năng phục hồi trong các hệ thống nông sản là một phần chiến lược trong phản ứng đối với những thách thức đang diễn ra và trong tương lai.

Chìa khóa ở đây là đa dạng hóa – nguồn đầu vào, sản xuất, thị trường và chuỗi cung ứng, cũng như các tác nhân – vì sự đa dạng tạo ra nhiều con đường để vượt qua các cú sốc. Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông sản vừa và nhỏ, hợp tác xã,… sẽ giúp duy trì sự đa dạng trong chuỗi giá trị nông sản trong nước.

Một yếu tố quan trọng khác là khả năng kết nối. Các mạng lưới nông sản được kết nối tốt sẽ khắc phục sự gián đoạn nhanh hơn bằng cách thay đổi các nguồn cung cấp và các kênh vận chuyển, tiếp thị, đầu vào và lao động.

Cuối cùng, nâng cao năng lực chống chịu của các hộ gia đình dễ bị tổn thương là rất quan trọng để đảm bảo một thế giới không còn nạn đói. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận tài sản, đến các nguồn thu nhập đa dạng và các chương trình bảo trợ xã hội trong trường hợp xảy ra các cú sốc./.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X