VITAD-AGRI

Viện ứng dụng công nghệ & phát triển nông nghiệp Việt Nam

18 Tháng Ba, 2022
davnsatgiupndthaydoiphuongthuc1

Dự án VnSAT giúp nông dân chuyển đổi phương thức canh tác

Dự án VnSAT giúp nông dân chuyển đổi phương thức canh tác

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã thay đổi thói quen, tập quán canh tác nông nghiệp của bà con nông dân trong thời gian qua.

Dự án VnSAT được thực hiện từ năm 2015 đến tháng 6/2022 tại 8 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang. Trong đó, giai đoạn từ 2021 trở về sau là giai đoạn gia hạn, chủ yếu thực hiện các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ nông dân.

Trong năm 2021, tại 8 địa phương thực hiện dự án VnSAT đã có hơn 61.300 ha lúa có hợp đồng bao tiêu thu mua sản phẩm. Cùng với đó, đầu tư xây dựng 485 công trình thủy lợi, giao thông, cầu cống, trạm bơm, đường điện, trạm biến áp và 68 kho tạm trữ, nhà bao che máy sấy và nhiều thiết bị hỗ trợ các tổ chức nông dân như: máy sấy, máy cuốn rơm, máy đóng bao lúa, máy phun hạt…

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp, kiêm Giám đốc Dự án VnSAT cho biết: Dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn để thúc đẩy chuyển đổi hai ngành hàng là cà phê và lúa gạo. Đến nay, sau 6 năm thực hiện, các chỉ tiêu của Dự án đã cơ bản hoàn thành và vượt 20%.

Cả chương trình tái canh cà phê cũng như các quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đối với hợp phần lúa gạo đều được WB đánh giá rất cao, là một trong các dự án điển hình. Sau khi Dự án kết thúc, giá trị gia tăng đối với cà phê đạt gần 20%, đối với lúa gạo là 25% so với trước khi triển khai Dự án.

“Dự án VnSAT đã tác động rất lớn đối với việc thay đổi tập quán canh tác của khoảng 200.000 hộ nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và 150.000 hộ nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên”, ông Hiến đánh giá.

Đối với hợp phần lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, có 155.000 nông dân được đào tạo kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” để canh tác 175.400 ha lúa; hơn 104.400 nông dân được đào tạo quy trình sản xuất lúa “1 phải 5 giảm” với diện tích trên 146.800 ha lúa.

Qua thống kê của các địa phương, tỷ lệ áp dụng sau đào tạo đạt hơn 80%. Ngoài ra, các tổ chức nông dân tham gia dự án còn được đào tạo kỹ năng quản lý hợp tác xã, kỹ thuật luân canh, nhân giống lúa xác nhận, sản xuất lúa VietGAP…

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT, giai đoạn 2021 – 2022, có tổng số 86 tiểu dự án đầu tư công tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (chia làm 87 gói thầu) với tổng vốn đầu tư trên 1.094 tỷ đồng. Hầu hết các gói thầu đã được trao hợp đồng và triển khai từ tháng 10 năm ngoái.

Do ảnh hưởng mùa mưa tại Nam Bộ và dịch bệnh Covid-19 nên đến cuối tháng 11/2021, các Ban quản lý Dự án VnSAT địa phương và nhà thầu mới có thể đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu xây dựng công thủy lợi, giao thông, kho bảo quản lúa, các thiết bị thu hoạch, bảo quản, sơ chế lúa gạo…

Đến nay, cơ bản các gói thầu thi công đạt từ 40% đến 50% khối lượng hợp đồng; một số tỉnh như Sóc Trăng, Tiền Giang tiến độ đạt từ 60% đến 70% khối lượng hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, Dự án đã thay đổi thói quen, tập quán sản xuất lúa và cà phê của nông dân. Tuy nhiên, thời gian gia hạn Dự án còn rất ngắn.

Vì vậy, Thứ trưởng Doanh đề nghị các địa phương quan tâm một số vấn đề để Dự án hoàn thành được trọn vẹn. Đồng thời yêu cầu Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương phối hợp với các địa phương rà soát lại từng tiểu dự án, nhất là đối với các địa phương có các tiểu dự án trong diện có nguy cơ không hàn thành đúng tiến độ. Đối với các tiểu dự án của giai đoạn trước còn tồn đọng, yêu cầu đến 30/4 phải hoàn thành dứt điểm.

Tuy thời gian gấp rút, nhưng Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý các địa phương trong kiểm tra chất lượng, mỹ quan của công trình, không vì thời gian ngắn mà thiếu kiểm soát.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/du-an-vnsat-giup-nong-dan-chuyen-doi-phuong-thuc-canh-tac


Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X