Ngành nông nghiệp cần thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngành nông nghiệp cần thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong năm 2021, thiên tai không dồn dập, khốc liệt như năm 2020 nhưng cũng đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai với 9 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 139 trận động đất; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Đồng thời, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài từ cuối năm 2019, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Dịch bệnh đã tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp rất dễ bị tổn thương trước thiên tai. Hàng năm thiên tai đều gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên thiệt hại đó cũng một phần đến từ việc lập kế hoạch chưa tốt, chưa có phương án phòng chống, thích ứng với thiên tai.
Thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh Minh Họa
Cũng theo báo cáo của các địa phương, thiên tai năm 2021 đã làm 108 người chết, mất tích, trên 306 nhà bị sập đổ; gần 9.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 5.200 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bị thiệt hại nặng nề.
Cụ thể, diện tích sản xuất lúa bị ảnh hưởng là trên 94.000 ha, trong đó khoảng 2.648 ha bị thiệt hại trên 70%. Diện tích cây rau màu khác bị ảnh hưởng khoảng là 40.000 ha, trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% khoảng 7.800 ha. Diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng khoảng là 12.500 ha, trong đó có khoảng 200 ha bị thiệt hại trên 70%.
Thiên tai đã làm thiệt hại trên 1.280 ha rừng. Hơn 94.000 tàu thuyền đánh bắt cá trên biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi gió bão, gió mạnh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại là 3.670ha, trong đó trên 1.300 ha bị thiệt hại hoàn toàn; 130 tàu thuyền bị hư hại.
Cũng do ảnh hưởng của thiên tai làm hơn 6.962 con gia súc và 368.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Khoảng 10,4 km đê cấp IV trở xuống bị sự cố; 11,4km kè bị hư hỏng; 67 km bờ sông, bờ biển bị thiệt hại; 271 km kênh mương bị sạt, trôi, bồi lấp; 12 trạm bơm, 101 cống và 75 công trình thủy lợi khác bị hư hỏng; 174 hồ chứa nhỏ bị thiệt hại; 6 công trình cấp nước bị hư hại.
Trước tình hình nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, trong năm 2021, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã phối hợp cùng các đơn vị và các địa phương rà soát, thống kê đầy đủ thiệt hại, hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02 của Chính phủ.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đã hỗ trợ 97.000 liều vacxin phòng Covid-19, 87.000 lít và 113 tấn hóa chất phòng, chống dịch với tổng giá trị 23,387 tỷ đồng cho 8 tỉnh (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TT.Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai).
Đồng thời hỗ trợ 110 tấn giống lúa cho tỉnh Phú Yên và đang lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư về hỗ trợ 100 tấn giống lúa, 30 tấn giống Ngô cho Quảng Trị trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất, vệ sinh môi trường, chuẩn bị ao đầm, chuồng trại, khôi phục sản xuất. Khắc phục khẩn cấp các công trình đê điều, chống sạt lở bị thiệt hại do bão, mưa lũ. Khôi phục công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, bảo đảm việc phân phối, tưới nước mặt ruộng. Tổ chức nạo vét khẩn cấp các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương bị bồi lấp.
Về lâu dài, để có thể sản xuất nông nghiệp thích ứng với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại hàng năm do thiên tai gây ra, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng như các Bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm thiên tai từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, đầu tư củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, hồ đập bảo đảm chủ động phòng, chống lũ, bão theo mức thiết kế. Bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng; công trình kiểm soát nguồn nước phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Xây dựng, củng cố công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tiếp tục xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão theo quy hoạch được phê duyệt, gắn kết với dịch vụ hậu cần, thông tin nghề cá, bao gồm cả các khu vực hải đảo. Xây dựng quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi gắn với quy hoạch sử dụng đất và phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội, diễn biến thiên tai, sử dụng nước thượng nguồn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nguồn: Xuân Hiền (T/h) – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ