VITAD-AGRI

Viện ứng dụng công nghệ & phát triển nông nghiệp Việt Nam

18 Tháng Tư, 2022
271715722-3268530683434262-3385238005785005955-n3

Quy định mới EU 2018/848 có làm khó nông sản hữu cơ Việt Nam?

Quy định mới EU 2018/848 có làm khó nông sản hữu cơ Việt Nam?

 

Các sản phẩm hữu cơ muốn xuất khẩu sang EU phải tuân thủ các quy tắc về sản xuất hữu cơ theo Quy định EU 848/2018 và phải được cấp chứng nhận xuất khẩu hữu cơ.

Thách thức lớn đối với các nhà xuất khẩu

Để tăng cường phát triển diện tích sản xuất hữu cơ cũng như thị trường nông sản hữu cơ, vào tháng 5/2020, Nghị viện Châu Âu đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động để phát triển sản xuất hữu cơ tại EU từ năm 2021 – 2027, nhằm hướng tới mục tiêu 25% diện tích đất nông nghiệp được áp dụng sản xuất hữu cơ vào năm 2030.

Trước đây, sản phẩm nông hữu cơ tại thị trường EU đang áp dụng theo các quy định (EC) số 834/2007. Với quy định này, EU cho phép các nước xuất khẩu áp dụng các tiêu chuẩn khác đã được đối chuẩn (benchmark) với yêu cầu của EU.

Điều này tạo nên sự không đồng nhất về mức chất lượng của các sản phẩm hữu cơ khi áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau. Ngoài ra, yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ của EU thường cao hơn so với yêu cầu của các tiêu chuẩn khác, do vậy tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các nhà sản xuất hữu cơ ở EU với các nhà sản xuất hữu cơ khác trên thế giới.

Trong thời gian vừa qua, EU cũng phát hiện một số trường hợp các nhà sản xuất có sự không minh bạch trong việc triển khai, áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ khác.

Bởi thế, Liên minh châu Âu đã đưa ra một bộ quy tắc mới theo Quy định (EU) số 2018/848 nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, đồng thời ngăn chặn gian lận và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng tại EU về các sản phẩm hữu cơ.

Quy định mới không chỉ kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm, mà còn liên quan đến quản lý đất và sản xuất thực phẩm. Bộ quy tắc đơn nhất này cũng sẽ áp dụng cho các nông dân ngoài EU xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của họ sang thị trường EU.

Với các quy định mới như vậy sẽ công bằng cho các nhà sản xuất nông nghiệp EU. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất hữu cơ ở các nước đang phát triển để có thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của quy định mới.

Sản xuất quế hữu cơ của Công ty Quế Việt Nam

Quy định mới của EU 2018/848

Hiện tại, Việt Nam đang xuất khẩu nông sản sang thị trường EU khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị nông sản xuất khẩu. EU đang là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông sản Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ).

Vậy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản hữu cơ sẽ thay đổi như thế nào khi áp dụng quy định hữu cơ mới EU 2018/848?

Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện tại, Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trên các thị trường khó tính thuộc EU, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam.

Với 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được cắt giảm trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.

0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp) được EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan, sẽ giúp cho hàng nông sản Việt Nam tăng cường lợi thế cạnh tranh về giá so với nông sản xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh không phải là thành viên hiệp định.

Một sản phẩm có thể xuất khẩu đến EU hoặc các quốc gia ngoài EU dưới dạng sản phẩm hữu cơ và có thể mang biểu tượng logo sản xuất hữu cơ của châu Âu với điều kiện sản phẩm đó phải tuân thủ các quy tắc về sản xuất hữu cơ theo Quy định EU 848/2018.

Sản phẩm hữu cơ xuất khẩu phải được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu hữu cơ để đảm bảo rằng sản phẩm hữu cơ xuất khẩu được thực hiện theo Quy định hữu cơ EU 2018/848.

Các Nguyên tắc chung của Quy định hữu cơ EU 2018/848

– Tôn trọng các chu trình và hệ thống tự nhiên cũng như là duy trì, nâng cao hiện trạng của đất, nước, không khí, sức khỏe của động vật, thực vật và cân bằng giữa chúng.

– Bảo tồn các yếu tổ cảnh quan tự nhiên như các khu di sản thiên nhiên; Sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng có trách nhiệm như đất, nước, các vật chất hữu cơ và không khí.

– Sản xuất nhiều loại thực phẩm chất lượng cao cùng như các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm hữu cơ này được sản xuất bằng cách sử dụng các quy trình không gây hại cho môi trường, sức khỏe con người và phúc lợi động vật.

– Đảm bảo tính toàn vẹn của sản xuất hữu cơ ở tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, phân phối thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

– Quản lý và thiết kế thích hợp quá trình sinh học, dựa trên các hệ thống sinh thái và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong hệ thống quản lý; Hạn chế sử dụng các yếu tố đầu vào từ bên ngoài.

Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/quy-dinh-moi-eu-2018-848-co-lam-kho-nong-san-huu-co-viet-nam-2


Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X