Ngành nông nghiệp Việt Nam đạt kết quả xuất khẩu ngoạn mục trong năm 2020 đầy biến động
Ngày 24/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020 và triển khai kế hoạch 2021. Bộ NN&PTNT vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự hội nghị và đồng chủ trì cùng với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với những thách thức chưa từng có, điển hình là đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu có nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp mà đáng kể nhất là dịch tả lợn châu Phi. Bộ trưởng cho rằng năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng cao độ để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra cho ngành NN&PTNT.
Được sự chỉ đạo kịp thời của TW Đảng, Quốc hội và Chính phủ, toàn ngành đã nỗ lực vượt bậc, sáng tạo, giám sát chặt chẽ thực tiễn, sâu sát và quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Nhờ đó, năm 2020 ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, hoàn thành và vượt kế hoạch 4/5 chỉ tiêu, đặc biệt xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả ngoạn mục trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Kết quả đạt được các chỉ tiêu tổng hợp năm 2020 cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,65%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hướng tới năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu năm 2021 với những chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành nông nghiệp và PTNT là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,7 – 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS trên 2,8 – 3,1%; Kim ngạch xuất khẩu NLTS trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 91%; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 19.500 HTX NN trong đó trên 16.500 HTX NN hoạt động hiệu quả.
Dành sự quan tâm lớn cho ngành nông nghiệp và PTNT trong một năm đầy khó khăn và thử thách, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự chia sẻ với toàn ngành nông nghiệp. Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp đã đi qua một năm đầy bản lĩnh và thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành tốt 4 chỉ tiêu đặt ra, đặc biệt nêu cao kết quả xuất khẩu tăng mạnh với xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nổi bật, kim ngạch xuất khẩu gạo lần đầu tiên đạt trên 3 tỷ USD (vượt cả Thái Lan, gạo ST25 tiếp tục giữ vị trí cao trên thế giới). Thủ tướng đánh giá: Công tác chỉ đạo và điều hành Bộ rất sát sao, đúng và trúng, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sâu sát, kịp thời tham mưu, xử lý vấn đề thiên tai lũ lụt, hặn mặn tại ĐBSCL,… Nhân cơ hội này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng biểu dương, đánh giá cao BCS Đảng, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương đã vượt khó, đổi mới sáng tạo, đặc biệt bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp tục khắc phục những tồn tại như tăng trưởng của ngành chưa thực sự bền vững, nhất là cú sốc thiên tai, dịch bệnh; một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra như mục tiêu 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản còn bất cập; chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vùng miền vẫn còn; thu nhập người nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; công tác dự báo cung cầu cần được cải thiện,..
Do đó, năm 2021, Thủ tướng yêu cầu Bộ biến nguy cơ thành thời cơ để tăng trưởng nông nghiệp, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA,… “Hãy gỡ bỏ các thể chế để vươn lên, tiếp tục tìm kiếm thị trường để ổn định đầu ra, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tiếp tục tận dụng cơ hội để nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, cố gắng đạt mục tiêu GDP nông nghiệp 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS trên 3%, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 44 tỷ USD”, Thủ tướng giao phó.
Phát biểu khép lại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, triệt để ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những góp ý quý báu của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW, địa phương để tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động với các nhóm giải pháp đồng bộ, sáng tạo, quyết tâm cao nhất để góp phần thúc đẩy sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta phát triển xứng đáng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và toàn thể hệ thống chính trị và toàn xã hội.