Thiếu quỹ đất, HTX nông nghiệp Thái Nguyên khó phát triển bền vững
Thiếu quỹ đất khiến nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Nguyên khó triển khai sản xuất tập trung quy mô lớn hoặc ứng dụng khoa học công nghệ, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững kinh tế hợp tác.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 541 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với 32.000 thành viên, người lao động. Các HTX đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động với thu nhập bình quân đạt từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng,
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế hợp tác xã tại Thái Nguyên gặp phải một số vấn đề mang tính cố hữu, một trong số đó là quỹ đất để các HTX hoạt động sản xuất ổn định, lâu dài. Thiếu quỹ đất đã và đang ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh, sự phát triển bền vững của HTX.
HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú tại Phú Bình thành lập năm 2017, với 7 thành viên. Hiện nay, HTX có khoảng hơn 3ha đất chủ yếu là trồng dưa chuột. Tuy vậy số đất này lại phân tán theo sở hữu của từng thành viên, việc không tập trung trên một diện tích lớn đã khiến những định hướng về sản xuất của hợp tác xã này gặp khó.
Bà Âu Thị Phương Hà – Phó Giám đốc HTX Phú Lương – cho biết, “Dù định hướng của HTX là tạo ra những sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhưng đến nay chưa thực hiện được. Việc sản xuất trên đất riêng lẻ, không liên tục trong năm, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chặt chẽ về điều kiện canh tác, nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật” – bà Hà chia sẻ.
Không chỉ gặp khó trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc thiếu quỹ đất sản xuất tập trung còn khiến HTX khó trong triển khai các phương án cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, dù đã có nhiều năm hoạt động hiệu quả trong việc liên kết trong trồng một số loại rau ăn lá và ăn quả, nhưng HTX vẫn gặp khó khăn khi muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bởi đất đai phân tán nhỏ lẻ.
“Ai cũng hiểu được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ nâng cao chất lượng, năng suất và cả giá thành sản phẩm nhưng làm được với chúng tôi cũng không dễ. Đơn cử như chúng tôi có ý định đầu tư nhà kính, nhà màng để trồng rau theo tiêu chuẩn mới nhưng 5 năm nay chưa làm được vì đất canh tác nằm rải rác”, ông Miêu Văn Long – Giám đốc HTX Nam Hòa – cho hay.
Theo Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, hơn 4 năm qua (từ năm 2020 đến 2024) toàn tỉnh đã tăng thêm được 175 HTX, tuy vậy số hợp tác xã thực sự hoạt động hiệu quả chỉ chiếm trên 55%. Một trong những nguyên nhân là do nhiều HTX chưa có hoặc chưa thể tiếp cận được với nguồn lực đất đai.
Bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên – cho biết, việc hỗ trợ để các HTX được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó các HTX có điều kiện để thuê lại đất sản xuất lâu dài của người dân để phục vụ sản xuất sẽ giúp các hợp tác xã phát triển ổn định, có tính lâu dài.
“Sớm tháo gỡ những khó khăn về đất đai sẽ giúp các hợp tác xã nông nghiệp nâng tầm hoạt động, đưa sản phẩm nông nghiệp địa phương vào chuỗi giá trị cao hơn, góp phần nâng cao đời sống người dân” – bà Hương nhận định.
Việt Bắc
Theo laodong.vn
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ
Chủ động các giải pháp tiêu thụ nông sản
Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu đi các nước, thời gian qua.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng, đó là chú trọng thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản, đẩy mạnh liên kết chuỗi để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm, mở rộng thị trường…
Tại Sơn La, trong năm 2021 đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm xoài, nhãn và mở rộng thị trường tới 21 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Ba Lan, Hà Lan, Anh… với giá trị xuất khẩu hơn 161 triệu USD, tổng sản lượng nông sản xuất khẩu đạt 144.759 tấn.
Từ đầu năm đến nay, Sơn La tập trung hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ nông sản, kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị, gia tăng sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, bảo đảm lợi ích của các đối tượng tham gia hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản
Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương kết nối đưa hàng trăm tấn nông sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm giới thiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thiết yếu qua các kênh thương mại điện tử…
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ, kết nối đưa một lượng lớn nông sản vào vụ thu hoạch hoặc xuất khẩu gặp khó khăn vào các hệ thống siêu thị như: Big C, AEON, Hapro, Vinmart; đồng thời thúc đẩy việc tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…
Mặt khác, các cơ quan chức năng đã phối hợp với đại sứ quán, thương vụ Việt Nam xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc… để đánh giá, dự báo thị trường và đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt…
Thực tế cho thấy, việc xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản còn không ít khó khăn, chủ yếu từ các vấn đề nội tại, như một số địa phương chưa chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nên sản phẩm phần nhiều còn dưới dạng tươi sống và chưa tạo được nhiều mặt hàng mang tính đặc trưng.
Huyện Lâm Thao, Phú Thọ chủ động trong chỉ đạo các vùng trồng rau, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu của thị trường
Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, thiếu cả vốn và nguồn nhân lực cho hoạt động xúc tiến thương mại…
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện việc cấp tem truy xuất nguồn gốc nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm; đồng thời cho biết, công ty sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao theo hướng an toàn; đầu tư chế biến sâu các sản phẩm và xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; gắn việc quảng bá du lịch với các chương trình công bố giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ những mặt hàng có lợi thế như: Gạo chất lượng cao, nhãn chín muộn, chuối…
Các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến…, qua đó vừa tiết kiệm được chi phí vừa có thể quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi.
Bên cạnh việc đề nghị các địa phương chú trọng phát triển công nghiệp chế biến; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung trong nước và phục vụ xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa.
Mặc dù gặp không ít khó khăn do diễn biến của dịch bệnh nhưng các hộ chăn nuôi luôn chủ động để đảm bảo cung ứng cho thị trường
Cùng với đó là triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa; kích cầu tiêu dùng trong nước để chuẩn bị cho các vụ thu hoạch nông sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương có vùng nguyên liệu lớn cần chủ động phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa; đồng thời thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nội địa và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất nhằm ổn định giá nông sản trong mọi tình huống.
Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/chu-dong-cac-giai-phap-tieu-thu-nong-san