Tag Archives: tiết kiệm chi phí

Nông nghiệp hữu cơ: Xu hướng mới gia tăng giá trị nông sản

Việc nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ không những nâng cao sản lượng, giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường.

Nâng cao năng suất và thu nhập, tiết kiệm chi phí đồng thời giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường là hiệu quả mang lại từ những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ đã và đang được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Những ngày này, cánh đồng su su ngay dưới chân núi Tam Đảo ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc luôn tấp nập người dân thu hái, vận chuyển su su. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá su su luôn ở mức cao nên bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi.

Bà Lê Thị Chín, thôn Làng Hạ, xã Hồ Sơn chia sẻ, với 2 sào su su sau hơn 1 năm tham gia mô hình theo hướng hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm với tiêu chuẩn “5 không”: Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích sinh trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại.  Khi vào vụ, bình quân 2 ngày/lần gia đình sẽ thu hoạch ngọn su su.

Mô hình trồng su su hữu cơ ở Vĩnh Phúc.

Nếu những ruộng su su canh tác theo phương pháp thông thường chỉ thu được 35 – 40kg/sào/lần hái thì ruộng nhà bà Chín cho sản lượng từ 45 – 50kg. Với giá bán bình quân 14.000 đồng/kg, mỗi tháng bà Chín có thể thu cả chục triệu đồng, trong khi mỗi vụ su su có thể thu hoạch kéo dài từ 7 – 8 tháng.

“Trước đây bón phân vô cơ và những loại phân thông thường chi phí từ 2 – 3 triệu/sào, còn bón phân bón hữu cơ chỉ hơn 1 triệu/sào nhưng giá su su bán ra lúc nào cũng cao hơn. Su su bán chợ có nhiều giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg nhưng su su trồng theo hướng hữu cơ lúc nào giá cũng cao nhất. Về chăm bón, phân hữu cơ không gây hại như bón phân vô cơ mà cây lại sinh trưởng tốt, chất lượng rau ngon”, bà Chín cho biết.

Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ của người dân trên địa bàn ngày càng tăng, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân sản xuất an toàn. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Vĩnh Phúc đã cấp kinh phí 45 tỷ đồng hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trồng trọt an toàn, theo hướng hữu cơ, xử lý rơm rạ, môi trường.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, để sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ ngày càng phát triển, có chỗ đứng trên thị trường, Bộ NN&PTNT cần ủy quyền cho Sở NN&PTNT các địa phương đứng ra cấp mã số vùng trồng cho các vùng sản xuất trên cơ sở thống nhất theo chỉ đạo của Bộ.

“Ngay cả sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng cần có mã số vùng trồng, do vậy, nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền cho các Sở thực hiện thì tiến độ sẽ nhanh hơn rất nhiều lần”, ông Dũng đề xuất.

Từ cách làm của doanh nghiệp trong gần 20 năm qua, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, phát triển canh tác theo hướng hữu cơ là đòi hỏi tất yếu để cung cấp những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng; định hướng sản xuất hữu cơ tạo ra giá trị nhân văn, là xu thế của tương lai cũng là mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp đang phối hợp với nhiều địa phương chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, từ đó có thể sản xuất phân hữu cơ từ chính những phụ phẩm nông nghiệp xung quanh vốn đang bị vứt bỏ một cách lãng phí. Nếu địa phương nào có lãnh đạo và ngành chuyên môn quan tâm, các mô hình sản xuất hữu cơ sẽ phát triển nhanh và có sự lan tỏa mạnh mẽ”, ông Bá cho biết.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá phân bón tăng tới 200% thì giá phân bón hữu cơ chỉ tăng 20% – 30%, bởi vậy việc nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường.

Giám sát sinh trưởng su su theo hướng hữu cơ ở Tam Đảo.

Bà Phạm Thị Vượng, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, thực tế sản xuất những mô hình sử dụng phân bón hữu cơ ở nhiều địa phương đã giúp tăng đáng kể hiệu quả sử dụng đất, mật độ số giun trong đất tăng cao, các chủng vi sinh vật có ích cũng tăng, hàm lượng kim loại nặng giảm, sản phẩm không còn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

“Từ thực tế hiệu quả mô hình trồng su su theo hướng hữu cơ ở Hồ Sơn, ban đầu chỉ có 1 hộ tham gia nhưng chỉ sau 1 năm diện tích đã tăng lên 20 ha. Canh tác theo hướng hữu cơ bà con nông dân sẽ được 1 chữ “L” là lãi, và 2 chữ “H” đó là hạnh phúc và hồi sinh vì không lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, người tiêu dùng được ăn sản phẩm sạch, an toàn”, bà Vượng chia sẻ.

Trong Chỉ thị về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN&PTNT tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp.

Đối với các doanh nghiệp thực hiện cam kết về sản xuất, sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; chủ động tham gia liên kết sản xuất để hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ./.

Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X