Nông nghiệp Thủ đô tạo bước chuyển mới
(HNM) – 6 tháng đầu năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh quý I-2020 tăng trưởng âm và dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, có thể xem đây là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,12% trong năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần quyết liệt tạo bước chuyển mới trên cơ sở bám sát diễn biến thời tiết, kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư…
Lấy lại đà tăng trưởng
Đến thời điểm này, có thể khẳng định nông nghiệp Hà Nội đã có những chuyển động mới rất đáng ghi nhận. “Nếu như quý I-2020, Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng âm 1,17% thì bước sang quý II-2020 đã có bước đột phá, đưa tăng trưởng ngành trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 1,61%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nông nghiệp cả nước chỉ tăng 1,18% trong nửa đầu năm 2020…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết.
Kết quả này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực. Trước hết, diện tích lúa xuân không tăng nhưng năng suất tăng đáng kể, đạt khoảng 60-61 tạ/ha. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, trước kia lúa xuân tại địa phương cho năng suất 58-60 tạ/ha thì vụ này đạt 63 tạ/ha. Tương tự, diện tích rau vẫn duy trì hơn 23.020ha, nhưng tăng diện tích rau an toàn, rau VietGAP, hữu cơ… nên năng suất rau các loại đạt 230,23 tạ/ha (bằng 102,37% so với năm trước).
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, huyện đã tập trung phát triển cây lúa với 70% diện tích là giống chất lượng cao. Năng suất lúa xuân năm nay của Thanh Oai cao nhất thành phố, đạt 63tạ/ha.
Trong khi đó, sản lượng thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt 52,52 nghìn tấn, bằng 106,02% so với cùng kỳ năm 2019… Ông Lê Văn Tín, xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Gia đình tôi nuôi trồng theo phương thức thâm canh với các giống cá giá trị cao nên chỉ với hơn 1ha đã có thể nuôi 3 lứa cá, tăng 1 lứa so với trước, doanh thu đạt 500 triệu đồng”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn thông tin thêm: “Trong 6 tháng qua, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 3.820ha và sản lượng đạt 9.167 tấn, tăng lần lượt 10,5% và 6,05% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố tăng 700ha thì riêng huyện Ứng Hòa đóng góp 420ha”.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đàn lợn của thành phố được khôi phục mạnh mẽ, hiện là 1,3 triệu con (bằng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh chăn nuôi lợn nói riêng, gia súc nói chung, nhiều địa phương cũng chú trọng phát triển chăn nuôi gia cầm. Đơn cử, trong 6 tháng qua, giá trị các sản phẩm gia cầm công nghệ cao của huyện Thanh Oai đạt gần 700 tỷ đồng.
Tạo đột phá mới
Giải thích về sự phục hồi tăng trưởng của ngành Nông nghiệp thời gian qua, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: “Trước hết là nhờ những định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương. Tiếp đến là sự chủ động nắm bắt thị trường, diễn biến thời tiết để có những điều chỉnh cụ thể của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân. Bên cạnh đó, sự phát triển của các chuỗi, mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã tạo đột phá mới, bởi các mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với sản xuất bình thường. 141 chuỗi liên kết, 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ tiếp tục được nhân rộng, là điểm tựa để Nông nghiệp Thủ đô bứt phá trong 6 tháng cuối năm”.
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 4,12% trở lên trong năm 2020, góp phần vào tăng trưởng chung của thành phố đồng thời cung cấp ổn định lương thực, thực phẩm cho người dân, Sở NN&PTNT đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng. Trong đó, trồng trọt tăng 0,28%; chăn nuôi tăng 7,47%, thủy sản tăng 6,52%… Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản tương đối khả quan, còn trong lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào các giống rau, hoa, cây quả chất lượng cao, giống ngắn ngày với diện tích tăng thêm khoảng 600ha; đồng thời tăng cường chăm sóc mở rộng diện tích cho thu hoạch đối với cây ăn quả.
Về chăn nuôi, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, bên cạnh nỗ lực khôi phục đàn lợn lên 1,8 triệu con như trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi, sẽ tập trung tăng đàn bò, đàn gia cầm… Với nuôi trồng thủy sản duy trì diện tích khoảng 24.000ha, nhưng mở rộng các mô hình nuôi trồng theo phương thức thâm canh để đạt hiệu quả lớn hơn.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư; tận dụng tối đa nguồn lực từ các sản phẩm của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để kết nối và mở rộng thị trường.
Trong 282 dự án Hà Nội mời gọi đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 27-6 vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp có 15 dự án. Đây sẽ là những dự án tiềm năng, góp phần giúp ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng tốc trong thời gian tới
(Nguồn: Hà Nội Mới)