“Đường cao tốc” đưa nông sản Việt Nam vào châu Âu
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, EVFTA là “đường cao tốc” để nông sản Việt đi vào thị trường rộng lớn của 27 quốc gia châu Âu.
Phát biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản – Hành động tiếp cận EVFTA” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 30/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, là văn bản điều chỉnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đề cập đến các văn đề về trao đổi hàng hóa, xuất xứ, quy cách phẩm chất, biểu thuế đối với từng mặt hàng….
“Trong đó với lĩnh vực nông nghiệp ngoài các nội dung lồng ghép về các quy định chung còn được dành riêng chương 6 cho nội dung về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật chắc chắn cần có sự nghiên cứu trao đổi, đánh giá và tìm ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp”, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Hoàng Quang Phòng đánh giá cao ý tưởng tổ chức hội thảo dành riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và trao đổi sâu hơn về các khía cạnh mang tính kỹ thuật tác động đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Chủ tịch VCCI kỳ vọng những thông tin mang lại sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động và tận dụng được các mặt tích cực và Hiệp định mang lại, tránh được các rủi ro có thể có trong quá trình hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế quan trọng này.
Trên thực tế, EVFTA đi vào thực thi, các rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ dần được xóa bỏ giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế, các rào cản phi thuế quan lại không bị chối bỏ hoàn toàn, ngược lại, có xu hướng được sử dụng ở nhiều hình thức tinh vi hơn khi mức thuế quan tiến về 0% theo cam kết của EVFTA, trong đó gồm các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng rau quả xuất khẩu (XK) sang 27 nước thuộc EU.
Trao đổi với các doanh nghiệp, TS Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, SPS là những nội dung liên quan an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, rào cản sẽ ngày càng phức tạp với các FTA mới được ký kết, đặc biệt là với EVFTA.
Theo đó, các mặt hàng rau quả phải đáp ứng tất cả quy định chung về thực phẩm theo Luật Thực phẩm tổng hợp của EU (EU General Food Law), luật này cũng có các yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc. Các loại thực vật và các sản phẩm thực vật, kể cả rau quả có xuất xứ từ những khu vực không xác định được, bị nhiễm sinh vật gây hại sẽ không được phép nhập khẩu vào EU.
Cùng với đó, quy định về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của EU còn đưa ra 7 nguyên tắc cần phải thực hiện nhằm ngăn chặn các mối nguy hại trong quá trình sản xuất ra thành phẩm.
Đối với rau quả tươi, EU thường yêu cầu người XK phải có giấy chứng nhận về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) hay các chứng nhận an toàn thực phẩm khác. Ngoài đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, GlobalGAP còn liên quan tới đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường và xã hội thông qua giảm lượng hóa chất sử dụng, có trách nhiệm về sức khỏe và an toàn lao động. GlobalGAP được phát triển từ EurepGAP. Phạm vi EurepGAP gồm: sản xuất quả, rau, khoai tây, salad, hoa cắt cành và gia súc chăn nuôi.
Quy định chung về kiểm soát, kiểm tra sản phẩm: Tất cả sản phẩm nhập khẩu vào EU đều bị kiểm tra xem sản phẩm có phù hợp theo các quy định trong luật về thực phẩm có liên quan của EU.
Trong chính sách an toàn thực phẩm, EU cũng đưa ra tiêu chí về nhiễm vi khuẩn trong thực phẩm (thực phẩm có mang vi sinh vật, độc tố, chất chuyển hóa của nó), quy định về dư lượng tối đa chất gây ô nhiễm trong sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể.
Các lô hàng nhập khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận vệ sinh và an toàn thực vật để thể hiện tình trạng sản phẩm, biện pháp kiểm tra và chữ ký xác nhận của cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia trước khi gửi hàng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đồng Quảng, Nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ khoa học Bộ Nông nghiệp cũng đã chỉ ra 5 thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Cụ thể, thứ nhất, là các quy đinh về xuất xứ hàng hóa. Nếu không bảo đảm các quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan tối huệ quốc (MFN) hoặc ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), chứ không được áp thuế xuất 0% trong EVFTA.
Thứ hai, quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch động thực vật. EU yêu cầu rất khắt khe về ATTP, kiểm dịch động thực vật trong khi sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, ý thức tuân thủ của nông dân chưa cao…
Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thứ tứ, thương mại công bằng phát triển bền vững. Thứ năm, các thủ tục điều kiện xuất khẩu vào EU. Việt Nam và EU cam kết áp dụng chung một hệ thống các thủ tục, điều kiện nhập khẩu đối với sản phẩm đến từ bất kỳ khu vực nào của bên kia.
Do đó, chuyên gia nhấn mạnh cần nghiên cứu nắm vững các quy định của EU về an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng như tổ chức sản xuất theo công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tốt khâu bảo quản, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, HACCP…
Tại Hội thảo, các chuyên gia thống nhất cho rằng, bên cạnh nắm bắt các quy định, doanh nghiệp cần chủ động gắn kết các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, XK với vùng nguyên liệu.
Chú trọng xây dựng và bảo vệ hình ảnh, uy tín thương hiệu mặt hàng rau quả cũng như lập ra kế hoạch phổ biến, rộng rãi thương hiệu rau quả Việt Nam đến thị trường EU-27 bằng nhiều hình thức.
Tăng cường xây dựng mối quan hệ tốt, bền vững với các nhà nhập khẩu EU-27 nhằm giúp cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó tốt với các rào cản rau quả của thị trường này.
Nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng cao, đội ngũ cán bộ cần nắm vững tiêu chuẩn chất lượng rau quả, có khả năng kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, quy trình kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của EU…
“Sản xuất hữu cơ vẫn phải là hướng đi trong thời gian tới, đặc biệt để vào thị trường EU. Chúng ta thực tế đã chậm hơn một bước, Chương trình organic Thái Lan đã ban hành cách đây hơn 10 năm, chúng ta gần đây mới ban hành được một nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Chúng ta cần thúc đẩy nhanh hơn hướng đi này”, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS đánh giá.
(Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)