Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nội: Xác định rõ chiến lược, tạo hướng đi đúng
Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, bên cạnh những cơ chế chính sách thu hút người sản xuất, doanh nghiệp, cần có một chiến lược thị trường để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chỗ đứng vững chắc.
Sản xuất, tiêu thụ đều… vướng
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đang phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, với tổng diện tích khoảng 80-100ha tập trung chủ yếu ở các huyện: Sóc Sơn, Long Biên, Thạch Thất. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh hiện tại, Hà Nội phải giải quyết sớm một số vấn đề, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết, sản phẩm rau hữu cơ của xã Thanh Xuân được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, hiện việc mở rộng diện tích canh tác rất khó khăn vì quy trình sản xuất khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Chưa kể đầu tư cho sản xuất tương đối lớn (hệ thống giếng, đường ống dẫn nước, đường điện, nhà sơ chế, nhà ủ phân…), trong khi Nhà nước chưa có chính sách đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Sản xuất là vậy, tiêu thụ cũng gian nan không kém. Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) thông tin, hiện nay trung bình mỗi vụ, nông dân xã Đồng Phú trồng 25ha lúa hữu cơ, nhưng canh tác vất vả, lấy công làm lãi vì đầu ra không ổn định. Mới chỉ có 60% sản phẩm của hợp tác xã bán cho doanh nghiệp còn lại nông dân vẫn bán qua thương lái nên giá thấp, thậm chí bị ép giá.
Việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Đỗ Thị Thu Hà, ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “So với sản phẩm thông thường, giá các loại nông sản hữu cơ đắt hơn. Gia đình tôi có con nhỏ nên rất muốn sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, không biết có đúng là chất lượng và an toàn thực sự hay không? Vì vậy, tôi cũng không khỏi quan ngại, đắn đo khi lựa chọn nông sản hữu cơ”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước nhiều khó khăn vì quỹ đất dành cho nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội không nhiều và cần phải có thời gian để cải tạo. Quy mô nhỏ, chi phí đầu tư lớn nên giá thành sản phẩm hữu cơ thường cao gấp 5-6 lần so với sản xuất thông thường. Mặt khác, vì thiếu chứng nhận cũng như bộ tiêu chí cụ thể cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên người tiêu dùng khó phân biệt được với các sản phẩm khác, có tâm lý e ngại khi phải chi tiêu với số tiền lớn cho loại thực phẩm mà không chắc chắn về chất lượng.
Cần một chiến lược thị trường
Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ và đưa sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường, bà Nguyễn Thị Cuối – hộ trồng rau hữu cơ ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đề xuất, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình thuê đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí cho các đơn vị trong quá trình sản xuất. Cùng với đó là có thể hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ (cấp lần đầu hoặc cấp lại). Còn theo bà Dương Thị Lành, ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), các ngành chức năng cần hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, ban hành quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoàn chỉnh để người dân áp dụng vào thực tiễn.
Ở góc nhìn khác, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho rằng, Hà Nội cần xác định được chiến lược thị trường, tạo hướng đi đúng, phát triển theo quy hoạch, dựa vào vị trí địa lý thuận lợi của mỗi địa phương để tạo ra một sản phẩm mang tính đặc trưng. Thành phố nên quy hoạch quỹ đất đủ lớn ở những nơi đủ điều kiện để sản xuất nông nghiệp hữu cơ và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Cùng với đó là chính sách giảm thuế, miễn thuế có thời hạn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nội cần nhiều thời gian, kinh phí. Bên cạnh những cơ chế hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hà Nội sẽ xây dựng 5-10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn theo quy định, sản phẩm sản xuất ra được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ… Để hỗ trợ phát triển thị trường, thành phố sẽ tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Cùng với đó là việc xây dựng các cơ chế khuyến khích cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm bảo đảm đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định…