

Thiếu quỹ đất, HTX nông nghiệp Thái Nguyên khó phát triển bền vững
Thiếu quỹ đất khiến nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Nguyên khó triển khai sản xuất tập trung quy mô lớn hoặc ứng dụng khoa học công nghệ, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững kinh tế hợp tác.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 541 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với 32.000 thành viên, người lao động. Các HTX đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động với thu nhập bình quân đạt từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng,
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế hợp tác xã tại Thái Nguyên gặp phải một số vấn đề mang tính cố hữu, một trong số đó là quỹ đất để các HTX hoạt động sản xuất ổn định, lâu dài. Thiếu quỹ đất đã và đang ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh, sự phát triển bền vững của HTX.
HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú tại Phú Bình thành lập năm 2017, với 7 thành viên. Hiện nay, HTX có khoảng hơn 3ha đất chủ yếu là trồng dưa chuột. Tuy vậy số đất này lại phân tán theo sở hữu của từng thành viên, việc không tập trung trên một diện tích lớn đã khiến những định hướng về sản xuất của hợp tác xã này gặp khó.
Bà Âu Thị Phương Hà – Phó Giám đốc HTX Phú Lương – cho biết, “Dù định hướng của HTX là tạo ra những sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhưng đến nay chưa thực hiện được. Việc sản xuất trên đất riêng lẻ, không liên tục trong năm, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chặt chẽ về điều kiện canh tác, nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật” – bà Hà chia sẻ.
Không chỉ gặp khó trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc thiếu quỹ đất sản xuất tập trung còn khiến HTX khó trong triển khai các phương án cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, dù đã có nhiều năm hoạt động hiệu quả trong việc liên kết trong trồng một số loại rau ăn lá và ăn quả, nhưng HTX vẫn gặp khó khăn khi muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bởi đất đai phân tán nhỏ lẻ.
“Ai cũng hiểu được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ nâng cao chất lượng, năng suất và cả giá thành sản phẩm nhưng làm được với chúng tôi cũng không dễ. Đơn cử như chúng tôi có ý định đầu tư nhà kính, nhà màng để trồng rau theo tiêu chuẩn mới nhưng 5 năm nay chưa làm được vì đất canh tác nằm rải rác”, ông Miêu Văn Long – Giám đốc HTX Nam Hòa – cho hay.
Theo Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, hơn 4 năm qua (từ năm 2020 đến 2024) toàn tỉnh đã tăng thêm được 175 HTX, tuy vậy số hợp tác xã thực sự hoạt động hiệu quả chỉ chiếm trên 55%. Một trong những nguyên nhân là do nhiều HTX chưa có hoặc chưa thể tiếp cận được với nguồn lực đất đai.
Bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên – cho biết, việc hỗ trợ để các HTX được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó các HTX có điều kiện để thuê lại đất sản xuất lâu dài của người dân để phục vụ sản xuất sẽ giúp các hợp tác xã phát triển ổn định, có tính lâu dài.
“Sớm tháo gỡ những khó khăn về đất đai sẽ giúp các hợp tác xã nông nghiệp nâng tầm hoạt động, đưa sản phẩm nông nghiệp địa phương vào chuỗi giá trị cao hơn, góp phần nâng cao đời sống người dân” – bà Hương nhận định.
Việt Bắc
Theo laodong.vn