Tag Archives: sản xuất nông nghiệp

Canh tác lúa giảm phát thải lợi nhuận tăng cao hơn 55 triệu đồng/ha

 

Mô hình canh tác lúa giảm phát thải tại Kiên Giang gắn với tăng trưởng xanh, mỗi ha giảm trên 13 tấn CO2, năng suất lúa hơn 10 tấn và cho lợi nhuận cao trên 55 triệu đồng.

Phát thải giảm sâu – lợi nhuận tăng vọt

Đó là những con số ấn tượng được báo cáo tại Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp thúc đầy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL”. Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang tổ chức sáng 28/3, tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh (thứ 2 từ trái qua) cùng các đại biểu tham quan, đánh giá ruộng canh tác lúa giảm phát thải thuộc dự án Khuyến nông Trung ương triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất. Ảnh: Trung Chánh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh (thứ 2 từ trái qua) cùng các đại biểu tham quan, đánh giá ruộng canh tác lúa giảm phát thải thuộc dự án Khuyến nông Trung ương triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất. Ảnh: Trung Chánh.

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh thành vùng ĐBSCL và 120 đại biểu là nông dân, thành viên Hợp tác xã tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ngoài ra, còn có các đơn vị đối tác cung cấp vật tư, thiết bị cơ giới và giải pháp canh tác lúa giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh.

Diễn đàn nhằm sơ kết dự án Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu vùng ĐBSCL” trên diện tích 50ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (xã Nam Thái Sơn, Hòn Đất).

Qua quá trình triển khai, mô hình thí điểm đã mang lại những chuyển biến tích cực, nhiều hộ nông dân đã chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ (AWD), sử dụng phân bón cân đối, cơ giới hóa sản xuất và quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn. Những thay đổi này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, mà còn góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững.

Các đại biểu xem trình diễn máy gặt tuốt có chức năng băm rơm hoặc rải rơm theo luống, giúp xử lý rơm rạ hiệu quả theo hướng tuần hoàn. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu xem trình diễn máy gặt tuốt có chức năng băm rơm hoặc rải rơm theo luống, giúp xử lý rơm rạ hiệu quả theo hướng tuần hoàn. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Văn Bắc – Phó Trưởng Văn phòng thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, thực tế mô hình thí điểm trong vụ đông xuân 2024-2025 tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Với giống lúa ĐS1 năng suất trung bình đạt 10,3 tấn/ha (lúa tươi), tổng thu nhập đạt 82,2 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận cho nhà nông lên đến 55,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 6,7 triệu đồng/ha. Khí phát thải nhà kính giảm trung bình 13.05 tấn CO2 tương đương/ha so với mô hình canh tác truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết, tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt diện tích 100.000ha và năm 2030 đạt 200.000ha. Để thực hiện, Kiên Giang đã tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã, nông dân tham gia đề án. Cùng với đó là phối hợp với các đơn vị khởi động các mô hình điểm ở các huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, trong đó có mô hình trình diễn thuộc dự án Khuyến nông Trung ương tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất.

Thu gom, di chuyển rơm khỏi ruộng sau khi thu hoạch để sử dụng theo hướng tuần hoàn, vừa giúp tăng thu nhập, vừa giảm phát thải do đốt rơm gây ra. Ảnh: Trung Chánh.

Thu gom, di chuyển rơm khỏi ruộng sau khi thu hoạch để sử dụng theo hướng tuần hoàn, vừa giúp tăng thu nhập, vừa giảm phát thải do đốt rơm gây ra. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Nghĩa, mô hình triển khai thức tế đã mang lại hiệu quả rất thiết thực cho người dân, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, gia tăng hiệu quả kinh tế, giảm phát thải giúp ngành lúa gạo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nêu thực tế nông dân còn gặp khó khăn trong việc thu gom, đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng để xử lý theo hướng nông nghiệp tuần hoàn đối với diện tích lớn. Vì vậy, có thể thay thế bằng giải pháp băm rơm rạ, cày vùi kết hợp với sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy nhanh thành phân bón hữu cơ tại ruộng.

Huy động tốt nguồn lực tham gia

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nhằm giải quyết đồng thời bài toán phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Đề án được triển khai nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người dân trồng lúa, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Các đại biểu tham quan, đánh giá giải pháp băm rơm kết hợp với xử lý vi sinh để phân hủy nhanh thành phân hữu cơ tại ruộng, giúp giảm phát thải trong canh tác lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu tham quan, đánh giá giải pháp băm rơm kết hợp với xử lý vi sinh để phân hủy nhanh thành phân hữu cơ tại ruộng, giúp giảm phát thải trong canh tác lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Lê Quốc Thanh, để đạt được mục tiêu của Đề án, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm thúc đẩy sản xuất lúa theo hướng phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Và thực tế cho thấy, khi xây dựng các mô hình thí điểm tại các địa phương, đã huy động tốt các nguồn lực tham gia, với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo và tổ chức nông dân.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các địa phương duy trì, nhân rộng diện tích tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, tránh trường hợp khi mô hình, dự án kết thúc, khuyến nông rút đi thì dự án cũng chết theo. Cần xây dựng Tổ Khuyến nông cộng đồng, cùng với khuyến nông doanh nghiệp để hỗ trợ hợp tác xã tham gia Đề án, mở rộng diện tích ở các địa phương.

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã dành thời gian tham quan đánh giá ruộng mô hình và xem các doanh nghiệp đối tác trình diễn thiết bị cơ giới và giải pháp canh tác lúa giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, gồm máy gặt tuốt có chức năng băm rơm hoặc rải rơm theo luống, máy cuộn rơm đưa khỏi đồng ruộng, máy xới vùi rơm rạ kết hợp phun chế phẩm vi sinh phân hủy nhanh rơm rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng.

Cánh đồng canh tác lúa giảm phát thải với giống lúa ĐS1 tại Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất cho năng suất hơn 10 tấn/ha, nông dân đạt lợi nhuận cao trên 55 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Cánh đồng canh tác lúa giảm phát thải với giống lúa ĐS1 tại Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất cho năng suất hơn 10 tấn/ha, nông dân đạt lợi nhuận cao trên 55 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Trong đó, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng trình diễn máy gặt tuốt có chức năng băm rơm hoặc rải rơm theo luống. Công ty TNHH MTV Cơ khí Nông nhiệp Phan Tấn trình diễn máy cuộn rơm đưa khỏi đồng ruộng, máy xới vùi rơm rạ kết hợp phun chế phẩm vi sinh xử lý thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng. Công ty CP Phân bón Bình Điền trình diễn sản phẩm Đầu trâu Bio-Canxi thúc đầy phân hủy nhanh rơm rạ và giả ngộ độc hữu cơ.

Ngoài ra, ruộng mô hình còn có sự tham gia của các doanh nghiệp đối tác, gồm Công ty TNHH Lúa gạo Việt nam (Vinarice) cung cấp và hỗ trợ lúa giống chất lượng cao phục vụ mô hình trình diễn. Công ty Bayer Việt Nam hướng dẫn quy trình quản lý dịch hại IPM, IPHM. Công ty CP Tập đoàn Tân Long thực hiện liên kết tiêu thu lúa có kiểm soát dư lượng.

Theo nongnghiep.vn

 

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

 

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Khoa học khởi nguồn cho chính sách đúng đắn

Tại chuyến thăm Liên minh Bioversity và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) vừa qua, bà Camila Maria Polo Florez, Đại sứ Colombia tại Việt Nam cho biết, tương tự Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nông nghiệp là một ngành quan trọng đối với Colombia.

Ngành không chỉ là xương sống của sản xuất lương thực, thực phẩm (LTTP) mà còn là nguồn sinh kế chính của vô số nông dân quy mô nhỏ và nhà sản xuất nông thôn. “Tăng trưởng kinh tế hiện tại và khả năng phục hồi xuất khẩu của Colombia, ngoài nhiên liệu hóa thạch truyền thống, phần lớn trông chờ vào nông nghiệp”, bà nói.

Bà Camila Maria Polo Florez (thứ 2 từ phải), Đại sứ Colombia tại Việt Nam thăm trụ sở CIAT. Ảnh: Linh Linh.

Bà Camila Maria Polo Florez (thứ 2 từ phải), Đại sứ Colombia tại Việt Nam thăm trụ sở CIAT. Ảnh: Linh Linh.

Theo đại sứ, sản xuất LTTP giờ không còn bó hẹp trong phạm vi sản xuất đơn thuần, mà tồn tại trong một hệ thống LTTP rộng hơn, liên kết chặt chẽ hơn, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. Trong đó, môi trường LTTP – bối cảnh nơi người tiêu dùng thu nhận, mua sắm LTTP – là một yếu tố quan trọng, gắn kết khăng khít giữa lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Colombia đã cam kết trở thành quốc gia tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong phương hướng hành động, quốc gia hơn 50 triệu dân coi trọng tri thức bản địa, xem vốn kiến thức này là tư liệu quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Nhắc lại chủ đề của hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học năm ngoái, Đại sứ Camila nhấn mạnh “con người phải chung sống hòa bình với thiên nhiên”. Theo bà, Colombia là quốc gia có tính đa dạng sinh học rất cao nên phải có trách nhiệm với việc gìn giữ, duy trì sức khỏe môi trường.

Chuyến thăm CIAT của đại sứ nhằm khẳng định niềm tin vào sức mạnh của khoa học và nghiên cứu trong việc cung cấp thông tin, tư vấn và đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp. Bà cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của chính phủ trong việc hỗ trợ các nghiên cứu như vậy. “Chính sách tốt phải bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc”, bà nói.

Đại sứ Camila đánh giá cao nhiệt huyết và tinh thần nghiên cứu khoa học của cán bộ CIAT. Ảnh: Linh Linh.

Đại sứ Camila đánh giá cao nhiệt huyết và tinh thần nghiên cứu khoa học của cán bộ CIAT. Ảnh: Linh Linh.

Báo cáo đại sứ, TS Ricardo Hernandez, Trưởng đại diện CIAT tại Việt Nam thông tin, thời gian qua liên minh đã phối hợp với hàng trăm đối tác, nhằm giúp các quốc gia đang phát triển canh tác nông nghiệp một cách cạnh tranh, có lợi nhuận và tăng khả năng phục hồi thông qua quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách thông minh, bền vững.

Từ khi chuyển văn phòng khu vực châu Á từ Lào sang Việt Nam vào năm 2010, CIAT đã cung cấp nhiều giải pháp chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và LTTP, cũng như giải quyết các vấn đề ở vùng giao thoa giữa nông nghiệp, môi trường và dinh dưỡng.

Để hưởng ứng Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững của Việt Nam tại Quyết định số 300/2023/QĐ-TTg (NAP-FST), các sáng kiến của CIAT, thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc gia, tập trung vào nghiên cứu liên quan đến môi trường LTTP toàn diện, chế độ ăn uống lành mạnh bền vững và chính sách và quản trị hệ thống LTTP.

Các sáng kiến này giúp hỗ trợ kỹ thuật về chính sách hệ thống LTTP, cải thiện thể chế và phát triển năng lực, thúc đẩy sự hợp tác và tăng cường nỗ lực ở cả cấp quốc gia và địa phương để thực hiện hiệu quả NAP-FST. CIAT được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận vì những đóng góp của mình vào quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP tại Việt Nam.

TS Ricardo Hernandez trình bày những nội dung nghiên cứu chính của CIAT. Ảnh: Bảo Thắng.

TS Ricardo Hernandez trình bày những nội dung nghiên cứu chính của CIAT. Ảnh: Bảo Thắng.

CIAT đề cao khả năng tiếp cận LTTP an toàn và bổ dưỡng cho người tiêu dùng bằng cách phân tích các yếu tố tác động an ninh LTTP và dinh dưỡng theo chiều ngang từ nông thôn đến thành thị. Liên minh cũng liên tục nghiên cứu, cung cấp nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao thông qua giám sát dịch hại, nghiên cứu các thức ăn chăn nuôi cải tiến, vật liệu trồng trọt sạch. Bên cạnh đó, nhấn mạnh vào công cuộc tái tạo đất thông qua tìm hiểu hệ vi sinh vật và theo dõi tình trạng phá rừng do các hoạt động nông nghiệp gây ra.

“Chúng tôi hỗ trợ nông dân và địa phương tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu và đảm bảo chuỗi cung ứng nông lâm kết hợp không phá rừng ở các đồn điền sắn và cà phê, cùng nhiều loại hình khác”, TS Ricardo chia sẻ.

Năm 2024, CIAT nhận bằng khen của Chính phủ sau khi các khuyến cáo về khí hậu được đưa trong Bản tin Thời tiết nông vụ đã hỗ trợ hơn 277.000 nông dân, giúp các bên liên quan thực hiện nhiều biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro ở ĐBSCL.

Tầm nhìn trong 10 năm tới, CIAT sẽ mở rộng quy mô và thực hiện những đổi mới giúp hệ thống nông nghiệp, thực phẩm của khu vực Đông Nam Á có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại sinh kế cho những người sản xuất LTTP và các bên liên quan trong chuỗi giá trị.

Liên minh cũng dành sự quan tâm cho việc nghiên cứu những giải pháp cung cấp thực phẩm giá cả phải chăng, bổ dưỡng và lành mạnh hơn cho người tiêu dùng, góp phần gìn giữ môi trường tự nhiên.

Đại sứ Camila mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Đại sứ Camila mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lúa gạo và hạt điều

Sau khi nghe các nhóm nghiên cứu về chuyển đổi hệ thống LTTP, ứng phó với biến đổi khí hậu… trình bày, Đại sứ Camila cho rằng, những nội dung này rất hữu ích với Colombia, nhất là trong bối cảnh quốc gia có diện tích hơn 1,1 triệu km2 đang đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng các công cụ số, trí tuệ nhân tạo để phát triển nông nghiệp bền vững.

Colombia là một trong những nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới, nổi tiếng với chất lượng cao, hương vị đặc trưng. Ngoài ra, nước này còn thuộc nhóm dẫn đầu trong xuất khẩu chuối, dầu cọ và một số nông sản khác như mía đường, ca cao.

Tương tự một số quốc gia đang phát triển, nền nông nghiệp Colombia đang gặp nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và đầu tư vào cơ giới hóa, công nghệ chế biến của quốc gia Nam Mỹ chưa phát triển tương xứng, đáp ứng đủ nhu01 cầu sản xuất của người dân. Chi phí vận chuyển, logistics tại Colombia còn tương đối cao, hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thời gian tới, Colombia định hướng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, nhất là việc xây dựng nhiều mô hình trồng cà phê hữu cơ. Nước này cũng đặc biệt quan tâm đến công cuộc chống nạn phá rừng, tăng cường an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Từ thời điểm nhậm chức vào đầu năm 2025, Đại sứ Camila ấn tượng với nông nghiệp Việt Nam và coi đây là nguồn cảm hứng quý giá, nhất là trong công cuộc phát triển sản xuất lúa gạo. “Ngành lúa gạo Colombia từng là một phần quan trọng của nền kinh tế, nhưng đang phải vật lộn do sự cạnh tranh bên ngoài và tình trạng kém hiệu quả bên trong”, bà bày tỏ.

Bản tin Thời tiết nông vụ, một sản phẩm do CIAT phối hợp thực hiện, đã lan tỏa mạnh mẽ tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: Linh Linh.

Bản tin Thời tiết nông vụ, một sản phẩm do CIAT phối hợp thực hiện, đã lan tỏa mạnh mẽ tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: Linh Linh.

Chính phủ Colombia kỳ vọng hồi sinh ngành hàng này và Đại sứ quán tại Việt Nam mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến của Việt Nam để đưa ra phương pháp tiếp cận phù hợp với bối cảnh thực tế của quốc gia có rừng Amazon.

Một lĩnh vực khác cũng được quan tâm là phát triển nghề trồng điều. Colombia có khí hậu tương đối phù hợp với nông sản được xem là thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua sự giúp đỡ, trao đổi giữa hai bên, đại sứ hy vọng Colombia có thể tìm ra những khu vực phù hợp để thử nghiệm mặt hàng có giá trị toàn cầu được dự báo 8 tỷ USD trong năm 2025.

Qua các buổi làm việc, Đại sứ Camila nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa Colombia và Việt Nam, cả về thách thức, cơ hội và tiềm năng cho các quan hệ đối tác mới, đặc biệt là giữa các viện nghiên cứu, chính phủ, các trường đại học và khu vực tư nhân. Bà lưu ý, rằng sự phát triển của ngành nông nghiệp, thực phẩm phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của khu vực tư nhân.

Với riêng CIAT, bà tái khẳng định sự ủng hộ với các sáng kiến ​​đổi mới giúp chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững, xem đây là một trụ cột quan trọng trong việc tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp của quốc gia.

Theo nongnghiep.vn

“Có cơ chế chấp nhận rủi ro, nhà khoa học sẵn sàng dấn thân”

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng nhà khoa học sẽ vượt qua các e ngại, sẵn sàng thực hiện những nghiên cứu chưa từng có khi có cơ chế chấp nhận rủi ro.

Một ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, các nhà khoa học bày tỏ sự tin tưởng, tiếp thêm niềm tin, theo đuổi đam mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

GS Lan chia sẻ, các nhà khoa học từng e ngại khi dấn thân vào những nghiên cứu mới tạo nền tảng cho sự sáng tạo và phát triển bởi vấn đề rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Bà cho biết, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, do đây là bệnh chưa từng có. Trong quá trình nghiên cứu bệnh này, có khi thu được kết quả, nhưng cũng có lúc không đạt được kỳ vọng ban đầu. Nếu thất bại, họ không được thanh toán các chi phí đã sử dụng cho hóa chất, vật nghiên cứu và đối mặt với áp lực hoàn trả chi phí.

“Điều này không chỉ gây bất lợi mà còn khiến nhà khoa học e ngại khi theo đuổi các vấn đề mới và khó, ảnh hưởng đến động lực nghiên cứu của họ”, GS Lan nói với VnExpress.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ hai từ trái qua) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: HVNNVNGS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ hai từ trái qua) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: HVNNVN

Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học Việt Nam còn mắc kẹt trong các thủ tục hành chính khi triển khai nghiên cứu, làm giảm động lực sáng tạo. Việc mua hóa chất, vật liệu phục vụ thí nghiệm vẫn bị ràng buộc bởi quy trình đấu thầu, ngay cả khi các sản phẩm này không thể mua theo quy trình thông thường. Có thể kể đến việc thuê động vật, đất trồng, ao nuôi hay mua phụ phẩm nông nghiệp để triển khai các hoạt động thí nghiệm, thử nghiệm. Những dịch vụ này không thể đăng ký đấu thầu trên hệ thống quốc gia.

Ngoài ra việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khó thực hiện nhưng hồ sơ triển khai nhiệm vụ vẫn phải đấu thầu, thanh toán như khoán từng phần. Điều này cũng làm cho các nhà khoa học có tâm lý ngại nghiên cứu.

Theo bà Lan để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những nghiên cứu mang tính tiên phong, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp. Các nhà khoa học cần được tạo điều kiện để chấp nhận rủi ro mà không phải lo lắng về hậu quả tài chính. Điều này không chỉ giúp họ tự tin hơn trong việc theo đuổi các ý tưởng mới mà còn góp phần tạo nên những đột phá khoa học, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ giúp tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước nếu đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định. Đồng thời, nếu nghiên cứu không đạt được kết quả như dự kiến nhưng đã thực hiện đúng quy trình, tổ chức chủ trì không phải hoàn trả kinh phí.

Nghị quyết cũng xác định ngân sách nhà nước khoán chi cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trừ các khoản mua sắm tài sản, thuê dịch vụ bên ngoài và công tác nước ngoài. Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được áp dụng khi tổ chức chủ trì cam kết chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được.

Bên cạnh đó Nghị quyết cũng trao quyền tự chủ cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; được quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm đảm bảo việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chịu trách nhiệm giải trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.

GS Lan cho biết, khi Nghị quyết được triển khai, các nhà nghiên cứu sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu miễn là vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng. Đây là bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn và có nhiều nghiên cứu tiên phong.

Cơ hội phát triển công nghệ nguồn

Theo GS.TS Nguyễn Cửu Khoa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), có cơ chế chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu sẽ giúp thúc đẩy nhà khoa học phát triển các công nghệ nguồn. Đây chính là việc tạo ra các công nghệ lõi, công nghệ mới, do người Việt Nam làm chủ hoàn toàn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước.

GS Khoa cho rằng, các công nghệ nguồn thường các nước phát triển giữ bí mật, rất ít khi chuyển giao hoặc bán ra bên ngoài để đảm bảo phát triển khoa học công nghệ của họ. Do đó, Việt Nam cần phát triển nội lực khoa học công nghệ quốc gia.

Ông cho biết, trước đây với một đề tài nghiên cứu phải có khả năng thành công cao hơn 80% mới có thể được triển khai do thường là các công nghệ đã có sẵn hoặc có tính đột biến không cao. Còn các định hướng phát triển công nghệ nguồn, Hội đồng khoa học sẽ rất khó khăn trong đánh giá thực hiện hay không thực hiện do tính rủi ro cao. Tuy nhiên với, “Nghị quyết 57 và Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, hội đồng khoa học sẽ có cơ sở để quyết đoán hơn trong việc đánh giá các đề tài nghiên cứu công nghệ nguồn”, ông Khoa nói.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm, Hội Tự động hóa TP HCM đề xuất những công nghệ nguồn liên quan đến đường sắt tốc độ cao, mạng viễn thông nội địa bảo mật cao, chip bán dẫn, tạo giống cây trồng mới… Việt Nam cần làm chủ.

Theo ông Lâm, những nghiên cứu này có thể không đạt được kết quả cuối cùng nhưng có thể tạo ra một số nền tảng cơ sở để phát triển, có sản phẩm cục bộ, có các công trình công bố, xây dựng được phòng thí nghiệm và đội ngũ chuyên gia giỏi. Các nghiên cứu này có các ứng dụng nhánh và kể cả có kết quả âm vẫn có thể xem xét thuộc yếu tố rủi ro và được miễn trừ trách nhiệm.

Nghiên cứu lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM năm 2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Nghiên cứu lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu côngnghệ cao TP HCM năm 2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông cho rằng, việc đánh giá một dự án có dự báo rủi ro và các phương án giải quyết cần có một hội đồng đủ tầm nhìn, kinh nghiệm tham gia thẩm định cũng như giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Theo PGS Lâm, hội đồng cần có ít nhất ba chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành của nhiệm vụ. Việc chọn chuyên gia cần dựa trên lý lịch khoa học theo tiêu chí người có tầm nhìn, kinh nghiệm và đang thực hiện các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này trong năm năm gần đây. Ngoài ra, các thành viên khác của hội đồng là đại diện của những lĩnh vực liên quan. Đối với những dự án lớn (từ 15-20 tỷ đồng trở lên), số chuyên gia chuyên ngành nên được tăng cường tới năm người. Cơ quan thành lập hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về tính phù hợp của hội đồng. Khi làm được những việc này, PGS Lâm tin tưởng nhà khoa học sẽ tự tin và tập trung nghiên cứu hiệu quả mà không quan tâm nhiều các vấn đề khác.

Nhật Minh – Hà An

Theo vnexpress.net

Đông trùng hạ thảo, món quà quý của người lữ hành

Dân gian có câu: “quý như đông trùng hạ thảo, hiếm như nhân sâm Cao Ly”, ý nói đây là hai loại dược liệu quý hiếm và đắt đỏ hàng đầu. Tuy thế Công ty CP Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam muốn biến điều “xa tận chân trời” thành “gần ngay trước mắt” với dự án “Nghiên cứu, ứng dụng và hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm đông trùng hạ thảo”.

Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá dự án “Nghiên cứu, ứng dụng và hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm đông trùng hạ thảo”

     Dự án này được Hội đồng khoa học thẩm định, đánh giá, tư vấn và đề ra phương hướng thực hiện trong thời gian tới cho Công ty CP Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam, đầu năm 2025 tại Phòng họp 102, số 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hội đồng gồm các chuyên gia khoa học công nghệ: PGS.TS Trần Mạnh Trí – Chủ tịch Hội đồng, TS Hồ Trường Giang – Phó chủ tịch Hội đồng, TS Phạm Đình Nam, TS Nguyễn Đức Thọ; các chuyên gia nông nghiệp: TS Vũ Văn Sang, TS Nguyễn Hồng Hạnh, TS Nguyễn Ngọc Dinh đều là các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam hiện nay trên lĩnh vực khoa học công nghệ và nông nghiệp.

     Tại đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam đã nêu mục đích và ý nghĩa của Dự án. Theo đó giới thiệu Tập đoàn là tổ chức lữ hành và chăm sóc sức khỏe hàng đầu Việt Nam, kinh doanh du lịch và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng, thương mại hóa, tìm kiếm hợp tác sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo, phát triển sản phẩm thông qua dịch vụ du lịch lữ hành (bán hoặc khuyến mãi tặng kèm cho khách du lịch của tập đoàn). Việc phát triển các sản phẩm Đông trùng hạ thảo giúp xây dựng hệ sinh thái dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và giữ gìn di sản văn hóa đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho Tập đoàn, tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất (nuôi trồng) đến chế biến, quản lý chất lượng và thương mại hóa các sản phẩm từ nấm Đông trùng Hạ thảo thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiếp cận người dùng từ dịch vụ lữ hành.

     Phần trình bày của Tập đoàn cũng giới thiệu hiện có 2 chủng đông trùng hạ thảo chính. Một là Cordyceps sinensis – có giá thành rất cao, phân bố rất hạn chế trong tự nhiên (chủ yếu ở khu vực Tây Tạng) và hiện chưa được nuôi thành công trong môi trường nhân tạo. Đây chính là loại Đông trùng hạ thảo được đề cập trong các thành ngữ, tục ngữ trong dân gian. Và hai là Cordyceps militaris – tương tự một loại nấm dược liệu có thể nuôi trồng nhân tạo và chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau. Đa số các sản phẩm được bán ngoài thị trường hiện nay chính là Cordyceps militaris – loại Đông trùng hạ thảo có thể nuôi trồng nhân tạo, có cả 65 hoạt chất với tỷ lệ tương tự như Cordyceps sinensis tự nhiên, bao gồm các hoạt chất hỗ trợ điều trị ung thư như polysaccharide, sterol, adenosine và đặc biệt cordycepin.

     Ngoài ra, Đông trùng hạ thảo còn có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng dương, tăng cường miễn dịch… hữu ích cho điều trị mỡ máu, tiểu đường, suy nhược, suy dinh dưỡng và còn có thể dùng làm nước giải khát chất lượng cao.

     Như vậy chúng ta hoàn toàn có thể nuôi trồng Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris thay thế Cordyceps sinensis tự nhiên với chất lượng tương đương mà giá thành thấp hơn rất nhiều và có thể đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu sử dụng.

     Tại Việt Nam, hiểu biết về đông trùng hạ thảo còn hạn chế. Theo TS Vũ Văn Sang, chuyên gia nông nghiệp của Viện ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam (VITAD-AGRI), ủy viên Hội đồng khoa học, phần ngọn Đông trùng hạ thảo đẹp mắt như san hô dưới đáy biển lại không có nhiều chất dinh dưỡng như phần đế, nơi chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chữa bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư… nên người mua thường lựa chọn những cụm Đông trùng hạ thảo đẹp mắt thay vì chọn những khóm có phần đế chất lượng hơn. Ngoài ra hiện nay giá thành các sản phẩm Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam cũng có hiện tượng loạn giá, độ chênh giữa hàng hóa các công ty khá lớn khiến khách hàng lưỡng lự, dè dặt khi quyết định chọn mua hay không.

Chất lượng của Đông trùng hạ thảo được quyết định bởi phần đế

     Phát biểu tại cuộc họp, TS Phạm Đình Nam, Viện trưởng VITAD-AGRI đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam làm rõ nét quy trình công nghệ, xác định đăng ký sản phẩm ở mức độ nào: dùng cho người, làm dược liệu, thực phẩm chức năng hay là thuốc. Phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Xây dựng logo, nhãn hàng phụ. Đăng ký bản quyền logo; tiến tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; kiểu dáng công nghệ, chứng chỉ Oganic, Cácbon… Lưu ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ, được ghi tại điều 17, nghị định 109/2018.

TS Phạm Đình Nam, Viện trưởng VITAD-AGRI (giữa) phát biểu tại cuộc họp

     Các chuyên gia nông nghiệp TS Nguyễn Hồng Hạnh, TS Nguyễn Ngọc Dinh đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam sớm nghiên cứu, công bố tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước về sản phẩm an toàn cho người như Nghị định 15/2018, 19/2019…

     Các chuyên gia khoa học công nghệ TS Hồ Trường Giang, TS Nguyễn Đức Thọ cũng tư vấn Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam xây dựng chi tiết quy trình thực hiện dự án: thời gian, địa điểm, sớm xây dựng thương hiệu, đối tác sản xuất, công nghệ áp dụng và công tác marketing cho sản phẩm.

     TS Vũ Văn Sang, Chuyên gia Nông nghiệp đánh giá, tư vấn dự án cần làm đề cương chi tiết về 4 điểm chính: kế hoạch sản xuất, hợp tác (theo tiêu chuẩn nào), bổ sung chi tiết công nghệ sản xuất, quy trình chế biến, xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở phải đề cập rõ Công ty tự xây dựng hay đề nghị đối tác xây dựng. Lưu ý cần dựa vào các tiêu chuẩn, nghị định, thông tư của Nhà nước như NĐ 15/2018 hay QĐ 885/TTg năm 2020.

TS Vũ Văn Sang, Chuyên gia Nông nghiệp đánh giá, tư vấn dự án

     PGS.TS Trần Mạnh Trí, Chủ tịch hội đồng đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam hoàn thiện bổ sung hồ sơ dự án; xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở rõ ràng, thông số cụ thể; làm rõ hơn điểm mới và ưu việt của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường. Bổ sung quy trình công nghệ nuôi trồng, chế xuất sản phẩm. Xây dựng thương hiệu, kế hoạch thương mại hóa và phát triển sản phẩm. Ông ủng hộ ý tưởng sản xuất sản phẩm tốt cho sức khỏe và cam kết đồng hành cùng Công ty trong quá trình thực hiện dự án. Theo ông, dự án này hoàn toàn khả thi và trong tương lai gần, Đông trùng hạ thảo sẽ là món quà quý giá và quen thuộc của người lữ hành, dễ mang theo sử dụng khi du lịch cũng như làm quà cho gia đình, người thân.

PGS.TS Trần Mạnh Trí, Chủ tịch hội đồng (thứ 2 từ phải sang) tổng hợp ý kiến của các chuyên gia

     Hội đồng khoa học cam kết đồng hành cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, Viện ứng dụng công nghệ và phát triển Nông nghiệp Việt Nam VITAD-AGRI cũng đề ra chiến lược hợp tác lâu dài với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam trong các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp như các khóa đào tạo ứng dụng nông nghiệp hữu cơ Organic, đưa người ra nước ngoài học tập kỹ thuật nông nghiệp…

Hội đồng khoa học cam kết đồng hành cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam thực hiện dự án

Nội dung: Thành Vinh 

Hình ảnh: Bích Hồng    

Sản xuất lúa gạo gặp nhiều thách thức từ biến động thị trường quốc tế

 

[Cần Thơ] Sản xuất lúa gạo đang gặp nhiều thách thức từ các biến động thị trường quốc tế, điều kiện khí hậu ảnh hưởng nông dân, theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Thông tin được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra trong cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành miền Tây về việc điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo diễn ra ngày 7/3, tại TP Cần Thơ.

“Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ ba thế giới về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, nhưng đang gặp nhiều thách thức từ các biến động thị trường quốc tế, điều kiện khí hậu”, ông Hà nói và cho biết người nông dân đang gặp nhiều khó khăn do giá lúa gạo giảm mạnh, trong khi vẫn phải chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu và thời tiết. Theo ông, việc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đối với người nông dân, đặc biệt là người trồng lúa đã trở thành câu chuyện quen thuộc.

Phó thủ tướng nhìn nhận đây là vấn đề kéo dài nhiều năm qua. Nếu không có giải pháp hiệu quả, nguy cơ nông dân rời bỏ mảnh ruộng của mình. Vì vậy nhà nước cần có các giải pháp như các công cụ, chính sách, như điều chỉnh giá, cung cấp tín dụng… hỗ trợ kịp thời để bảo vệ quyền lợi của người nông dân. Các bộ, ngành liên quan đánh giá rõ ràng, cụ thể các thị trường nhập khẩu chính của gạo Việt Nam cũng như các đối thủ cạnh tranh, phối hợp chặt chẽ để triển khai giải pháp.

Về lâu dài, Phó thủ tướng chỉ đạo cần phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành toàn diện về lĩnh vực lúa gạo. Hệ thống này sẽ tích hợp thông tin từ nhiều khâu: sản xuất, khoa học công nghệ, chế biến, bảo quản, thị trường và dự báo… với mục tiêu cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho các bên liên quan, từ nông dân đến doanh nghiệp và cơ quan quản lý…

Đối với việc quản lý xuất khẩu lúa gạo, Phó thủ tướng đề nghị sửa đổi Nghị định 107/2018 của Chính phủ với những điều chỉnh quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp muốn được cấp phép xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt, bao gồm năng lực liên kết sản xuất, hệ thống kho bãi và năng lực tài chính…

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, Phó thủ tướng đề nghị Ngân hàng nhà nước cần xem xét áp dụng chính sách cho vay ưu đãi tương tự vay mua nhà xã hội. Đồng thời, ông kiến nghị miễn thuế thu nhập cho lĩnh vực nông nghiệp trong hai năm, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ cần xây dựng chiến lược ngăn chặn việc các nước khác sử dụng trái phép nhãn hiệu gạo Việt Nam.

Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh: An Bình

 

Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh: An Bình

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong hai tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch chỉ đạt 613 triệu USD, giảm 13,6%. Giá gạo xuất khẩu trung bình giảm sâu, xuống còn 553,6 USD một tấn, thấp hơn 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đầu tháng 3, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn: 310-367 USD mỗi tấn. Các thị trường lớn như Philippines, Bờ Biển Ngà và Ghana vẫn là những khách hàng chính của gạo Việt Nam, nhưng sức mua không còn sôi động như trước.

Giá gạo sụt giảm do nguồn cung thế giới tăng cao, nhu cầu nhập khẩu suy giảm và đặc biệt là việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, đẩy một lượng lớn gạo ra thị trường quốc tế…

 

Nhằm đảm bảo ổn định sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong bối cảnh thời tiết và thị trường diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương cần bám sát lịch thời vụ, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ Đông Xuân, đặc biệt ở các vùng ven biển có nguy cơ ảnh hưởng mặn cao. Bộ sẽ phối hợp các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ biến động thị trường gạo thế giới, kịp thời thông tin cho doanh nghiệp và nông dân để điều chỉnh sản xuất và tiêu thụ phù hợp.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2025 sẽ gặp khó khăn, có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024.

An Bình

Theo vnexpress.net

Thư tri ân ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương của Phó Chủ tịch Quốc hội LÊ MINH HOAN 

 
 
 

 

Đất nước ta – dải đất hình chữ S tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” – nơi đâu cũng in dấu chân của những người làm nông nghiệp. Tôi đã đi qua những cánh đồng lúa mênh mông miền Tây, những vườn cây trái trĩu quả Đông Nam bộ, những rẫy cà phê bạt ngàn trên cao nguyên đất đỏ bazan, những đồi chè xanh ngút ngàn Tây Bắc, những rừng quế, rừng hồi thơm nồng Trung du, đến những làng chài bấp bênh giữa biển khơi, những ruộng bậc thang uốn lượn trên triền núi cao. Mỗi nơi tôi đến, tôi đều thấy một Việt Nam nông nghiệp đầy khát vọng – nơi mà mồ hôi của bà con nhỏ xuống đất, để rồi nảy mầm thành mùa màng bội thu.

Tôi vẫn nhớ những ngày cùng bà con và cán bộ địa phương cười tươi khi nông sản được giá, khi những chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên vươn ra thế giới.

Tôi vẫn nhớ những ánh mắt trăn trở của cán bộ trồng trọt, chăn nuôi khi hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa đồng ruộng, khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi bùng phát, khi chứng kiến bà con phải đổ đi những mẻ cá, khi những ao tôm bạc trắng vì dịch bệnh.

Tôi vẫn nhớ những đêm dài không ngủ giữa đại dịch COVID-19, khi những container nông sản ùn ứ ở cửa khẩu, khi thị trường xuất khẩu đột ngột đóng băng, khi người nông dân đứng trước nguy cơ mất trắng mùa vụ.

Tôi vẫn nhớ những ngày cùng anh em chống chọi với cơn bão Yagi, khi những vườn cây bị quật ngã, khi những con tàu trở về tay trắng, khi từng dòng tin báo về mất mát từ khắp nơi khiến chúng tôi không thể chợp mắt.

Tôi vẫn nhớ những chiến sĩ kiểm lâm quên ăn quên ngủ, lao vào ngọn lửa dữ để bảo vệ màu xanh của đất nước. Và đã có những người ngã xuống, để những cánh rừng mãi mãi được xanh tươi.

Nhưng tôi cũng nhớ thật nhiều những ngày vui – khi bà con vượt qua hạn mặn, khi mô hình trồng trọt, chăn nuôi sinh thái nở rộ, khi lần đầu tiên người nông dân hiểu rằng làm nông nghiệp không chỉ để làm ra sản phẩm”, mà là để làm ra giá trị”.

Chúng ta đã cùng nhau chuyển mình từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị. Những mô hình tưởng chừng xa lạ, nay đã trở thành hình mẫu phát triển bền vững. Lúa – rươi, lúa – tôm, lúa – cá, lúa – vịt, những mô hình vừa thân thiện với môi trường, vừa nâng cao thu nhập. Nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp thông minh – những thuật ngữ mà trước đây còn xa lạ – nay đã ăn sâu vào tư duy của người nông dân Việt Nam.

Và hơn hết, chúng ta đã cùng nhau đặt nền móng cho một nền nông nghiệp nhân văn, nơi mà người nông dân không chỉ làm chủ mảnh đất, mà còn làm chủ cuộc đời mình.

Bốn năm qua, chúng ta cùng nhau gieo từng hạt giống. Có những hạt giống đã nảy mầm xanh tốt, có những chồi non vươn lên mạnh mẽ, nhưng cũng không ít hạt mầm vẫn còn nằm im dưới lớp đất, chờ ngày trổ nhánh, ra hoa. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta tiếp tục kiên trì chăm sóc, thì rồi cây sẽ lớn, hoa sẽ nở, trái sẽ ngọt. Bởi vì, như ông cha ta từng nói: Chỉ có người phụ đất, chứ đất không bao giờ phụ người”. Và hơn hết, tất cả chúng ta đều đã sống trọn vẹn mỗi ngày, với những gì tốt nhất có thể, với tất cả tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu dành cho nền nông nghiệp nước nhà.

Hôm nay, khi rời cương vị Bộ trưởng, tôi không xem đây là một lời chia tay, mà là một lời hẹn gặp lại – trên những cánh đồng, bên những khu vườn, nơi những con tàu đánh cá vẫn ngày đêm vươn khơi.

Cảm ơn những người nông dân bền bỉ bên tôi. Cảm ơn những đồng nghiệp, những người bạn đồng hành không quản ngại gian khó.

Có người từng nói: Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Và tôi tin, chúng ta đã cùng nhau đi một chặng đường rất xa. Nhưng con đường phía trước vẫn còn dài, và tôi sẽ luôn đồng hành, dõi theo từng bước đi của nền nông nghiệp và môi trường Việt Nam.

Cam “ăn” đậu xanh, ngô nghiền, tưởng dở ai ngờ chở cam sang Nhật bán đắt hàng

Vài năm trở lại đây, cụm từ “nông nghiệp hữu cơ” là từ khóa mới trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La, nhằm tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế.

 

“Sản xuất xanh”

Tháng 1/2018, HTX Nông trại hữu cơ bản Pa Cốp, xã Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) được thành lập với 7 thành viên, là một trong những HTX tiên phong của tỉnh áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đến nay, HTX có 10 thành viên, canh tác 21ha cam đường canh, 4ha cây bưởi ruby và cam Vinh.

Anh Vũ Hùng Cường – Giám đốc HTX, cho biết: Trong quy trình chăm sóc cây ăn quả, các thành viên luôn coi trọng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Chế phẩm HTX dùng để phun cho toàn bộ diện tích cây cam đường canh, cam Vinh được nhập từ Nhật, là dạng khuẩn sinh học. Định kỳ cho cây cam “ăn” đậu tương, ngô nghiền nhỏ ủ chung cá, nấm tạo ra phân hữu cơ. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm cam đường canh của HTX được xuất khẩu sang Nhật với giá hợp đồng là 55.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi ha cam đường canh có năng suất 14 tấn/ha, doanh thu bình quân 550 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 440 triệu đồng.

“Sản xuất xanh” - nông sản rộng đường xuất khẩu - Ảnh 1.

Anh Hùng Văn Cường – Giám đốc HTX Nông trại hữu cơ bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Ảnh: Yến Nguyễn

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Sơn La có 35ha rau, cây ăn quả đã được cấp chứng nhận hữu cơ, 155ha đang được sản xuất theo hướng hữu cơ. Xây dựng, duy trì 197 chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn, trong đó có 159 chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng, sản lượng trên 30.000 tấn. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của các HTX, như: HTX sinh thái Nà Sản, HTX Ngọc Lan (Mai Sơn), HTX sản xuất rau an toàn Ta Niết (Mộc Châu) đã có những sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ được thị trường biết đến…

Quy trình sản xuất chặt chẽ

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng nên yêu cầu canh tác khá khắt khe. Ông Nguyễn Quang Vinh-Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn), cho biết: Chúng tôi có 5ha thanh long được trồng theo hướng hữu cơ. Trước đây, người dân chủ yếu dùng phân bón vô cơ, đất bị thoái hóa, một số loại sâu bệnh kháng thuốc, nên khi bắt đầu chuyển sang dùng phân hữu cơ, chi phí cao gấp đôi. Hơn nữa, cần phải có hệ thống tưới ẩm tốt và từ năm thứ 3 trở đi, các loại vi sinh vật có ích mới phát triển mạnh.

Bà Cầm Thị Phong – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, thông tin: Rất nhiều HTX khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp không ít khó khăn. Do việc sản xuất hữu cơ đòi rất nhiều tiêu chí, như: Phải có thời gian nhất định để thực hiện chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ. Các tổ chức, cá nhân khi thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ phải thực hiện việc ghi chép đầy đủ rõ ràng về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

HTX Ngọc Lan (Mai Sơn) tham gia thí điểm mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Sau hơn 2 năm triển khai đến nay HTX đã có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn bán ra thị trường.

Với những lợi ích thiết thực về cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu. Ngoài các cơ chế, chính sách của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để làm thay đổi thói quen sản xuất của người dân về sản xuất hữu cơ, cũng như thói quen lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng, tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa các thành phần tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ dựa trên cơ sở chuỗi giá trị. 

Nguồn: https://danviet.vn/mot-htx-o-son-la-cho-cam-an-dau-xanh-ngo-nghien-tuong-do-ai-ngo-cho-cam-sang-nhat-ban-dat-hang-20211103165351283.htm

Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X