Trái cây được mùa nhưng còn đó nỗi lo tiêu thụ, giá cả
Trái cây được mùa nhưng còn đó nỗi lo tiêu thụ, giá cả
Quý II/2022 là thời điểm nhiều loại cây trái khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh Nam Bộ bước vào vụ thu hoạch, nhưng việc tiêu thụ cùng với giá cả đang là vấn đề lớn.
Trái cây Nam Bộ sắp vào vụ thu hoạch nhưng khâu tiêu thụ và giá cả là vấn đề không dễ giải quyết
Đây cũng chính là lý do để Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam Bộ” vào ngày 8/5.
Trên cơ sở dự báo tiêu thụ sẽ gặp khó khăn do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid”, các biện pháp phòng dịch của nước này làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, lúc đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Lê Thanh Tùng đưa ra những trở ngại trong việc tiêu thụ trái cây quý II/2022.
Cùng quan điểm với ông Lê Thanh Tùng, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết trong 2 tháng qua, các cửa khẩu chính tại Quảng Ninh, Lào Cai đóng cửa do Trung Quốc phát hiện Covid-19 đã gây áp lực lớn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Chưa kể, những đợt phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến về công tác kiểm soát Covid-19 cho thấy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn chủ quan, chưa tuân thủ quy định về phòng dịch khi đưa hàng sang nước bạn. Việc ách tắc trong xuất khẩu rau quả cũng nằm ở khâu kiểm tra Covid-19, không phải do kiểm dịch thực vật nên doanh nghiệp cần phải kiểm soát chặt quy trình sản xuất, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trên bao bì, sản phẩm, thành container…
Còn đối với thị trường EU, dù rau quả Việt Nam đang được hưởng lợi do ưu đãi thuế quan nên tăng trưởng tốt trong năm qua. Tuy nhiên trong thời gian gần đây phát sinh vấn đề EU tăng tần suất kiểm tra đối với thanh long và rau gia vị từ 10% lên 20% khiến lượng xuất khẩu sụt giảm.
Trước những khó khăn kể trên, ông Lê Thanh Tùng kiến nghị đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng cây ăn quả để tăng cường quản lý vùng trồng, nắm sát sản lượng, chất lượng từng loại quả; chỉ đạo rải vụ trái cây (thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng) linh hoạt phù hợp với tình hình tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây; phát triển mảng bảo quản và chế biến.
Về việc ách tắc ở cửa khẩu, ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị các địa phương, doanh nghiệp theo dõi, cập nhật thông tin ở cửa khẩu để điều phối trái cây lên biên cho hợp lý.
Trước những ý kiến, giải pháp của các đại biểu đưa ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đưa ra ý kiến chỉ đạo. Theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp, các địa phương không nên “than vãn” mà cần tìm giải pháp để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân.
“Cần tổ chức lại sản xuất để thích ứng với những thay đổi của thị trường, đừng để khi cửa khẩu với Trung Quốc thông thì mọi việc lại quay về như cũ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy nước đến chân mới nhảy, vẫn suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính nên không chịu thay đổi để thích ứng. Cần nhìn vào cách ngành rau quả Thái Lan thích ứng với chính sách “zero Covid” của Trung Quốc nên xuất khẩu của họ ít bị ảnh hưởng. Họ tìm cách đáp ứng được quy định để kiểm soát Covid-19 trong chuỗi sản xuất trái cây trong khi Việt Nam chỉ có thể hy vọng đàm phán để Trung Quốc nới lỏng quy định”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thẳn góp ý.
Cuối cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ quy luật thị trường không phải lúc nào cũng như ý muốn, vì thế các mô hình sản xuất nông nghiệp cần tiết kiệm chi phí, giúp tăng hiệu quả kinh doanh cần được lan tỏa, nhân rộng.
Được biết, theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng sản lượng cây ăn quả chính tại Nam Bộ trong quý II/2022 sẽ đạt khoảng 1,5 triệu tấn, cao hơn quý I khoảng 137.000 tấn do một số loại quả vào mùa như: thanh long, chuối, nhãn, chôm chôm, sầu riêng… Vì thế đây sẽ là một áp lực trong khâu tiêu thụ cũng như giá cả.
Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/trai-cay-duoc-mua-nhung-con-do-noi-lo-tieu-thu-gia-ca
Việt Nam tập trung xuất khẩu gạo ngon tới thị trường ASEAN
Việt Nam tập trung xuất khẩu gạo ngon tới thị trường ASEAN
Với dân số gần 700 triệu người, ASEAN là thị trường cực kì quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
ASEAN là thị trường lớn nhập khẩu gạo của Việt Nam
Dân số đông, có vị trí địa lý trong khu vực, cùng với những nét tương đồng về văn hóa, ASEAN là một thị trường cực kì quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam.
Trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam, Philippines là thị trường lớn nhất. Năm 2021, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng nhập khẩu đạt 2,45 triệu tấn, đạt kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020. Philippines cũng chiếm 39,4% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Quý I/2022 tiếp tục ghi nhận kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines với 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu.
Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như: Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. Trong đó, thị trường Malaysia tăng trưởng mạnh với số liệu tháng 1/2022 là 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD, tăng 163,4% về lượng và 156% về kim ngạch so với tháng 12/2021.
Hiện gạo xuất khẩu sang Philippines và các nước ASEAN khác chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25%, chủ yếu cạnh tranh bằng giá. Về mặt chiến lược, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường, tăng tỉ trọng sản xuất lúa gạo chất lượng cao từ 35-40% lên 75-80% vào năm 2020.
Việc này giúp tăng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau năm 2020. Tuy nhiên, với sự chuyển dịch này, gạo Việt Nam lại gặp khó khăn do không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.
Vì vậy, hiện cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo cũng được điều chỉnh, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn vào năm 2030.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang các nước ASEAN, ngành gạo còn phải rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…
Cuối cùng, Việt Nam cần tận dụng các hiệp định thương mại với các nước trong khu vực, cải thiện trình độ công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư.
Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN nắm bắt được các thông tin như: Nhu cầu thị trường, yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu, ngày 5/5/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN diễn ra tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Trong phiên tư vấn, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia sẽ thông tin về tình hình thị trường gạo Indonesia và các cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bà Lê Thị Phương Hoa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào sẽ chia sẻ về mặt hàng gạo tại thị trường Lào; Bà Trần Lê Dung, Bí thứ thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẽ nêu một số vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu gạo sang Malaysia; Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ giới thiệu tình hình thị trường gạo Singapore niên vụ 2021 – 2022; Ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm gieo trồng, thu hoạch gạo của Thái Lan với doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/viet-nam-tap-trung-xuat-khau-gao-ngon-toi-thi-truong-asean
Nuôi vịt trời theo hướng hữu cơ, đăng kí sản phẩm OCOP
Nuôi vịt trời theo hướng hữu cơ, đăng kí sản phẩm OCOP
Vịt trời nuôi theo hướng hữu cơ của HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đang tiến hành các bước đăng kí đây là sản phẩm OCOP của huyện.
HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì là đơn vị đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường với sản phẩm chủ lực là gà đồi. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường và những điều kiện môi trường sẵn có, một số thành viên của HTX đã quyết định chăn nuôi vịt trời theo hướng hữu cơ từ cuối năm 2021 và nhân rộng từ đó đến nay.
Thành viên của HTX, anh Trương Đức Hoàng, thôn Đông An, xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, nhận thấy diện tích đất đai, ao đầm của gia đình mình phù hợp với việc phát triển chăn nuôi vịt trời theo hướng hữu cơ. Sau khi tìm hiểu, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi 1.000 con vịt trời theo hình thức bán hoang dã. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn vịt của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt.
Với việc sử dụng các loại thức ăn như: ngô, cám mì, giun quế, ấu trùng, cá xay ủ lên men và trộn thêm vi lượng khoáng chất… vịt trời nuôi theo hướng hữu cơ của HTX có vị thơm ngon, đặc trưng nên được thị trường rất ưa chuộng. Ngoài ra, để đảm bảo sản phẩm hữu cơ, an toàn đến tay người tiêu dùng, vịt trời được chăn nuôi ở môi trường thoáng mát, nguồn nước sạch sẽ.
Vịt trời nuôi theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng
Hiện vịt trời theo hướng hữu cơ của HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì luôn trong tình trạng “cháy hàng”, có bao nhiêu hết ngay đến đó với giá cả rất tốt khoảng 150 nghìn/con vịt 1kg.
Với hiệu quả như vậy, hiện HTX chăn nuôi vịt liên tục gối đàn, mỗi lứa từ 500 con và hiện có khoảng 3.000 con đang được chăn thả.
Đặc biệt, thời gian tới HTX sẽ tiến hành các bước đăng ký sản phẩm “Vịt trời hữu cơ” là sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì, đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình để đem lại hiệu quả kinh tế cho các xã viên.
Nguồn: https://nongnghiephuucovn.vn/nuoi-vit-troi-theo-huong-huu-co-dang-ki-san-pham-ocop
Nông sản xuất khẩu: Nâng cao năng suất, chất lượng nhờ khoa học – công nghệ
Nông sản xuất khẩu: Nâng cao năng suất, chất lượng nhờ khoa học – công nghệ
Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản, thời gian qua các ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN).
Là lĩnh vực chiếm tỷ lệ nghiên cứu, ứng dụng lớn nhất của hầu hết địa phương, kết quả của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH&CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Nhờ đó, KH&CN đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản Việt Nam và là đòn bẩy để mặt hàng này vươn xa đến nhiều thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt 48,6 tỷ USD. Điển hình, năm 2021, sản lượng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Pháp, CH. Czech, Australia, Mỹ, Đức… với sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Hay tại Sơn La, thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh này cũng ngày càng được mở rộng như Trung Quốc, Campuchia, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Từ chỗ là tỉnh miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô lớn nhất nước, Sơn La đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước, với tổng diện tích trên 70.000 ha. Thu nhập bình quân trên 1 ha đạt từ 150 – 500 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao mức sống của người dân và mở rộng phát triển sản xuất.
Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật, sản xuất na Chi Lăng, Hữu Lũng tại Lạng Sơn đã đạt diện tích trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên 1ha canh tác na đạt 275 triệu đồng/ha.
“Nhờ ứng dụng KH&CN, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (trong đó cao hơn gấp rưỡi Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới” – đại diện Bộ KH&CN cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tiến vào thị trường các nước, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng, giá thành hợp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo khâu cung ứng kịp thời cho nhà nhập khẩu…
Ông Nguyễn Đình Phong – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La – cho biết, để các sản phẩm nông sản có thể mở rộng thị trường, tận dụng được các cơ hội từ các Hiệp định FTA, thì trước tiên các yếu tố đầu vào như vật tư, giống cây trồng cho đến quản lý, chăm sóc, bao gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… đều phải đáp ứng tiêu chuẩn, sau đó mới đưa đi giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường.
Trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao cho năng suất vượt trội
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang nỗ lực hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Dù là Thủ đô nhưng Hà Nội có diện tích trồng rau lên đến 13.000 ha, trong đó có hơn 5.000ha được chứng nhận sản xuất an toàn.
Đặc biệt, Hà Nội đã cho thấy sự thích ứng linh hoạt với sự phát triển của thời đại bằng cách rất nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện Thủ đô đã hình thành được 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20ha trở lên. Tại các vùng trồng rau đã có 127 ha ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750 m2.
Rất nhiều các tiến bộ khoa học kĩ thuật đã được bà con ứng dụng vào sản xuất như: che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng và nông dân được hướng dẫn kĩ thuật để sản xuất rau an toàn, từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sao cho hợp lý đến đánh giá sâu bệnh hại…
Cũng chính nhờ sản xuất rau an toàn, một bộ phận lớn nông dân đã thay đổi thói quen canh tác, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì được thu gom, tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường.
Hà Nội đang nỗ lực mở rộng diện tích trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao
Đặc biệt nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn, thu nhập của bà con đã tăng đáng kể. Giá trị sản xuất trung bình đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có mô hình đạt hơn 1 tỷ đồng/ha, giá trị sản xuất rau an toàn cao hơn rau thường từ 10-20%.
Trước sự hiệu quả do mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết Sở đang nỗ lực để mở rộng diện tích mô hình này trong thời gian tới.
Về mặt tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nông dân, Sở sẽ có những chương trình phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Sở sẽ tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn và xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật mới.
Không chỉ tuyên truyền, hỗ trợ về vốn và kĩ thuật, Sở NN&PTNT Hà Nội còn kết nối và khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến rau tại địa phương, tạo hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là nền tảng để rau an toàn ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hà Dũng (t/h) – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
EU tài trợ 1,5 triệu euro cho dự án thúc đẩy nông sản Việt đạt chứng nhận sinh thái, công bằng
EU đã quyết định tài trợ 1,5 triệu euro cho dự án Eco-Fair với mục tiêu thúc đẩy xây dựng ngành nông sản Việt Nam bền vững hơn.
Được biết, dự án Eco-Fair ra đời với sứ mệnh thay đổi hành vi của các tổ chức và cá nhân nhằm đưa ra những biện pháp tích cực về xã hội và cải thiện môi trường.
Theo TS Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn (VIRI), Giám đốc dự án Eco-Fair, hiện dự án đã đào tạo hơn 1.000 doanh nghiệp, tiếp cận hơn 1 triệu người tiêu dùng, quảng bá về tiêu dùng bền vững, trong đó đã có 200 doanh nghiệp được đánh giá nhanh về việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Khi các doanh nghiệp được chứng nhận bền vững sẽ được kết nối với khách hàng có yêu cầu mua hàng bền vững trên toàn thế giới. Kỳ vọng doanh số cho các mặt hàng như gạo, điều, rau củ quả chế biến… sẽ tăng lên khoảng 30%.
Đặc biệt, dự án Eco-Fair đang mang đến cho Việt Nam một cơ hội rất tốt để hình thành ngành nông sản bền vững hơn, thông qua việc thu hút các bên liên quan trong chuỗi giá trị gồm khu vực tư nhân, các nhóm người tiêu dùng và nhà hoạch định chính sách để đạt được mục tiêu chuyển sang sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.
Chính vì thế, với nguồn tài trợ của EU cho dự án Eco-Fair, các doanh nghiệp của Việt Nam thuộc các tiểu ngành như gạo, điều, rau củ chế biến, hoa quả chế biến, sản phẩm thủy sản chế biến, sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm… có thể tham gia khóa học trực tuyến về sản xuất bền vững.
Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sản xuất nông sản đạt chuẩn sinh thái, công bằng, qua đó góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cũng nhờ sự tư vấn của dự án, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới sản phẩm bền vững, các chứng nhận sinh thái, công bằng, thiết kế bao bì, kết nối thị trường, tiếp cận tài chính xanh.
Hiện Việt Nam đã có một số doanh nghiệp, HTX hướng tới sản xuất sinh thái, thân thiên với môi trường. Có thể kể đến Hợp tác xã Điều hữu cơ True.coop (Ninh Thuận) được thành lập từ năm 2017 bởi ông Trương Thanh Viện. Đến nay, True.coop đã có 5.000ha vùng nguyên liệu điều đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức Organic USDA, EU va 1 triệu cây điều giống ươm được kiểm duyệt nguồn gốc, xuất xứ.
Hay doanh nghiệp xã hội Minh Phú thực hiện các dự án chứng nhận vùng nuôi tôm sinh thái, hữu cơ trong rừng đước tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vừa bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, phát triển nghề nuôi tôm rừng truyền thống vừa thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa của nghề nuôi tôm; xây dựng hình ảnh thương hiệu và nâng cao giá trị tôm sinh thái, hữu cơ như đặc sản của địa phương. Hiện Minh Phú có 9.722ha nuôi tôm sinh thái hữu cơ với 2.010 hộ tham gia và đã xuất khẩu tôm hữu cơ đến nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Canada…
Nguồn: Hà Dũng (t/h)