Author Archives: Vitad Agri

Khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai năm 2020

Chiều 26/11, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chỉ đạo khôi phục sản xuất sau bão lũ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đoàn đã đến kiểm tra việc triển khai các hoạt động cải tạo đồng ruộng, kênh mương bị bồi lấp sau lũ lụt tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong; thăm và thả cá giống tại Trại cá Trúc Kinh, huyện Gio Linh; tham quan mô hình “úm gà” tại Trại thực nghiệm của Trường Trung cấp Nông nghiệp Quảng Trị; kiểm tra hoạt động khắc phục sạt lở xã Gio Hải, huyện Gio Linh.

Nhân dịp này, để hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khôi phục sản xuất nông nghiệp, sớm ổn định đời sống người dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành trao tặng: 1.100 con gia cầm; 300 tấn thức ăn chăn nuôi; 740 triệu tiền thuốc thú y; 1.500 con cá trắm, rô phi, cá chép bố mẹ đã sẵn sàng sinh sản vào đầu năm 2021 với khoảng 15-16 triệu con giống cho nông dân… Tổng giá trị của đợt chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ lần này gần 1,2 tỷ đồng.

           

Trong quá trình đi kiểm tra thực tế việc khắc phục hậu quả bão lũ tại các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và người dân Quảng Trị trong thời gian vừa qua. Tỉnh đã sớm dồn tổng lực để huy động lực lượng khắc phục hậu quả bão lũ để ổn định đời sống người dân. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng công việc quan trọng nhất hiện nay là phải chú trọng việc tái thiết các cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi kết hợp với các lực lượng để khơi thông kênh mương, giải phóng những ruộng đất bị cát bồi lấp để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân sắp tới. Đặc biệt, phải tạo sinh kế cho người dân từ nay đến Tết Nguyên đán thông qua việc phát động trồng rau và chăn nuôi ngắn ngày. Bên cạnh đó, tỉnh chuẩn bị bộ giống và vật tư tốt nhất dồn lực sản xuất thắng lợi trong vụ Đông Xuân 2020-2021 để bù lại những mất mát của bà con. Qua đó, sớm phục hồi sản xuất, kinh tế cho người dân về lâu dài. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị cần sớm nghiên cứu triển khai các phương án, giải pháp bảo vệ bờ biển tại những nơi bị sạt lở nặng theo hướng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

                                                                                                                       Bộ NN&PTNT

Hội nghị Phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại các tỉnh phía bắc

Ngày 10/11, tại Hòa Bình, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả có múi (CAQCM) tại các tỉnh phía Bắc. Dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ. Ngoài ra còn có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và đại diện Sở NN&PTNT 22 tỉnh phía Bắc

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến nay tại nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa tập trung như cam Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, bưởi Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, quýt Bắc Kạn và Lạng Sơn. 

Tổng diện tích cây có múi của các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 121.000 ha (chiếm 47,5% diện tích của cả nước). 

Đáng chú ý, điện tích cây có múi liên tục tăng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng cao. Thống kê trong 10 năm từ 2009 – 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm về diện tích (tương đương 7,3 nghìn ha/năm), trên 12% về sản lượng (69,4 nghìn tấn).

Cùng với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều hạn chế và gặp nhiều khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm, dịch bệnh. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, bùng phát dịch hại và ảnh hưởng đến chất lượng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận về tình hình sản xuất, tình hình dịch hại cây có múi, định hướng công tác bảo vệ thực vật và mở cửa thị trường, công nghiệp chế biến, xúc tiến các loại quả có múi; tổng hợp kết quả nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, sau thu hoạch trong những năm gần đây và định hướng trong thời gian tới…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh: Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh hình thành nhóm sản phẩm chủ lực, tạo được uy tín tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tỉnh hoàn thành bản đồ phân hạng thích nghi đất cho sản xuất trồng trọt với diện tích phân hạng 116 nghìn ha. Đặc biệt, CAQCM là cây trồng chủ lực trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 11.500 ha. Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 7.400 ha; 2.119 ha cây có múi được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ. Dự kiến năm 2020, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác đạt trên 350 triệu đồng/ha. Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất CAQCM tại tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại như: Tình trạng kinh doanh, buôn bán giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra; kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ; nhiều loại sâu bệnh mới phát sinh; hoạt động bảo quản, sơ chế, chế biến chưa phát triển; vấn đề bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các ngành liên quan hỗ trợ tỉnh tổ chức rà soát cây có múi; cấp mã vùng; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu; chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm CAQCM. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh thực hiện đề án tái canh vùng cam Cao Phong.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận nỗ lực và những kết quả đạt được trong phát triển CAQCM của các tỉnh phía Bắc. Thứ trưởng khẳng định: Sản xuất cây có múi có vị trí, vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước những khó khăn, bất cập còn tồn tại, đề nghị các cục, vụ, bộ, ban ngành T.Ư cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển cây có múi bền vững, thực hiện tốt quy hoạch vùng trồng. 

Thứ trưởng đề nghị Cục Trồng trọt chủ trì hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh diện tích cây có múi theo quy hoạch. Đối với Cục Bảo vệ thực vật tập trung chỉ đạo phòng, chống các loại bệnh gây hại; ban hành quy trình phòng trừ bệnh Greening và bệnh vàng lá, thối rễ. Trung tâm Khuyến nông quốc gia ưu tiên phát triển mô hình vườn mẫu. Các Viện triển khai tốt chương trình giống cây trồng của Bộ NN&PTNT.

                                                                                                 Nguồn: Bộ NN&PTNT

Triển vọng canh tác lúa hữu cơ tại vùng khai thác rươi

Xã Hồng Tiến (Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là địa phương có truyền thống trong nghề khai thác rươi. Đây là nguồn lợi có giá trị kinh tế rất cao đối với nông dân địa phương, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/sào/năm. Để bảo vệ và khai thác rươi, từ xa xưa, vùng đất này đã được người nông dân giữ gìn môi trường sống của rươi. Năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến đã thực hiện mô hình canh tác lúa hữu cơ tại vùng khai thác rươi, bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Hồng Tiến là xã nằm gần cửa sông Hồng đổ ra biển nên nguồn nước ở đây lợ, thích hợp cho loài rươi sinh sống, phát triển và chất lượng thịt rươi cũng ngon hơn các địa phương khác trong cả nước.

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Toàn xã có 65ha bãi dọc triền sông Hồng có thể cho thu hoạch rươi với hơn 80 hộ sản xuất. Với hai vụ thu hoạch rươi vào tháng 9 và tháng 10 âm lịch hàng năm, nông dân thu về gần 88 tấn rươi cho giá trị gần 40 tỷ đồng. Ngoài thu nhập từ con rươi, nông dân Hồng Tiến còn khai thác đánh bắt được từ 70 – 80 tấn cáy tự nhiên. Với giá thị trường ổn định 70.000 đồng/kg cáy, bà con thu về trên dưới 5 tỷ đồng. Đối với con rươi, các yếu tố: chu kỳ mùa vụ, nhiệt độ môi trường, độ mặn, độ cao của thuỷ triều… ảnh hưởng lớn tới sinh sản của rươi cũng như quyết định năng suất, sản lượng rươi thu hoạch. Những năm gần đây, các hộ dân có đất khai thác rươi đã đầu tư đắp bờ bao, hệ thống kênh mương, cửa cống tại các bãi bồi ven sông tạo điều kiện cho rươi tự nhiên sinh trưởng, phát triển. Để tạo sinh cảnh và thu nhập, các hộ đều kết hợp khai thác rươi, cáy và trồng cói, sản lượng mỗi năm đạt hơn 200 tấn cói khô, thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trồng cói yêu cầu nhiều công lao động, trong khi lực lượng lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu, khiến diện tích cói giảm dần. Năm 2019, HTX đã thử nghiệm đưa lúa vào cấy thay thế cói với diện tích trên 1ha, cấy 1 vụ/năm, thời gian còn lại đất được nghỉ ngơi, tạo điều kiện thuận lợi cho rươi sinh trưởng và phát triển. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, HTX mở rộng mô hình lên trên 10ha tại thôn Tân Thành. Lúa cấy tại vùng khai thác rươi là các giống truyền thống như Bao Thai, Thầu Dầu, năng suất không cao nhưng chất lượng gạo ngon, phù hợp với đồng đất. Trong suốt quá trình canh tác lúa, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ tránh làm ảnh hưởng đến ấu trùng rươi đang phát triển ở lớp đất phía dưới mặt ruộng lúa. Việc làm cỏ cũng như phòng, trừ sâu bệnh cho lúa được thực hiện bằng biện pháp thủ công. Đây là yếu tố bảo đảm cho chất lượng lúa hữu cơ.

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết thêm: Canh tác lúa trên vùng khai thác rươi, cáy, các đối tượng này đã bổ trợ cho nhau, trong đó việc cải tạo đất, chăm sóc và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng cùng nguồn thức ăn dồi dào cho con rươi, con cáy phát triển. Ngược lại, con rươi, cáy xử lý các chất thải hữu cơ trong đất, nước để tạo ra phân bón hữu cơ giúp cây lúa khỏe mạnh, chống chọi lại dịch bệnh và đạt năng suất, chất lượng cao.

Ông Trần Quốc Thể là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Nhà tôi có gần 2 mẫu vùng bãi khai thác rươi, cáy. Trước đây, tôi trồng cói vừa tăng thu nhập, vừa tạo môi trường cho rươi phát triển. Tuy nhiên, cói trồng trong thời gian dài khiến đất chai cứng, được sự hỗ trợ của HTX, tôi đưa cây lúa vào thay thế cói với diện tích 1 mẫu. Tuy năng suất lúa không cao như ruộng nội đồng nhưng tạo sản phẩm sạch, được HTX bao tiêu đầu ra. Đặc biệt, cấy lúa đã giúp cải tạo môi trường sinh thái, giúp con rươi, con cáy phát triển tốt hơn. Rươi chưa đến vụ thu hoạch nhưng qua kiểm tra, mật độ lỗ rươi cao hơn vùng trồng cói; con cáy rất to, mẩy, chắc.

Theo ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến, đã có một số đơn vị chế biến gạo xuất khẩu liên hệ bao tiêu sản phẩm gạo hữu cơ khi HTX mở rộng mô hình. Với mục tiêu giữ vùng nguyên liệu đặc thù của địa phương, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ, mô hình canh tác lúa hữu cơ tại vùng khai thác rươi bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, dự kiến sẽ được quy hoạch mở rộng lên 30 – 40ha, cấy 2 vụ lúa/năm trong thời gian tới.

                                                                                               Nguồn: Báo Thái Bình

Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn năm 2020-2030

Ngày 2/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn năm 2020-2030

ề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 do Bộ NN&PTNT trình Chính phủ và vừa được phê duyệt bắt nguồn từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. 

Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những năm qua. Và ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai chủ trương này. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019. Cả nước có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người.

Số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia… là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung chính của Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 giúp các đơn vị quản lý của Bộ, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất và doanh nghiệp nắm được quan điểm phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Qua đó triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Đề án phù hợp với chức năng của đơn vị và điều kiện thực tế của địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay rất nhiều hợp tác xã và hộ dân triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên để họ hiểu nông nghiệp hữu cơ như thế nào, các tiêu chuẩn ra sao thì còn thiếu nhiều kiến thức.

Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 nhằm tiến tới từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến. Để làm được việc này, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, bên cạnh diện tích tiếp tục phải thâm canh, tăng năng suất đảm bảo an ninh lương thực thì từng địa phương căn cứ vào diện tích đất, cũng như mặt hàng nông nghiệp chủ lực để chỉ đạo phát triển nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác, các tỉnh cũng cần tập trung công tác đào tạo và nâng cao năng lực sản xuất để các hợp tác xã và hộ dân triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ hiểu rõ nông nghiệp hữu cơ như thế nào, tiêu chuẩn-quy chuẩn ra sao. Do đó, sau đợt này, bộ sẽ tổ chức các đợt tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý các cấp từ cấp sở, cấp địa phương và người sản xuất về các tiêu chuẩn hữu cơ, nhất là Tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 – Tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ đến từng địa phương. Bởi lẽ, quy trình đầu tư để chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ là rất tốn kém, không phải nơi nào cũng làm được, nên cần phải triển khai từng bước.

Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đó là làm sao để phối hợp với các ngành trong việc quản lý các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khi đưa ra thị trường về nhãn mác, chất lượng. “Vừa qua, chúng tôi thử đi tìm hiểu một số nơi cho thấy có những mặt hàng được dán nhãn mác nông nghiệp hữu cơ nhưng lại chưa được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Đây là vấn đề hiện nay cần phải chấn chỉnh. Việc này không chỉ riêng một mình Bộ NN&PTNT làm được mà đòi hỏi các ngành, nhất là các cơ quan quản lý thị trường cùng tham gia phối hợp”.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ hỗ trợ về cơ sở pháp lý, tạo điều kiện để giúp đỡ các tổ chức chứng nhận hữu cơ trong nước để họ nâng cao năng lực đồng thời định hướng cho họ liên kết với các tổ chức chứng nhận quốc tế để từng bước nâng cao vị thế, trình độ, năng lực của các tổ chức chứng nhận trong nước ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới.

                                                                                                       Nguồn: Bộ NN&PTNT

Hội Nghị Tuyên truyền Kiến thức về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Các Chính sách Hỗ trợ, Phát triển Kinh tế Tập thể, Hợp tác xã tại Thái Nguyên

Hội Nghị Tuyên truyền Kiến thức về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Các Chính sách Hỗ trợ, Phát triển Kinh tế Tập thể, Hợp tác xã tại Thái Nguyên

Ngày 22/09 vừa qua. Đại diện Viện Vitad-Agri cùng các chuyên ra đã tham gia hội nghị Tuyên truyền Kiến thức về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Các Chính sách Hỗ trợ, Phát triển Kinh tế Tập thể, Hợp tác xã do Liên Minh Hợp Tác Xã – Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương phối hợp thực hiện. Hãy cùng xem lại hững hình ảnh tại Hội nghị và nội dung được thảo luận trong Hội nghị sau! 

Slide Nông nghiệpViệt Nam EVFTA- GS Đỗ Tuyết Mai

Slide Hành động của Doanh nghiệp trước EVFTA_PGS TS Ngô Thị Thuận

Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam thành công xuất khẩu lô cà phê đầu tiên sang châu Âu

Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam thành công xuất khẩu lô cà phê đầu tiên sang châu Âu

Ngày 16/9 vừa qua, tại Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, đã tham dự lễ xuất khẩu cà phê đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, toàn bộ các sản phẩm cà phê bao gồm chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%. Đồng thời, EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường EU.

Trong đợt xuất khẩu đầu tiên này, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container với số lượng 296 tấn sang Cảng đến Hamburg, Antwerp của Đức và Bỉ.

Tại buổi Lễ xuất khẩu cà phê đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA do Bộ NN & PTNT, UBND tỉnh Gia Lai và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (thành phố Pleiku, Gia Lai) tổ chức, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, từ nhiều năm nay Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, ngành hàng cà phê còn là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, cà phê Việt Nam có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, EU là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 3% GDP cả nước. Với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, triển khai Hiệp định EVFTA cho thấy những kết quả tích cực. Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020. Trong thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam sẽ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho cà phê Robusta toàn cầu.

Để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả, đặc biệt trong ngành hàng cà phê, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Cùng đó, đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sở chế bảo quản các sản phẩm cà phê; chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần cà phê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.

Đại biểu Bộ NN và PTNT khai trương buổi Lễ

Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cần nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp thông tin kịp thời cho các thành viên về cơ chế, chính sách ưu đãi, hàng rào về kỹ thuật, thông tin thị trường để các doanh nghiệp sớm nắm bắt và có điều chỉnh kịp thời.

Các doanh nghiệp chủ động chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với các sản phẩm cà phê. Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm đặc biệt là công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm cà phê xuất khẩu sang châu Âu. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cà phê.

Cũng tại buổi lễ, đại diện thành viên EU tại Việt Nam đánh giá cao lợi thế của ngành cà phê Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nếu Việt Nam tổ chức thực hiện được chứng nhận đảm bảo nguồn gốc xuất xứ thì xem như đã làm được 50% yêu cầu trong quy trình xuất khẩu sang EU.

Tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã tiến hành đi thăm dây chuyền chế biến cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, chứng kiến hoạt động xếp hàng vào container.

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu cà phê của Việt Nam vinh dự xuất lô sản phẩm cà phê đầu tiên đi châu Âu. Để vào được thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này. Khi sản phẩm cà phê được vào thị trường các nước EU, các hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, theo đó thuế trở về bằng 0%, giá trị đem lại cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu được bền vững.

Tuy nhiên, sản phẩm cà phê bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, thực thi các quy trình của Hiệp định EVFTA đã được kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Hằng năm, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 50-70 tấn cà phê các loại cho thị trường thế giới, trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%. Doanh thu kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Niên vụ 2019-2020, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất sang thị trường Châu Âu khoảng 34.000 tấn cà phê, gồm các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê tinh và cà phê sạch.

Hiện sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã đạt toàn bộ các chứng chỉ Quốc tế cho 25.000 ha cà phê của đơn vị. Từ các chứng chỉ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, kể cả chứng chỉ của các tổ chức bền vững; trong đó, có Hà Lan về FOSI, DELFORES. Đặc biệt, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Hoa Kỳ.

                                                                              Theo Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn

Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

Ngày 6/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA”.

 
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị
 

Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Chương trình hành động của Chính phủ thực thi EVFTA được Thủ tướng ký (vào hôm qua, 5/8) với 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.

EVFTA là một FTA thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường thì hiệp định sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó. Theo một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới, nếu thực hiện đồng thời cả EVFTA và CPTPP thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.

Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định và tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh EVFTA là “con đường cao tốc” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU quy mô 15.000 tỷ USD. Nhưng đây cũng là thị trường tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe nên sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, thiếu sáng tạo. “EVFTA là điều kiện để doanh nghiệp Việt nâng cấp chính mình để vào chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu, nhất là khi nhiều tập đoàn EU đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam”.

Thủ tướng cũng cho rằng, tồn tại lớn nhất là nhận thức hạn chế của các doanh nghiệp về hiệp định thương mại tự do này, nên việc tận dụng cơ hội khiêm tốn. Chưa kể, EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh “cơn gió ngược dữ dội từ Covid-19” khiến chuỗi cung ứng, thị trường toàn cầu bị xáo trộn. Dù thế, EVFTA vẫn được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu mỗi bên.

Để “đường cao tốc tới EU” thông thoáng, Thủ tướng nêu các yêu cầu về truyền thông, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cạnh tranh trên thị trường nội địa với sản phẩm EU….

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh – cơ quan giữ vai trò chính trong thực thi chương trình hành động thực thi EVFTA, cho rằng xoá bỏ những rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cải cách hành chính là điều kiện giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa cơ hội EVTA đem lại.

Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói cần thay đổi thế chế quyết liệt nếu “không muốn doanh nghiệp Việt bị loại bỏ khỏi cuộc chơi”. Người đứng đầu ngành nông nghiệp hứa trong lĩnh vực ngành sẽ tạo mọi cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Thực hiện hiệp định này với quan điểm cả hai cùng thắng chứ không riêng với Việt Nam, để khai thác hết hiệu quả của hiệp định. Muốn vậy chúng ta phải vượt lên chính mình thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp”.

Nhấn mạnh “buộc phải thay đổi nếu muốn thích ứng, tận dụng cơ hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động, kịp thời ban hành các văn bản pháp luật, nội luật hoá cam kết và hướng dẫn thực thi EVFTA.

Với các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng khuyến nghị “phải thay đổi tư duy quản lý, kinh doanh, chú ý hơn bảo đảm nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường”. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ làm vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp chính mình để nắm bắt cơ hội mà EVFTA đem lại.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, các lĩnh vực từ trồng trọt đến chăn nuôi trên địa bàn huyện đều đã đưa máy móc vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình trong sản xuất lúa gạo, khâu làm đất đạt trên 95%; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 100%; thu hoạch đạt 100%; tưới tiêu đạt 100%…

 
 
Hội thảo đầu bờ nâng cao chất lượng lúa ở xã Ea Rốk

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có khoảng 3.200 máy móc các loại. Trong đó, 18 máy gặt đập liên hợp; 724 máy kéo; gần 1.200 máy bơm nước động lực; 230 máy chế biến lương thực (máy xay xát, phân loại, đánh bóng…); 65 máy phun thuốc có động cơ…
 
Điển hình như ở Ea Bung, đây là xã thuần nông nên chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao. 
 
Bà Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của xã đạt trên 95%. Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên địa bàn xã đã xuất hiện các mô hình, gương sản xuất, kinh doanh giỏi đem lại thu nhập cao, góp phần vào phát triển nền kinh tế – xã hội của địa phương.
 
Cùng với việc đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, huyện cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương. Nhằm liên kết sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, hữu cơ, tháng 8-2019, Hợp tác xã (HTX) lúa Ea Súp được thành lập với 15 thành viên là các nông hộ trên địa bàn. Qua khảo nghiệm giống lúa N25 cho ra hạt gạo dài, trắng, cơm dẻo, thích hợp với điều kiện canh tác, HTX đã vận động các thành viên tổ chức sản xuất 60 ha sử dụng giống lúa mới với cam kết bao tiêu sản phẩm.
 

Ông Đỗ Đức Thiềm, thành viên của HTX cho biết, khi tham gia vào HTX, các thành viên được hướng dẫn canh tác theo quy trình, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ; dùng thuốc sinh học, hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu độc hại, bảo đảm chất lượng hạt gạo an toàn. Bên cạnh đó, khi tham gia sản xuất, bà con nông dân được hỗ trợ giống, phân bón trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra với giá ổn định.

Cùng với lúa gạo, để nâng cao giá trị cho quả xoài, một trong những cây ăn trái đặc sản của Ea Súp, 15 hộ trồng xoài chuyên canh ở thôn 10 (xã Ea Bung) đã liên kết thành lập HTX xoài Ea Súp với diện tích canh tác trên 25 ha. HTX xoài Ea Súp duy trì hoạt động theo mô hình hộ thành viên tự quản lý và hưởng lợi, HTX đứng ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, liên kết với các đại lý, cơ sở có uy tín cung ứng phân bón, cây giống. Tham gia vào HTX, các thành viên yên tâm về đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chăm sóc vườn cây.
 
Ông Trần Quang Trịnh, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, toàn huyện có gần 1.300 ha cây ăn quả, sản lượng gần 2.000 tấn, trong đó diện tích cây xoài chiếm khoảng 60%. Các mô hình liên kết giúp nông dân chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm, cung ứng được nguồn hàng số lượng lớn, bảo đảm chất lượng. Các HTX mới thành lập tuy còn gặp nhiều khó khăn, song đã làm tốt vai trò là “cầu nối” hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm đầu ra cho nông sản, giúp xã viên yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập.
 
(Nguồn: Bộ NN&PTNT)

“Đường cao tốc” đưa nông sản Việt đến châu Âu

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, EVFTA là “đường cao tốc” để nông sản Việt đi vào thị trường rộng lớn của 27 quốc gia châu Âu.

Phát biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản – Hành động tiếp cận EVFTA” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 30/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, là văn bản điều chỉnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đề cập đến các văn đề về trao đổi hàng hóa, xuất xứ, quy cách phẩm chất, biểu thuế đối với từng mặt hàng….

Hội thảo “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản – Hành động tiếp cận EVFTA” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 30/7 tại Hà Nội.

“Trong đó với lĩnh vực nông nghiệp ngoài các nội dung lồng ghép về các quy định chung còn được dành riêng chương 6 cho nội dung về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật chắc chắn cần có sự nghiên cứu trao đổi, đánh giá và tìm ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp”, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Hoàng Quang Phòng đánh giá cao ý tưởng tổ chức hội thảo dành riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và trao đổi sâu hơn về các khía cạnh mang tính kỹ thuật tác động đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Chủ tịch VCCI kỳ vọng những thông tin mang lại sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động và tận dụng được các mặt tích cực và Hiệp định mang lại, tránh được các rủi ro có thể có trong quá trình hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế quan trọng này.

Trên thực tế, EVFTA đi vào thực thi, các rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ dần được xóa bỏ giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế, các rào cản phi thuế quan lại không bị chối bỏ hoàn toàn, ngược lại, có xu hướng được sử dụng ở nhiều hình thức tinh vi hơn khi mức thuế quan tiến về 0% theo cam kết của EVFTA, trong đó gồm các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng rau quả xuất khẩu (XK) sang 27 nước thuộc EU.

Trao đổi với các doanh nghiệp, TS Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, SPS là những nội dung liên quan an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, rào cản sẽ ngày càng phức tạp với các FTA mới được ký kết, đặc biệt là với EVFTA.

Theo đó, các mặt hàng rau quả phải đáp ứng tất cả quy định chung về thực phẩm theo Luật Thực phẩm tổng hợp của EU (EU General Food Law), luật này cũng có các yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc. Các loại thực vật và các sản phẩm thực vật, kể cả rau quả có xuất xứ từ những khu vực không xác định được, bị nhiễm sinh vật gây hại sẽ không được phép nhập khẩu vào EU.

Cùng với đó, quy định về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của EU còn đưa ra 7 nguyên tắc cần phải thực hiện nhằm ngăn chặn các mối nguy hại trong quá trình sản xuất ra thành phẩm. 

Đối với rau quả tươi, EU thường yêu cầu người XK phải có giấy chứng nhận về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) hay các chứng nhận an toàn thực phẩm khác. Ngoài đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, GlobalGAP còn liên quan tới đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường và xã hội thông qua giảm lượng hóa chất sử dụng, có trách nhiệm về sức khỏe và an toàn lao động. GlobalGAP được phát triển từ EurepGAP. Phạm vi EurepGAP gồm: sản xuất quả, rau, khoai tây, salad, hoa cắt cành và gia súc chăn nuôi.

Quy định chung về kiểm soát, kiểm tra sản phẩm: Tất cả sản phẩm nhập khẩu vào EU đều bị kiểm tra xem sản phẩm có phù hợp theo các quy định trong luật về thực phẩm có liên quan của EU.

Trong chính sách an toàn thực phẩm, EU cũng đưa ra tiêu chí về nhiễm vi khuẩn trong thực phẩm (thực phẩm có mang vi sinh vật, độc tố, chất chuyển hóa của nó), quy định về dư lượng tối đa chất gây ô nhiễm trong sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể.

Các lô hàng nhập khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận vệ sinh và an toàn thực vật để thể hiện tình trạng sản phẩm, biện pháp kiểm tra và chữ ký xác nhận của cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia trước khi gửi hàng.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đồng Quảng, Nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ khoa học Bộ Nông nghiệp cũng đã chỉ ra 5 thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Cụ thể, thứ nhất, là các quy đinh về xuất xứ hàng hóa. Nếu không bảo đảm các quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan tối huệ quốc (MFN) hoặc ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), chứ không được áp thuế xuất 0% trong EVFTA.

Thứ hai, quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch động thực vật. EU yêu cầu rất khắt khe về ATTP, kiểm dịch động thực vật trong khi sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, ý thức tuân thủ của nông dân chưa cao…

Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thứ tứ, thương mại công bằng phát triển bền vững. Thứ năm, các thủ tục điều kiện xuất khẩu vào EU. Việt Nam và EU cam kết áp dụng chung một hệ thống các thủ tục, điều kiện nhập khẩu đối với sản phẩm đến từ bất kỳ khu vực nào của bên kia.

Do đó, chuyên gia nhấn mạnh cần nghiên cứu nắm vững các quy định của EU về an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng như tổ chức sản xuất theo công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tốt khâu bảo quản, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, HACCP…   

Tại Hội thảo, các chuyên gia thống nhất cho rằng, bên cạnh nắm bắt các quy định, doanh nghiệp cần chủ động gắn kết các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, XK với vùng nguyên liệu.

Chú trọng xây dựng và bảo vệ hình ảnh, uy tín thương hiệu mặt hàng rau quả cũng như lập ra kế hoạch phổ biến, rộng rãi thương hiệu rau quả Việt Nam đến thị trường EU-27 bằng nhiều hình thức.

Tăng cường xây dựng mối quan hệ tốt, bền vững với các nhà nhập khẩu EU-27 nhằm giúp cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó tốt với các rào cản rau quả của thị trường này.

Nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng cao, đội ngũ cán bộ cần nắm vững tiêu chuẩn chất lượng rau quả, có khả năng kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, quy trình kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của EU…

“Sản xuất hữu cơ vẫn phải là hướng đi trong thời gian tới, đặc biệt để vào thị trường EU. Chúng ta thực tế đã chậm hơn một bước, Chương trình organic Thái Lan đã ban hành cách đây hơn 10 năm, chúng ta gần đây mới ban hành được một nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Chúng ta cần thúc đẩy nhanh hơn hướng đi này”, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS đánh giá. 

(Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

VITAD-AGRI và VCCI đã phối hợp tổ chức buổi tập huấn hội thảo” Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản- Hành động tiếp cận EVFTA” ngày 30/7/2020

Để giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ động bắt kịp, tận dụng tốt cơ hội ngay từ khi hiệp định có hiệu lực, VITAD-AGRI và VCCI đã phối hợp tổ chức buổi tập huấn hội thảoDoanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản- Hành động tiếp cận EVFTA”.

Mục đích của buổi Tập huấn- Hội thảo là nhằm trang bị các kiến thức cần thiết của EVFTA liên quan đến xản xuất và xuất khẩu nông sản sang thị trường EU; Tạo lập liên kết chuỗi giữa sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản; Đề xuất các chính sách nhằm chủ động, đẩy nhanh quá trình và nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA trong sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Các mục tiêu cụ thể:

  • Xác định rõ các ngành hàng nông sản và các yêu cầu đặt ra với từng mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU (gồm i) Ngành hàng trồng trọt; ii) Ngành hàng chăn nuôi và iii) Ngành hàng thủy hải sản).
  • Xác định và đề xuất những giải pháp, chính sách và lộ trình nhằm đẩy nhanh xuất khẩu nông sản sang thị trường EU (Theo từng ngành hàng)..
  • Tạo lập liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường EU (Theo từng ngành hàng).
  • Các mục tiêu sẽ được giải đáp, hướng dẫn cụ thể với những nội dung sau:

– Lộ trình thuế về 0% đối với các sản phẩm NN xuất khẩu của VN;

– Những sản phẩm hưởng thuế ưu đãi nhưng áp dụng hạn ngạch XK;

– Trình tự thủ tục thực hiện quy định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa XK;

– Yêu cầu, thủ tục về quy định an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thức vật đối với nông sản XK;

– Quy định về chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu;

– Yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

– Những ngành hàng nông sản XK có lợi thế canh tranh cao nhờ VEFTA, những khó khăn và giải pháp 

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo, Tập huấn “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản-Hành động tiếp cận EVFTA” ngày 30/7/2020

 

Copyrights © 2019 VITAD-AGRI All Rights Reserved.

X