Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19”
Chiều 12/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19”. Hội nghị tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp ở trên thế giới và cả Việt Nam, đặt ra những thách thức lớn cho ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham dự và chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong nước, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn.
Dịch Covid-19 đã thành đại dịch, hết sức nguy hiểm, gây ra 2 vấn đề bao trùm là đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn cầu và làm rối loạn nền kinh tế thế giới. Dịch này tác động đến hầu hết các quốc gia. Nhiệm vụ đặt ra là đảm bảo hạn chế thấp nhất thách thức nêu trên đồng thời đảm bảo tăng trưởng.
Trước các tình hình đó, Bộ NN&PTNT đưa ra dự báo về mức tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới với các con số cụ thể.
Về diện tích lúa, đơn vị ước tính đạt 7,3 triệu ha/năm, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha và sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, giảm khoảng 70.000 tấn so với năm 2019.
Về rau màu, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn trên 980.000 ha. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì mặt hàng này vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu. Ngoài ra, sản lượng trái cây còn có thể tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2019.
Để đạt được các mục tiêu thúc đẩy này, Bộ Nông nghiệp đặt ra một số giải pháp trước mắt như chỉ đạo cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Cơ quan chuyên môn cũng cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến.
Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường.
“Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 tăng cao sau khi hết dịch”, Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị.
Đặc biệt, Bộ yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. Phương án này bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, ngoài đề cập thách thức từ dịch COVID-19 đã mang tính chất toàn cầu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phân tích cụ thể 3 thách thức lớn bao trùm ngành Nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới. Đó là tính phức tạp, khó lường của khí hậu, thời tiết; hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng cũng khẳng định rằng, chưa bao giờ ngành chăn nuôi có quy mô lớn như vậy, tổng đàn gia súc gia cầm đạt mức cao và kỷ lục nhất từ trước đến nay. Năm 2020 này, ngành chăn nuôi chính là cứu cánh của cả ngành Nông nghiệp.
Liên quan đến ngành chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 44 ổ dịch cúm gia cầm (39 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1) tại 14 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con.
Công tác thú y hiện nay còn nhiều khó khăn. Hệ thống thú y cơ sở, nhất là thú y cấp thôn, xã, huyện ở nhiều nơi không còn hoặc đã sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, nhưng không nắm được tình hình, không báo cáo đến cơ quan chuyên môn cấp trên để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt; việc xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; khoanh vùng, cảnh báo và quản lý ổ dịch còn khó khăn. Thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện, đặc biệt tại tuyến cơ sở; chính quyền và cơ quan chuyên môn tại một số địa phương (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa) chưa chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch…
Giải pháp được ngành Nông nghiệp đưa ra trong thời điểm này là tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh; hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh này. Hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn heo theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học, dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn, để cung cấp các sản phẩm thịt heo cho thị trường và bình ổn giá.
V.A tổng hợp
Làm nông nghiệp công nghệ cao, nông dân thu 9 tỷ đồng/ha
Đưa công nghệ ra đồng ruộng
Xa dần hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ, những năm gần đây, ở các nông thôn của nước ta đã xuất hiện nhiều hơn những “cánh đồng công nghệ cao”.
Ở đó, người nông dân áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… nhằm tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Tại một hội nghị về nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp 4.0) vừa được tổ chức ở Lâm Đồng, ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng – nhận xét, việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong lĩnh vực ngành nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và tăng năng suất lao động…
Hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin có mức đầu tư cao được hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư đưa vào sản xuất như hệ thống nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ IoT… đưa diện tích ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng tăng nhanh, không chỉ tập trung ở các huyện, thành trọng điểm mà nhiều loại hình công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi làm nên thương hiệu nông sản của tỉnh. Công nghệ thông tin kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa đã giải được nhiều bài toán về dự báo thời tiết; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Những năm gần đây, nông dân Lâm Đồng đã được tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vảo sản xuất nông nghiệp.
Ông Vinh cho biết, Lâm Đồng có trên 56.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cao cấp đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng; hoa 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao 250 triệu đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm…
Chia sẻ câu chuyện thành công từ nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Công Thừa – Chủ nhiệm HTX Anh Đào (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) từng cho biết, HTX đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và áp dụng thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu.
Hiện HTX đang trồng rau quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ bình quân 50.000 tấn trong nước và 4.000 tấn xuất khẩu. Doanh thu hơn 10 triệu USD/năm, ông Thừa tiết lộ.
Dù đem lại hiệu quả kinh tế cao, song, ông Vinh cũng thừa nhận, diện tích đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin còn hạn chế khi chỉ chiếm khoảng 20% diện tích đất canh tác, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh.
Tỷ lệ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất còn quá ít so với số hộ sản xuất nông nghiệp; những mô hình, trang trại thành công trong sản xuất nhờ áp dụng thành tựu khoa học công nghệ đa số tuổi đời còn khá trẻ, hầu hết được qua đào tạo chuyên môn nhất định, nhạy bén và dễ dàng tiếp cận những thành tựu của công nghệ thông tin mang lại để áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Còn phần lớn người nông dân Lâm Đồng vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, diện tích đất manh mún, còn thụ động và chưa làm chủ được công nghệ và chưa tự tin, mạnh dạn ứng dụng thành tựu, hiệu quả của công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi.
Để giải quyết được bài toán cho người nông dân sẵn sàng làm nông nghiệp 4.0, theo ông Vinh, cần có nguồn vốn đủ và có cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi hơn nữa để đầu tư, khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây chính là khâu then chốt.
Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, mới đây cho rằng, dù giá thành cao hơn nông sản sản xuất đại trà khoảng 20-30%, nhưng nông sản ứng dụng công nghệ cao lại được thị trường ưa chuộng, làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó.
Hà Nội hiện có 133 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đáng chú ý, 100% mô hình này trong trồng trọt, chăn nuôi đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Song số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, ông Mỹ thừa nhận.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình nông nghiệp 4.0, đồng thời đẩy mạnh hướng tới xuất khẩu các sản phẩm này. Trong đó, sẽ chú trọng vào chăn nuôi và cây ăn quả.
Trước hết, với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở NN-PTNT sẽ vận động bà con trong một hợp tác xã cùng sản xuất sản phẩm thế mạnh có ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật để tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao, ông Mỹ chia sẻ.
Nguồn: Báo Vietnamnet
Công nghệ 5G sẽ cách mạng hóa ngành nông nghiệp như thế nào?
Mạng di động 5G với tốc độ siêu cao hứa hẹn có thể cách mạng hóa ngành nông nghiệp, vốn từ lâu đã chậm chấp nhận những cải tiến mới.
Các chuyên gia công nghệ cho biết, các cảm biến không dây được kết nối qua mạng 5G có thể theo dõi tình trạng đồng ruộng và phát hiện khi cây trồng cần tưới nước, thuốc trừ sâu hoặc phân bón. Nó cũng có thể giúp theo dõi vật nuôi và điều khiển thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp và máy kéo tự lái.
“5G có khả năng có tác động biến đổi đối với nền kinh tế toàn cầu thông qua một số ngành dọc khác nhau và nông nghiệp chắc chắn là một trong những ngành nổi bật nhất để xem xét”, Leo Gergs, nhà phân tích của ABI Research cho biết.
Về lý thuyết, kết quả cuối cùng cho nông nghiệp sẽ là năng suất cây trồng được cải thiện và sản phẩm chất lượng cao hơn. Nhưng thực sự để biến lời hứa thành hiện thực khó có thể xảy ra nhanh chóng hay dễ dàng thực hiện.
Trong khi các nhà mạng di động lớn như Verizon , AT&T và T-Mobile của Mỹ đang chạy đua để triển khai 5G thì đến nay họ chỉ tập trung vào các khu vực đô thị vì ở đó tập trung nhiều khách hàng tiềm năng. Sẽ mất nhiều năm trước khi mạng 5G của họ có mặt rộng rãi ở các vùng nông thôn, có nghĩa là hầu hết nông dân sẽ phải chờ đợi.
Nhận định về tác động của 5G đến ngành nông nghiệp, Bill Morelli, một nhà phân tích của IHS Markit nói: “5G có thể sẽ không có tác động rõ rệt đến việc canh tác nông nghiệp trong 3 đến 5 năm nữa”.
Hiện nay, nhiều nông dân đã cài đặt các cảm biến trong các lĩnh vực của họ được kết nối bằng mạng 4G với tốc độ lên tới 100 Mbps. Tuy nhiên, so với tốc độ 5G dự kiến sẽ đạt 10 Gbps là điều được mong đợi. Sự khác biệt về tốc độ cho phép kết nối nhanh hơn giữa các thiết bị với nhau bên cạnh đó mạng 5G cũng cho phép nhiều thiết bị hơn kết nối với một trạm gốc di động.
Trong khi đó, Simon Forrest, nhà phân tích tại Futuresource cho biết: “Các cảm biến đã được sử dụng trong canh tác nông nghiệp để đo lường và báo cáo các điều kiện môi trường như lượng mưa, hàm lượng nước, chất dinh dưỡng trong đất và nhiệt độ mặt đất”.
Nâng cấp lên 5G có thể tăng tác động của công nghệ bằng cách cải thiện tốc độ kết nối và cho phép các thiết bị giao tiếp hiệu quả hơn. Ví dụ, nó sẽ cho phép nông dân cài đặt nhiều cảm biến hơn để theo dõi nhiều điểm dữ liệu hơn và giúp họ điều hành hoạt động hiệu quả hơn.
Theo thống kê từ ABI Research thì hiện tại Mỹ có 2,1 triệu công nhân nông nghiệp với mỗi trang trại trung bình sử dụng khoảng 45 lao động. Những con số này sẽ giảm theo thời gian khi nông dân ứng dụng nhiều công nghệ vào sản xuất.
Leo Gergs nhận định: “5G sẽ thay đổi bản chất của công việc trong canh tác và nông nghiệp. Đến năm 2035, số lượng việc làm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,78 triệu đồng thời các trang trại sẽ sử dụng trung bình chỉ 27 lao động”.
Tuy nhiên theo quan điểm của Bill Morelli thì không chắc chắn rằng nhiều công nghệ hơn, bao gồm 5G sẽ thực sự ảnh hưởng đến tổng thể số lượng công việc trong trang trại. Ông thừa nhận rằng các vai trò khác nhau sẽ đòi hỏi nhu cầu cao hơn như khả năng phân tích dữ liệu và quản lý trang trại, nhưng điều đó không nhất thiết phải giảm đi số lượng người lao động.
Bill Morelli nhận định: “Nhìn chung, nông nghiệp thông minh cho phép nông dân được tiếp cận nhiều thông tin hơn và thu được hiệu quả cao hơn, chứ không phải là loại bỏ công ăn việc làm. Có khả năng sẽ có một sự chuyển đổi xảy ra như với bất kỳ cuộc chuyển đổi công nghệ nào khác”.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc ước tính rằng hành tinh này sẽ cần thêm 70% lương thực vào năm 2050 so với năm 2009 do dân số toàn cầu tăng. Những tiến bộ trong nông nghiệp sẽ là một đóng góp lớn.
“Công nghệ phải được áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp. Kết nối là điều cần thiết và do đó ứng dụng 5G trong nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi”, Simon Forrest nói.
(Nguồn: Báo Vietnamnet. Theo Fortune)
NÔNG NGHIỆP TRONG TƯƠNG LAI: KHÔNG CẦN ĐẾN ĐẤT VÀ MẶT TRỜI
AeroFarms, startup có trụ sở tại New Jersey, đã tìm ra một giải pháp bền vững và triệt để hơn để sản xuất lương thực cho thế giới trong tương lai. Công nghệ này có thể tiết kiệm 95% nước, 40% phân bón và không sử dụng thuốc trừ sâu.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trồng trọt sử dụng tới 70% lượng nước ngọt dùng cho nông nghiệp và chỉ khoảng ½ trong số đó có thể được tái chế sau khi sử dụng. Trồng trọt cũng đòi hỏi diện tích đất rộng lớn và lượng ánh nắng mặt trời phù hợp.
AeroFarms cho rằng họ sở hữu một giải pháp tốt hơn. Phương pháp canh tác của công ty này tốn rất ít nước và không cần tới đất cũng như ánh sáng mặt trời. Toàn bộ quá trình diễn ra trong nhà, thường là trong một nhà kho cũ, đồng nghĩa rằng trên lí thuyết, bất cứ địa điểm nào cũng có thể trở thành nơi trồng trọt.
Startup có trụ sở tại New Jersey là đứa con tinh thần của Ed Harwood, giáo sư tại trường nông nghiệp thuộc Đại học Cornell. Năm 2003, Harwood đã phát minh ra một hệ thống trồng cây trên vật liệu vải do anh tạo ra.
Dưới tấm vải không phải là đất, thay vào đó, rễ cây được phun sương mù giàu dinh dưỡng. Harwood đã nhận được bằng sáng chế cho phát minh của mình và sáng lập Aero Farm Systems. Sở dĩ công ty có tên gọi như vậy vì “aeroponics” là phương pháp trồng cây không dùng tới đất hoặc nước. Aero Farm Systems bán hệ thống trồng cây đặc biệt này, nhưng nó chỉ là một dự án phụ của Harwood và đã không tạo ra nhiều doanh thu.
Bước ngoặt đến vào năm 2011, khi David Rosenberg, người sáng lập công ty bê tông chống thấm Hycittle, và Marc Oshima, một nhà tiếp thị lâu năm trong ngành thực phẩm và nhà hàng, đã để ý tới sự kém hiệu quả của canh tác truyền thống và coi đây là một cơ hội để đầu tư.
Bộ đôi bắt đầu khám phá các phương pháp canh tác tiềm năng và trong quá trình này đã chú ý tới Aero Farm Systems. Họ thích đứa con tinh thần của Harwood tới mức đề nghị bơm tiền vào dự án này. Đổi lại, họ muốn trở thành những nhà đồng sáng lập. Đồng thời, họ cũng đề xuất một số thay đổi trong mô hình kinh doanh: Rosenberg và Oshima nhận thấy cơ hội lớn hơn trong tối ưu hóa quá trình canh tác và tự bán các loại cây trồng.
Nhận được sự đồng thuận của Harwood, Aero Farm Systems đã trở thành AeroFarms. Harwood, Rosenberg và Oshima đóng vai trò là đồng sáng lập. Họ mua các cơ sở cũ ở New Jersey – một nhà máy thép, một câu lạc bộ, một trung tâm bắn súng sơn – và biến chúng thành các trang trại trong nhà.
Mỗi trang trại của AeroFarms này đều trồng cà rốt, dưa chuột, khoai tây và sản phẩm chính – rau mầm cao cấp – trên các khay xếp chồng lên nhau. Các sản phẩm này sau đó được bán cho các cửa hàng tạp hóa ở Bờ Đông bao gồm Whole Foods, ShopRite và Fresh Direct cũng như phòng ăn của các doanh nghiệp như Goldman Sachs và The New York Times.
Khi canh tác có thể diễn ra ở địa phương quanh năm, AeroFarms hi vọng rằng họ có thể cung cấp các sản phẩm tươi mới hơn với mức giá thấp hơn, vì chi phí vận chuyển được giữ ở mức tối thiểu.
Thêm vào đó, AeroFarms thu thập hàng trăm nghìn điểm dữ liệu tại mỗi cơ sở của mình. Điều này cho phép họ dễ dàng thay đổi hệ thống ánh sáng LED để kiểm soát hương vị, kết cấu, màu sắc và dinh dưỡng của cây trồng. Dữ liệu cũng cho phép startup này điều chỉnh các biến như nhiệt độ và độ ẩm để tối ưu hóa năng suất cây trồng.
Theo AeroFarms, quy trình này rất hiệu quả: Phương pháp canh tác này có năng suất gấp 130 lần trên mỗi ft2 so với trang trại truyền thống, từ góc độ năng suất cây trồng. Một trang trại Aero Farm tiết kiệm hơn 95% nước và 40% phân bón so với canh tác truyền thống, đồng thời không sử dụng thuốc trừ sâu. Cây trồng thường mất từ 30 đến 45 ngày để phát triển. Trong khi đó, các loại rau xanh nhiều lá chất lượng cao chiếm phần lớn sản lượng của công ty cần ít nhất 12 ngày.
AeroFarms có 120 nhân viên, huy động được hơn 100 triệu USD, từ các doanh nghiệp bao gồm Goldman Sachs và GSR Ventures.
AeroFarms cho rằng phương pháp canh tác của họ đặc biệt hữu ích ở những khu vực có khí hậu không thân thiện với trồng trọt, hoặc nơi khan hiếm nước hoặc đất. Startup này hiện sở hữu 9 trang trại, bao gồm cả các địa điểm ở Saudi Arabia và Trung Quốc. AeroFarms có kế hoạch mở rộng lên 25 trang trại trong vòng 5 năm tới.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nội: Xác định rõ chiến lược, tạo hướng đi đúng
Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, bên cạnh những cơ chế chính sách thu hút người sản xuất, doanh nghiệp, cần có một chiến lược thị trường để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chỗ đứng vững chắc.
Sản xuất, tiêu thụ đều… vướng
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đang phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, với tổng diện tích khoảng 80-100ha tập trung chủ yếu ở các huyện: Sóc Sơn, Long Biên, Thạch Thất. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh hiện tại, Hà Nội phải giải quyết sớm một số vấn đề, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết, sản phẩm rau hữu cơ của xã Thanh Xuân được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, hiện việc mở rộng diện tích canh tác rất khó khăn vì quy trình sản xuất khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Chưa kể đầu tư cho sản xuất tương đối lớn (hệ thống giếng, đường ống dẫn nước, đường điện, nhà sơ chế, nhà ủ phân…), trong khi Nhà nước chưa có chính sách đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Sản xuất là vậy, tiêu thụ cũng gian nan không kém. Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) thông tin, hiện nay trung bình mỗi vụ, nông dân xã Đồng Phú trồng 25ha lúa hữu cơ, nhưng canh tác vất vả, lấy công làm lãi vì đầu ra không ổn định. Mới chỉ có 60% sản phẩm của hợp tác xã bán cho doanh nghiệp còn lại nông dân vẫn bán qua thương lái nên giá thấp, thậm chí bị ép giá.
Việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Đỗ Thị Thu Hà, ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “So với sản phẩm thông thường, giá các loại nông sản hữu cơ đắt hơn. Gia đình tôi có con nhỏ nên rất muốn sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, không biết có đúng là chất lượng và an toàn thực sự hay không? Vì vậy, tôi cũng không khỏi quan ngại, đắn đo khi lựa chọn nông sản hữu cơ”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước nhiều khó khăn vì quỹ đất dành cho nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội không nhiều và cần phải có thời gian để cải tạo. Quy mô nhỏ, chi phí đầu tư lớn nên giá thành sản phẩm hữu cơ thường cao gấp 5-6 lần so với sản xuất thông thường. Mặt khác, vì thiếu chứng nhận cũng như bộ tiêu chí cụ thể cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên người tiêu dùng khó phân biệt được với các sản phẩm khác, có tâm lý e ngại khi phải chi tiêu với số tiền lớn cho loại thực phẩm mà không chắc chắn về chất lượng.
Cần một chiến lược thị trường
Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ và đưa sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường, bà Nguyễn Thị Cuối – hộ trồng rau hữu cơ ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đề xuất, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình thuê đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí cho các đơn vị trong quá trình sản xuất. Cùng với đó là có thể hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ (cấp lần đầu hoặc cấp lại). Còn theo bà Dương Thị Lành, ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), các ngành chức năng cần hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, ban hành quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoàn chỉnh để người dân áp dụng vào thực tiễn.
Ở góc nhìn khác, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho rằng, Hà Nội cần xác định được chiến lược thị trường, tạo hướng đi đúng, phát triển theo quy hoạch, dựa vào vị trí địa lý thuận lợi của mỗi địa phương để tạo ra một sản phẩm mang tính đặc trưng. Thành phố nên quy hoạch quỹ đất đủ lớn ở những nơi đủ điều kiện để sản xuất nông nghiệp hữu cơ và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Cùng với đó là chính sách giảm thuế, miễn thuế có thời hạn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nội cần nhiều thời gian, kinh phí. Bên cạnh những cơ chế hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hà Nội sẽ xây dựng 5-10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn theo quy định, sản phẩm sản xuất ra được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ… Để hỗ trợ phát triển thị trường, thành phố sẽ tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Cùng với đó là việc xây dựng các cơ chế khuyến khích cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm bảo đảm đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định…