Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020
Sáng ngày 29/6, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của các Thứ trưởng và các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19, dịch bệnh lan tỏa cả thế giới làm “đứt, gãy” các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn phải đương đầu với tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL…
Tuy nhiên nhìn lại 6 tháng đầu năm, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính Phủ, sợ hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, mức tăng trưởng 6 tháng vẫn duy trì ở mức khá: tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; tốc độ tăng GDP ước đạt trên 1%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 18,8 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt quý II, ngành nông nghiệp đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng với giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%; trong nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực – thực phẩm tiêu dùng trong thời gian cao điểm dịch bệnh và vẫn đảm bảo phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, cơ cấu lại ngành tiếp tục được triển khai tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng; các khó khăn vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu đã được giải quyết; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, tái đàn lợn được thực hiện tốt; và nguồn nước được điều tiết kịp thời phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và phòng chống cháy rừng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị
Để đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn hơn của toàn ngành nông nghiệp. Do đó, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Trong bối cảnh đó, toàn ngành phải đối phó kép để thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề mà Chính phủ giao (tăng trưởng GDP từ 2,8 đến 3,2%).
Đặc biệt, bằng mọi giá phải hoàn thành hai mặt trận, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn. Đảm bảo nhu cầu sử dụng thịt, trứng, sữa, rau… cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 42 tỷ USD.
“Chúng ta phải nhìn lại cục diện bất thuận, thách thức trong 6 tháng qua và các tháng tiếp theo, từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch điều hành và hành động đồng bộ tất cả các khu vực, từ hành chính, sự nghiệp cho đến các doanh nghiệp. Phương châm là với thách thức kép thì phải quyết tâm và cố gắng thực hiện 2-3 lần”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Khi đứng trước khó khăn, thách thức lớn, chúng ta phải tập trung trí tuệ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, không bàn lùi, không thay đổi mục tiêu kế hoạch năm 2020 mà Chính phủ giao.
(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Khoa học và công nghệ là đòn bẩy tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh và các đơn vị chức năng của hai Bộ.
Phát biểu khai mạc buổi họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối cùng có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị tổng kết Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012; cũng như đánh giá kết quả đạt được việc triển khai phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2016-2020 đã phê duyệt tại Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng và chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 10 năm 2021 – 2030 và Bộ KH&CN phê duyệt các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2030. Năm 2020 cũng là năm tổng kết nhiều chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ KH&CN với các bộ, ngành. Nội dung và mục tiêu các Chương trình phối hợp cần được rà soát và ký kết cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025. Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn số 254/BKHCN-KHTC ngày 07/02/2020 về hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm 2020 gửi đến các Bộ, ngành đầu mối kế hoạch. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 14/4/2020 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Do đó buổi họp hôm nay hai Bộ không chỉ đánh giá kết quả đạt được về hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua mà rất cần thiết phải chỉ ra được những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 để đưa vào kế hoạch năm và kế hoạch 5 năm.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học, hai Bộ thống nhất những nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong năm tới và các năm tiếp theo là: Thống nhất kế hoạch tổng kết đánh giá hiệu quả Chương trình phối hợp giữa hai Bộ; ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai Bộ cho giai đoạn 2021-2025. Thúc đẩy đánh giá việc tổ chức thực hiện các Chương trình KHCN cấp quốc gia kết thúc năm 2020; Đánh giá và đề xuất phê duyệt điều chỉnh chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình sản phẩm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp vào danh mục sản phẩm quốc gia; Tăng cường phối hợp trong công tác đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ ngành nông nghiệp; Chú trọng đẩy mạnh phối hợp giữa hai bộ về văn bản quy phạm pháp luật; Hai Bộ thống nhất sớm tập trung rà soát phục vụ tái cơ cấu các Chương trình KHCN cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần của NQ 01, 02 của Chính phủ…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã đánh giá cao những kết quả về khoa học công nghệ trong thời gian qua đối với ngành nông nghiệp. Khoa học công nghệ đã là đòn bẩy tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tăng trưởng đều và ổn định, mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, dịch bệnh triền miên. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đánh giá cao sự phối hợp hoạt động về khoa học công nghệ giữa hai bộ và đề nghị thời gian tới, Bộ KH&CN cần tập trung nguồn lực cho những nghiên cứu công nghệ phục vụ sản xuất theo chuỗi giá trị (ưu tiên chế biến sâu) tạo giá trị gia tăng của hàng nông sản Việt Nam.
Phát biểu bế mạc cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nêu rõ: Một đất nước với quá nửa dân số sản xuất nông nghiệp nên khoa học công nghệ phải ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài các chương trình cấp quốc gia đang triển khai có thể hình thành các chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ theo các lĩnh vực cần được ưu tiên. Bộ Nông nghiệp xem xét ưu tiên các Đề án đầu tư đưa vào kế hoạch trung hạn để triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1670/QĐ-TTg, Quyết định số 1671/QĐ-TTg như: Vườn thực vật quốc gia, các phòng thí nghiệm trọng điểm… Triển khai các nhiệm vụ nhằm phòng chống dịch hại châu chấu sa mạc và các bệnh dịch hại cây trồng; Tập trung cho việc hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản.Từ nay đến cuối năm 2020 hai Bộ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đánh giá tổng kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN, các chương trình quốc gia khác về nông nghiệp và phát triển nông thôn./.
(Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ)
Thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững
Ngày 12/6/2020, tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị. Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng sản xuất, tiêu thụ cây chè cả nước trong thời gian qua; định hướng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chè trong thời gian tới.
Việt Nam là một quốc gia trồng, sản xuất và chế biến chè, có diện tích và sản lượng chè đứng thứ 5 nhưng năng suất lại đứng hàng thứ 3 trong tổng số 50 quốc gia sản xuất chè trên thế giới. Đến nay, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha chè, năng suất đạt gần 95 tạ/ha, cao hơn năm 2018 là 4,4 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi. Khối lượng xuất khẩu đạt 136 nghìn tấn, giá trị đạt 235 triệu USD. Những năm qua, chè là cây được sản xuất khá bền vững, góp phần tích cực giảm nghèo cho nhân dân miền núi, đặc biệt ở một số vùng sản xuất chè đặc sản, là cây làm giàu cho nhân dân.
Thái Nguyên, hiện là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước, diện tích trồng chè hiện nay ước đạt 22.500ha; năng suất ước đạt 119 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 230 nghìn tấn. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Đến nay, hầu hết diện tích chè của tỉnh đã được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ; khâu chế biến cũng được chú trọng, đa dạng hóa sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè; các sản phẩm chè của tỉnh đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, nhờ đó đã giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất chè.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu dự Hội nghị cho rằng, dư địa phát triển chè còn rất lớn, đặc biệt là việc nâng giá trị gia tăng của chè; nhận thức, đầu tư, chỉ đạo và tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh khác nhau, có những nơi một héc-ta chè đạt giá trị tù 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có những nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm; liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu; gắn sản xuất chè với du lịch còn yếu.
Tại hội nghị, tham luận của các địa phương tập trung đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về công tác giống, khâu sản xuất, khâu chế biến, phát triển thị trường… với ngành chè. Một số ý kiến gợi mở từ phía Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng được trình bày tại hội nghị.
Quan điểm chung của các đơn vị tự chung lại, là phát triển cây chè đạt hiệu quả cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Để việc phát triển sản xuất ngành chè đảm bảo thực sự bền vững thì quy mô diện tích trồng chè phải phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, địa bàn bố trí phù hợp với sinh thái và truyền thống canh tác, đồng thời phải có khả năng cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác trên địa bàn.
Các đại biểu thăm mô hình sản xuất chè tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị: Những năm tới đây giữ ổn định diện tích cây chè, nhưng phải nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà. Do đó, các địa phương cần đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Nhằm nâng cao chất lượng trà, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm trà, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phầm trà truyền thống.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao trách nhiệm cho Cục Trồng trọt xây dựng đề án phát triển cây chè bền vững trong điều kiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định mục tiêu rõ ràng, có chính sách đối với cây chè. Các cục, vụ, viện, trường đại học liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các vấn đề liên quan nhằm phát triển cây chè.
Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Ngày 3/6, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì cuộc họp triển khai Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
Mới đây, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện Chương trình.
Với mục tiêu chung là nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp đủ giống có chất lượng cho sản xuất; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng trung bình toàn ngành giai đoạn 2021-2030 từ 2,7-3%/năm; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 đạt 50-55 tỷ USD, năm 2030 đạt 55-60 tỷ USD; thực hiện có hiệu quả định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo đó, đến năm 2030, ngành trồng trọt đảm bảo sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1; sử dụng giống ngô lai đạt trên 95%; 100% diện tích (chè, cao su, chuối), 80-90% diện tích (cà phê, điều), 70-80% diện tích (cam, bưởi), 40-50% diện tích (hồ tiêu, sắn) trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; trên 95% giống nấm được sử dụng đạt tiêu chuẩn cấp 1; sản xuất giống rau trong nước đáp ứng 25-30% nhu cầu. Ngành lâm nghiệp, tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt 95%. Ngành chăn nuôi đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với lợn đạt 95%, gia cầm đạt 85-90%. Ngành thủy sản đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; tôm thẻ chân trắng bố mẹ được sản xuất trong nước đáp ứng 30% nhu cầu; 100% giống tôm thẻ chân trắng, 100% giống cá tra và 50-60% giống tôm sú được kiểm soát chất lượng và sạch một số bệnh.
Chương trình tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là (i) phát triển khoa học công nghệ về giống (bao gồm bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, nuôi giữ giống gốc, chọn tạo giống); (ii) phát triển sản xuất giống; (iii) hoàn thiện hệ thống giống và ưu tiên triển khai thực hiện trên những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực quốc gia theo văn bản quy định của cấp có thẩm quyền. Đối với các cây trồng, vật nuôi khác; căn cứ yêu cầu thực tiễn, các bộ và địa phương xem xét, quyết định hỗ trợ theo chính sách của Chương trình này trong từng giai đoạn cụ thể.
Chương trình được triển khai thực hiện trên quy mô cả nước. Nguồn ngân sách Trung ương ưu tiên đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các cơ quan Trung ương và các địa phương chưa tự cân đối ngân sách; những địa phương đã tự cân đối ngân sách, chủ động tổ chức thực hiện đầu tư các dự án theo mục tiêu, nội dung Chương trình.
Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến hết năm 2030, chia theo 2 kỳ kế hoạch (2021 – 2025 và 2026 – 2030). Tổng mức vốn thực hiện Chương trình là 103.050 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, tính mới của chương trình lần này là nếu trước kia chỉ tập trung vào lưu giữ giống gốc, phát triển giống chủ yếu ở khối công lập như các viện, trường thì sang giai đoạn tới sẽ đầu tư sâu cho khối doanh nghiệp, tư nhân, thiết kế theo chuỗi từ nguồn gen phục vụ chọn tạo đến chương trình chọn tạo giống cho những đối tượng chủ lực phục vụ tái cơ cấu.
Thứ hai là chương trình sẽ huy động đa dạng nguồn lực của xã hội với cơ cấu vốn rất rõ phần nào của trung ương, của địa phương đặc biệt là của các doanh nghiệp và các thành phần khác kể cả nông dân.
Về những tồn tại hiện nay, trực tiếp Thứ trưởng đã đi khảo sát và chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị, các địa phương để làm sao kiểm soát được tính đúng giống và chất lượng của giống cây dài ngày đặc biệt là cây ăn quả có múi: “Không thể để cho tình trạng nhà nhà, người làm giống như hiện nay mà phải có chứng nhận cho các vườn ươm và phải thanh tra, kiểm tra được việc này.
Giai đoạn tới, Bộ sẽ đầu tư cho các viện nghiên cứu, các trung tâm giống của các địa phương để có hệ thống sản xuất theo đúng chuẩn từ vườn giống gốc đến các mắt ghép đảm bảo khi xuất bán cây giống phải hoàn toàn sạch bệnh, đặc biệt là bệnh do virus”.
(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Tỉnh Đắk Lắk sức hút canh tác giống lúa ST24 mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 (tổ chức tại Phillippines), gạo ST24, ST25 của Việt Nam đang có sức hút mạnh trên thị trường. Nắm bắt cơ hội này, nhiều đơn vị hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại các vùng đất lúa trên địa bàn tỉnh đã bắt tay sản xuất giống ST24 và đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Hơn 3 năm trước, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh thuộc huyện Krông Ana tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu nhận canh tác lúa ST24 theo đặt hàng của đơn vị cung ứng giống. Lúc bấy giờ, lúa ST24 còn khá mới mẻ và chưa được nhiều người biết đến nên phía cung ứng chỉ tạm gọi là “RVT thế hệ mới” và bao tiêu với giá ngang bằng với giá lúa RVT. Giống lúa này có đặc điểm hạt thuôn dài, chất lượng gạo thơm ngon, năng suất canh tác tại vùng chuyên canh lúa nước của HTX cao hơn hẳn so với lúa RVT, lên đến 11 tấn lúa tươi/ha (RVT đạt bình quân 9,5 tấn lúa tươi/ha).
Sau vụ lúa thử nghiệm thành công ngoài mong đợi, HTX dần mở rộng diện tích canh tác lúa ST24. Giá lúa ST24 dần tăng cao so với các giống lúa lai khác giúp nông dân thêm phần yên tâm, phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh nhận xét, so với các giống lúa mà đơn vị từng canh tác trước đây, giống ST24 thích ứng tốt, không phát sinh sâu bệnh đáng kể, nhất là không thấy xuất hiện bệnh hoa cúc thường gây thiệt hại cho bà con trong vụ hè thu. Nhận thấy đặc tính kháng sâu bệnh cao của giống lúa này, vụ hè thu năm 2019, HTX đã chuyển đổi 2 ha từ canh tác truyền thống sang sử dụng hoàn toàn các biện pháp hữu cơ, sinh học với định hướng xây dựng thương hiệu gạo riêng cho HTX. Thời điểm thu hoạch, gạo ST24 lại được người tiêu dùng “săn đón” sau hiệu ứng từ Giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” của gạo ST25 (do gạo ST25 chưa có mặt trên thị trường). Vì vậy, toàn bộ sản lượng gạo ST24 sản xuất theo quy trình hữu cơ của HTX nhanh chóng được tiêu thụ hết với giá cao, nhiều đơn vị đặt hàng cung ứng lâu dài.
Vụ đông xuân 2019 – 2020, các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh triển khai 15 ha lúa hữu cơ và hơn 270 ha lúa canh tác theo quy trình thông thường. Trong đó, lúa ST24 hữu cơ được thu mua cao hơn 1.000 đồng/kg, giúp thành viên được hưởng lợi trực tiếp từ việc ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, bền vững. Bước đầu, HTX cũng đã thuê kỹ sư nông nghiệp soạn quy trình hữu cơ riêng cho đơn vị, đồng hành giám sát quá trình sản xuất để xây dựng giá trị riêng cho thương hiệu gạo của HTX. Đây là những bước đi quan trọng để HTX quy hoạch riêng vùng sản xuất hữu cơ trên cánh đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng khách hàng khó tính.
Tại cánh đồng xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) giống lúa ST24 cũng vừa được HTX Giảm nghèo Ea Súp trồng thành công theo hướng sản xuất hữu cơ. Ngay sau khi hay tin gạo ST24, ST25 đạt thành công lớn tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã cử thành viên cùng nông dân đến tận nhà của Kỹ sư Hồ Quang Cua (tỉnh Sóc Trăng) để tìm hiểu quy trình canh tác và mua lúa giống. Tại đây, các thành viên trong đoàn được mời dùng thử 3 đĩa cơm nấu từ gạo ST21, ST24 và ST25 chỉ ký hiệu bằng số thứ tự để mọi người cùng chọn ra đĩa cơm ngon nhất. Điều trùng hợp là hầu hết mọi người đều lựa chọn đĩa cơm được nấu từ gạo ST24 bởi hạt cơm ngọt, thơm, dẻo, mềm dù không thay đổi kích thước nhiều sau khi nấu chín.
Sau chuyến đi ấy, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã triển khai canh tác 2,5 ha lúa ST24 theo hướng hữu cơ và liên kết với HTX Nông nghiệp dịch vụ Thành Công (huyện Ea Súp) trồng 25 ha lúa ST24 theo quy trình thông thường trong vụ đông xuân 2019 – 2020. Năng suất thử nghiệm lúa ST24 trồng theo quy trình thông thường tại cánh đồng xã Ya Tờ Mốt không thua kém các giống lúa lai khác, đạt trên 7,5 tấn lúa khô/ha. Với mô hình canh tác hữu cơ, lúa ST24 thích ứng và sinh trưởng tốt, không phát sinh sâu bệnh hại và mặc dù năng suất chỉ đạt khoảng 75% so với canh tác theo quy trình thông thường, nhưng chất lượng gạo sau khi nấu chín thơm ngon hơn hẳn.
Toàn bộ sản lượng lúa ST24 đều được HTX Giảm nghèo Ea Súp cung ứng cho đối tác ở thị trường các tỉnh, thành phía Bắc và kênh bán hàng riêng của đơn vị. Nhờ đó, HTX đã bao tiêu cho nông dân với giá cao hơn các giống lúa khác cùng thời điểm. Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp cho biết, kết quả đáng mừng trên là tiền đề quan trọng để HTX xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại huyện Ea Súp, tiếp tục mở rộng diện tích canh tác lúa ST24, nhất là lúa canh tác theo quy trình hữu cơ.
Có thể thấy, với nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng gạo, tính thích ứng cùng khả năng chống chịu sâu bệnh cao, lúa ST24 đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt tại những vùng chuyên canh lúa nước trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội “vàng” để các HTX nông nghiệp vùng lúa đầu tư nâng cao giá trị, xây dựng uy tín, thương hiệu để nắm bắt nhu cầu lúa gạo chất lượng cao của thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng hiện nay.
(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Nhiều hoạt động trong bảo đảm chất lượng, an toàn nông sản năm 2020
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý nhà nước về ATTP, hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm ATTP trên địa bàn. Trong đó, nội dung tuyên truyền về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông sản.
Về hình thức tuyên truyền, các UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền có thể bằng Pano treo tại chợ đầu mối, chợ dân sinh, nơi tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tờ rơi tuyên truyền phát cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông sản. Thời gian tập trung tuyên truyền trong quý II và III/2020.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tập trung tập huấn kiến thức cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm nông sản. Nội dung tập huấn về nghiệp vụ quản lý, kiến thức chất lượng ATTP nông sản cho cán bộ làm công tác quản lý các cấp; tập huấn các quy định về bảo đảm ATTP cho đối tượng các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến kinh doanh sản phẩm nông sản; tập huấn kiến thức ATTP cho người tiêu dùng thực phẩm.
Song song với giám sát, cảnh báo nguy cơ về chất lượng, ATTP nông sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã hỗ trợ, phát triển các cơ sở, chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Về việc này, Chi cục sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã đề xuất, khảo sát, lựa chọn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, tham gia các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cam kết bảo đảm ATTP và có nhu cầu nâng cao công tác bảo đảm ATTP, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc, xây dựng và phát triển nhãn hiệu sản phẩm của cơ sở.
Ngoài ra, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm ATTP nông sản trên địa bàn, đặc biệt trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất.