Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Trong bối cảnh hiện tại, để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với cấp mã số; tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh… Việc này không chỉ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu mà còn góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đang gặp không ít khó khăn, thách thức.
Việc kiểm soát chất lượng nông sản góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại thành phố Cần Thơ
Đòi hỏi cấp thiết từ thực tế
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tháng 2-2022 của Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất với giá trị lên tới hơn 2,4 tỷ USD. Kết quả trên cho thấy, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có sự thay đổi (nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường lớn nhất). Do đó, để nông sản Việt Nam có thể chiếm lĩnh những thị trường “khó tính” cần tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo đảm việc xuất khẩu an toàn và bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Na, thành viên Hợp tác xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), từ việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quy trình sản xuất, nhãn chín muộn của Quốc Oai bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Ba Lan, Australia… Các công ty: Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, Công ty thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam… đã ký kết hợp đồng thu mua với sản lượng hơn 100 tấn nhãn chín muộn/năm. Giá trị kinh tế mang lại gấp 2-3 lần so với bán ở thị trường trong nước.
Hiệu quả mang lại từ việc kiểm soát quy trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã rõ. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, việc xây dựng các vùng sản xuất an toàn để mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Nông dân chưa quen với ghi chép nhật ký sản xuất, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc, trong khi việc kiểm tra, giám sát các vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm chưa được chú trọng…
Về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, để kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại một số vùng trồng cây ăn quả, năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy 62 mẫu nhãn quả tại tỉnh Hưng Yên, kết quả phân tích có 5 mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép và qua phân tích 40 mẫu bưởi ở tỉnh Phú Thọ, phát hiện dư lượng 10 loại thuốc bảo vệ thực vật trong tất cả các mẫu. Như vậy, vẫn còn tình trạng nông dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trồng trọt an toàn.
Đóng gói trái thanh long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí
Kiểm soát theo chuỗi sản xuất
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu cần phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam (quận Hoàng Mai) Nguyễn Khắc Tiến, để có vùng nguyên liệu nông sản ổn định, kiểm soát được chất lượng thì việc tổ chức liên kết, hợp tác để có đủ diện tích triển khai những cánh đồng mẫu lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp kiểm soát từ vật tư nông nghiệp đến sơ chế, đóng gói… bảo đảm đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng xuất khẩu.
Mặt khác, để tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm khi kiểm dịch, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho rằng: Các doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; đồng thời giám sát vùng sản xuất, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc phòng thử nghiệm được thị trường xuất khẩu chấp thuận trước khi đóng gói…
Để kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản đặc trưng của Hà Nội, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất an toàn; thường xuyên kiểm tra mẫu đất, mẫu nước; hướng dẫn nông dân từ ghi chép nhật ký sản xuất đến sơ chế, chế biến… bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng phân bón, hóa chất không đúng quy định.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời tập trung kiểm tra, giám sát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu và quản lý chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng…
“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường cập nhật, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu”, ông Lê Quốc Doanh thông tin thêm.
Việc kiểm soát chất lượng nông sản không chỉ mở “cánh cửa” xuất khẩu chính ngạch mà còn để mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở những thị trường mang lại giá trị cao, khó tính…, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, hiện đại, bền vững.
Nguồn: Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/1026315/mo-rong-thi-truong-xuat-khau-nong-san
18 nhóm thực phẩm cần phải đăng ký trước khi sang Trung Quốc
18 nhóm thực phẩm cần phải đăng ký trước khi sang Trung Quốc
Theo Lệnh 248, doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, nhóm thực phẩm là là thịt và các sản phẩm từ thịt, vỏ ruột, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến, sản phẩm từ ong, trứng và các sản phẩm từ trứng, chất béo và dầu thực phẩm, thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mỳ, thực phẩm từ ngũ cốc.
Sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha, rau củ tươi và khô (rau tách nước, sấy), đậu khô, gia vị, các loại hạt (quả hạch) và hạt giống, trái cây sấy khô, hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng.
Đối với sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại trên, doanh nghiệp phải tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện đăng ký.
Việc thực hiện đăng ký được thực hiện thông qua “Ứng dụng quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài” trên cổng thông tin điện tử một cửa thương mại quốc tế của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Thông tin mới nhất từ Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đến ngày 1/3/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.776 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường này.
Nguồn: Lãng Hồng – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
Trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao cho năng suất vượt trội
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang nỗ lực hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Dù là Thủ đô nhưng Hà Nội có diện tích trồng rau lên đến 13.000 ha, trong đó có hơn 5.000ha được chứng nhận sản xuất an toàn.
Đặc biệt, Hà Nội đã cho thấy sự thích ứng linh hoạt với sự phát triển của thời đại bằng cách rất nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện Thủ đô đã hình thành được 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20ha trở lên. Tại các vùng trồng rau đã có 127 ha ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750 m2.
Rất nhiều các tiến bộ khoa học kĩ thuật đã được bà con ứng dụng vào sản xuất như: che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng và nông dân được hướng dẫn kĩ thuật để sản xuất rau an toàn, từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sao cho hợp lý đến đánh giá sâu bệnh hại…
Cũng chính nhờ sản xuất rau an toàn, một bộ phận lớn nông dân đã thay đổi thói quen canh tác, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì được thu gom, tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường.
Hà Nội đang nỗ lực mở rộng diện tích trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao
Đặc biệt nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn, thu nhập của bà con đã tăng đáng kể. Giá trị sản xuất trung bình đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có mô hình đạt hơn 1 tỷ đồng/ha, giá trị sản xuất rau an toàn cao hơn rau thường từ 10-20%.
Trước sự hiệu quả do mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết Sở đang nỗ lực để mở rộng diện tích mô hình này trong thời gian tới.
Về mặt tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nông dân, Sở sẽ có những chương trình phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Sở sẽ tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn và xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật mới.
Không chỉ tuyên truyền, hỗ trợ về vốn và kĩ thuật, Sở NN&PTNT Hà Nội còn kết nối và khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến rau tại địa phương, tạo hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là nền tảng để rau an toàn ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hà Dũng (t/h) – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
EU tài trợ 1,5 triệu euro cho dự án thúc đẩy nông sản Việt đạt chứng nhận sinh thái, công bằng
EU đã quyết định tài trợ 1,5 triệu euro cho dự án Eco-Fair với mục tiêu thúc đẩy xây dựng ngành nông sản Việt Nam bền vững hơn.
Được biết, dự án Eco-Fair ra đời với sứ mệnh thay đổi hành vi của các tổ chức và cá nhân nhằm đưa ra những biện pháp tích cực về xã hội và cải thiện môi trường.
Theo TS Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn (VIRI), Giám đốc dự án Eco-Fair, hiện dự án đã đào tạo hơn 1.000 doanh nghiệp, tiếp cận hơn 1 triệu người tiêu dùng, quảng bá về tiêu dùng bền vững, trong đó đã có 200 doanh nghiệp được đánh giá nhanh về việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Khi các doanh nghiệp được chứng nhận bền vững sẽ được kết nối với khách hàng có yêu cầu mua hàng bền vững trên toàn thế giới. Kỳ vọng doanh số cho các mặt hàng như gạo, điều, rau củ quả chế biến… sẽ tăng lên khoảng 30%.
Đặc biệt, dự án Eco-Fair đang mang đến cho Việt Nam một cơ hội rất tốt để hình thành ngành nông sản bền vững hơn, thông qua việc thu hút các bên liên quan trong chuỗi giá trị gồm khu vực tư nhân, các nhóm người tiêu dùng và nhà hoạch định chính sách để đạt được mục tiêu chuyển sang sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.
Chính vì thế, với nguồn tài trợ của EU cho dự án Eco-Fair, các doanh nghiệp của Việt Nam thuộc các tiểu ngành như gạo, điều, rau củ chế biến, hoa quả chế biến, sản phẩm thủy sản chế biến, sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm… có thể tham gia khóa học trực tuyến về sản xuất bền vững.
Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sản xuất nông sản đạt chuẩn sinh thái, công bằng, qua đó góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cũng nhờ sự tư vấn của dự án, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới sản phẩm bền vững, các chứng nhận sinh thái, công bằng, thiết kế bao bì, kết nối thị trường, tiếp cận tài chính xanh.
Hiện Việt Nam đã có một số doanh nghiệp, HTX hướng tới sản xuất sinh thái, thân thiên với môi trường. Có thể kể đến Hợp tác xã Điều hữu cơ True.coop (Ninh Thuận) được thành lập từ năm 2017 bởi ông Trương Thanh Viện. Đến nay, True.coop đã có 5.000ha vùng nguyên liệu điều đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức Organic USDA, EU va 1 triệu cây điều giống ươm được kiểm duyệt nguồn gốc, xuất xứ.
Hay doanh nghiệp xã hội Minh Phú thực hiện các dự án chứng nhận vùng nuôi tôm sinh thái, hữu cơ trong rừng đước tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vừa bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, phát triển nghề nuôi tôm rừng truyền thống vừa thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa của nghề nuôi tôm; xây dựng hình ảnh thương hiệu và nâng cao giá trị tôm sinh thái, hữu cơ như đặc sản của địa phương. Hiện Minh Phú có 9.722ha nuôi tôm sinh thái hữu cơ với 2.010 hộ tham gia và đã xuất khẩu tôm hữu cơ đến nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Canada…
Nguồn: Hà Dũng (t/h)
Tăng cường sức khoẻ cho vật nuôi khi thời tiết giá rét
Tăng cường sức khoẻ cho vật nuôi khi thời tiết giá rét
Để tăng cường sức khoẻ cho vật nuôi, giúp vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm KNQG) chia sẻ, người chăn nuôi cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng: Chuồng nuôi phải phù hợp với đối tượng, lứa tuổi vật nuôi, đảm bảo ấm nhưng vẫn phải đủ thông thoáng, sạch sẽ, mật độ nuôi hợp lý, đặc biệt chú ý chuồng úm gia súc, gia cầm non. Dùng bóng/chụp sưởi điện là tốt nhất; khi đốt sưởi bằng củi, trấu, mùn cưa, cần có ống dẫn khói lên cao, ra khỏi chuồng nuôi, không để khói vào chuồng nuôi sẽ ảnh hưởng sức khoẻ vật nuôi.
Thức ăn đầy đủ, đảm bảo chất lượng và số lượng. Đặc biệt gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, ngựa). Thông thường, lượng thức ăn thô, xanh cần cho 1 gia súc bằng khoảng 10%, lượng thức ăn tinh bằng 1% khối lượng cơ thể, những gia súc chưa quen ăn thức ăn tinh thì cần cho gia súc ăn ít một, tăng dần đến 1% (trong khoảng 5-7 ngày).
Khi nhiệt độ xuống thấp hơn 1°C thì nhu cầu năng lượng tăng thêm 1 – 2%, tuỳ đối tượng vật nuôi, điều kiện thời tiết, có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Đặc biệt, những ngày mưa và rét hoặc nhiệt độ dưới 12°C không nên chăn, thả gia súc, gia cầm (nhưng chuồng nuôi đảm bảo đủ diện tích cho vật nuôi vận động).
Hai là, công tác vệ sinh phòng bệnh: Tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt công tác cách ly, ngăn chặn các loại mầm từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi và ngược lại. Cách ly và kiểm soát vật nuôi mới nhập về (Mua con giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh, cách ly ít nhất 14 ngày).
Hạn chế khách tham quan, người vào khu chăn nuôi cần có quần áo, bảo hộ lao động đảm bảo vệ sinh dùng riêng trong khu chăn nuôi, đi từ khu sạch sang khu bẩn, hạn chế đi lại giữa các khu.
Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Kiểm soát thức ăn, nước uống. Kiểm soát động vật khác, côn trùng: Ngăn các động vật khác (chó, mèo, chuột, chim, côn trùng…) vào chuồng nuôi.
Vệ sinh làm sạch chuồng nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi là biện pháp rất hiệu quả trong việc thực hiện chăn nuôi an toàn, việc vệ sinh làm sạch giúp loại bỏ trên 80% mầm bệnh tại trại chăn nuôi.
Ngoài ra, khủ trùng là một trong 3 nguyên tắc quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học, tuy nhiên hiệu quả của việc khử trùng tùy thuộc vào chất lượng của việc vệ sinh làm sạch trước đó. Mục đích khử trùng nhằm loại bỏ những mầm bệnh còn sót lại sau khi đã vệ sinh làm sạch chuồng trai, dụng cụ và thiết bị phục vụ chăn nuôi.
Ba là, Chủ động dùng vắc xin phòng bệnh theo lịch trình hoặc hướng dẫn của cơ quan thú y. Bổ sung vitamin, men tiêu hóa và các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ hoặc khi có yếu tố bất lợi để tăng sức kháng bệnh cho vật nuôi.
Thường xuyên quan sát đàn vật nuôi để sớm phát hiện, thải loại những vật nuôi ốm, yếu ra khỏi đàn và xử lý, điều trị nếu cần thiết…
Nguồn: An Lãng – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ
Mở rộng làn xe xuất nhập khẩu ở Tân Thanh
Mở rộng làn xe xuất nhập khẩu ở Tân Thanh
Tỉnh Lạng Sơn sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm tra, kiểm soát để tuyến đường vận tải hàng hóa Tân Thanh – Pò Chài có quy mô 4 làn xe xuất nhập khẩu.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả phòng chống dịch tại các khu vực cửa khẩu.
Trong quý I/2022, tỉnh sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc) được vận hành với quy mô 4 làn xe xuất nhập khẩu; sớm hoàn thành việc cải tạo, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu song phương Chi Ma thành 4 làn xe xuất nhập khẩu.
Về lâu dài, tỉnh Lạng Sơn xác định đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển các dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch Khu kinh tế cửa khẩu.
Tỉnh cũng tiếp tục tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) như đề nghị thống nhất xác nhận thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm; bổ sung vào phụ lục về vị trí, loại hình, thời gian mở, thời gian làm việc của cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc;
Thực hiện các thủ tục đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 vào hoạt động chính thức và trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); xây dựng cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) thành cửa khẩu kiểu mẫu.
Xác định “cửa khẩu số” có vai trò đầu tàu, thống nhất, dẫn kéo sự phát triển nhanh hơn cho mọi chủ thể tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thêm dư địa lớn hơn cho môi trường xuất nhập khẩu Lạng Sơn, do đó, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị và Cửa khẩu Tân Thanh.
Từ đó tạo ra một nền tảng số ứng dụng cho các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm tự động hóa quy trình, công khai minh bạch, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh bổ sung thêm chức năng chống vượt tuyến, xếp lốt để giám sát hoạt động xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu khai báo sử dụng nền tảng cửa khẩu số khi đến cửa khẩu phải thực hiện theo đúng quy trình, tránh trường hợp tiêu cực, vượt tuyến, tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, bổ sung chức năng kiểm tra, kiểm soát, khai báo y tế đối với người và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành; thiết lập “cửa khẩu xanh” để bảo đảm thông quan hàng hóa cho cả nước; các doanh nghiệp bắt buộc phải khai báo 100% trên “cửa khẩu số” khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại Hữu Nghị, Tân Thanh từ 21/2 tới.
Nguồn: Lãng Hồng (t/h) – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ
Thủy sản vẫn là ‘điểm sáng’ của ngành nông nghiệp
Thủy sản vẫn là ‘điểm sáng’ của ngành nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra thực tế tại khu vực Cảng cá Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), đồng thời động viên ngư dân vững tin bám biển.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định thể chế, hạ tầng, nhân lực chất lượng cao của ngành thủy sản còn lắm hạn chế. Bên cạnh sự tác động của dịch bệnh, thất thoát quá lớn sau khai thác thực sự là điều đáng tiếc. Công tác chế biến và chế biến sâu còn thô sơ, doanh nghiệp tham gia ít, quy mô nhỏ…
Tuy nhiên, rào cản đặt ra không hề nhỏ, tuy nhiên được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ toàn ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là thủy sản nói riêng đã tạo nên màn bứt phá ngoạn mục, các chỉ số về sản lượng khai thác (3,92 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020), nuôi trồng (4,81 triệu tấn, tăng 1%), xuất khẩu (8,89 tỷ USD)… đều rất ấn tượng, qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH của cả nước, nhất là trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.
“Năm 2021 khép lại với những kết quả rất khả quan, đây là cũng năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Bộ NN-PTNT đã chủ động phối hợp sát sao với các Bộ, ngành, các tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch ngay từ ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu.
Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao sự nỗ lực của Nghệ An, tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất, ổn định nhất trong năm 2021. Riêng về lĩnh vực thủy sản, thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh và các sở, ngành, qua đó tạo tiền đề bứt phá”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao quà, động viên ngư dân vùng biển Quỳnh Phương. Ảnh: Việt Khánh.
Về phía địa phương, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Năm qua vô cùng vất vả, dịch bệnh Covid-19 càn quét buộc 125.000 người lao động xa quê phải trở về, những ngày đầu áp lực đặt ra rất lớn. Tuy nhiên được sự quan tâm sau sát của Trung ương, của Chính phủ, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, từng bước nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đến nay cuộc sống của người dân cơ bản ổn định.
Trong bức tranh tổng quan chung nông nghiệp chính là điểm sáng, đóng góp quan trọng vào việc ổn định tình hình xã hội. Nông nghiệp tạo dấu ấn đậm nét, trong đó thủy sản chính là ngôi sao sáng của ngành”.
Nhìn nhận năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các địa phương, bao gồm Nghệ An, một tỉnh trọng điểm về nông nghiệp nhập cuộc quyết liệt, triển khai phương án phù hợp nhằm ra sức thúc đẩy phát triển toàn diện, từ trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản cho đến chăn nuôi, nỗ lực giữ vững trọng trách lá cờ đầu và ngày càng có đóng góp quan trọng hơn cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.
Nguồn: Xuân Hiền (T/h) – Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ
Gạo Việt nhận được nhiều ưu đãi tại thị trường EU
Gạo Việt nhận được nhiều ưu đãi tại thị trường EU
Mặc dù, những ngày cuối năm 2021, giữa bộn bề khó khăn do tác động của dịch Covid-19, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cũng hoàn thành lô gạo xuất khẩu cuối cùng của năm 2021 với số lượng 4.170 tấn, gồm gạo thơm và gạo trắng.
Gạo Việt Nam tỏa hương thơm ngát đất trời Châu Âu
Theo Cục Xuất nhập khẩu cho biết: “Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Đồng thời, Thị trường xuất khẩu là châu Âu (EU) và được doanh nghiệp sử dụng tàu rời (bulk carrier) lần đầu tiên để vận chuyển nhằm tiết kiệm chi phí tại thời điểm phí vận chuyển bằng container đang rất cao do ảnh hưởng Covid-19.
Theo đó, năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo đến EU, Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á, đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 dù chưa ghi nhận sự gia tăng mạnh về khối lượng nhưng giá xuất khẩu và trị giá thu về đã tăng lên đáng kể với 53.910 tấn, trị giá 38,07 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 0,8% về lượng nhưng trị giá thu về tăng tới 21,6%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận tải biển đi châu Âu tăng mạnh và nhập khẩu gạo của EU giảm trong năm nay.
Mặc dù EU hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) nhưng đây lại là thị trường tiềm năng về xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao.
Trong 11 tháng năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 37.390 tấn, trị giá 26,82 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU. Tỷ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70% trong 11 tháng năm 2021 so với 64% của cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu gạo của EU trong 9 tháng đầu năm 2021 đã giảm 10,9% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 2,63 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong số 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU trong 9 tháng năm 2021, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU đạt mức tăng mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.
Do đó, dù lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu thu về vẫn tăng 13,2%, đạt 34,03 triệu USD.
Cùng với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới.
Đối với Việt Nam, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của mặt hàng nông sản, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Nhưng nông sản Việt mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, riêng gạo chỉ chiếm hơn 1% thị phần. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá.
Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An…
Trong những năm qua, một trong những nguyên nhân cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường EU là bởi thuế suất EU áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao.
Đồng thời, Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác như Thái Lan, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Pakistan được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan và các nước kém phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.
Tuy nhiên, theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).
Ngoài ra, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm.
Điều mà Cục Xuất nhập khẩu lo ngại là dịch bệnh và giá cước vận tải biển tăng cao có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU trong năm 2022. |
Nguồn: Xuân Hiền – Tạp chí Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam
Xuất khẩu rau quả đón tin vui đầu năm
Xuất khẩu rau quả đón tin vui đầu năm
Nhiều xe nông sản ở cửa khẩu với Trung Quốc đã được thông quan sớm hơn dự kiến giúp ngành rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu 4 tỉ USD.
Ngày 5-2, tức mùng 5 Tết, thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay nhiều xe container chở chuối, thanh long,… đã được xuất khẩu sang Trung Quốc từ mùng 3 Tết. Đây là tin vui cho ngành rau quả Việt Nam bởi trước đó phía Trung Quốc thông báo sẽ nghỉ Tết dài ngày, khiến giao thương ách tắc.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, chiếm đến 53,7% thị phần trong năm 2021, tương đương hơn 1,9 tỉ USD giá trị. Từ năm 2019 kể về trước, Trung Quốc từng chiếm hơn 70% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
Sơ chế chuối xuất khẩu đầu năm 2022 – Ảnh: NGỌC ÁNH
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông lệ hằng năm vào mùa Xuân, giá trái cây sẽ ở mức cao do Trung Quốc vẫn còn mùa lạnh, hàng nội địa ít nên cần nhập khẩu trái cây số lượng lớn. Thống kê sơ bộ tháng 1-2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 301 triệu USD tăng 0,3% với tháng 12-2021, tháng cao điểm xuất khẩu của năm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường truyền thống của ngành. Rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc có lợi thế là thị trường gần nhưng 2 năm nay giá trị xuất khẩu lại giảm. Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến thị trường này để tránh bị mất thị phần vào Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia,… bằng cách nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc để có giải pháp thích ứng phù hợp. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, nâng cao năng lực để đáp ứng các quy định mới về nhập khẩu nông sản thực phẩm của họ.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2021 dù rất nhiều khó khăn nhưng ngành rau quả đã đạt giá trị xuất khẩu 3,551 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2020 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Do đó, năm nay, nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được giữ vững thì mục tiêu xuất khẩu 3,8-4 tỉ USD có thể thành hiện thực.
Nguồn: NGỌC ÁNH (NLĐ) – Tạp chí Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam
Thực hành nông nghiệp thông minh giúp nâng cao hiệu quả sản xuất 15-20%
Thực hành nông nghiệp thông minh giúp nâng cao hiệu quả sản xuất 15-20%
Ngày 20/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo trực tuyến tổng kết hợp phần 3 (Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu) thuộc Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7).
Hội thảo trực tuyến tổng kết hợp phần 3 Dự án WB7. Ảnh VGP/Đỗ Hương
Dự án WB7 gồm 4 hợp phần: Hỗ trợ cải thiện quản lý tưới; Nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống tưới; Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và Quản lý dự án và giám sát, đánh giá, đào tạo.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trong bối cảnh chịu nhiều rủi ro, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, ngành nông nghiệp vẫn luôn phải đảm bảo các mục tiêu quốc gia liên quan đến an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Dự án WB7 và được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ với tổng kinh phí là 210 triệu USD, trong đó có 180 triệu là vốn vay ODA và 30 triệu là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Triển khai từ năm 2014, Dự án WB7 góp phần cải thiện dịch vụ tưới, tiêu cho hơn 93.000 ha canh tác thuộc 7 tỉnh, thành phố (Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam). Số người được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án là hơn 245.000 hộ nông dân. Hệ thống các công trình thủy lợi của 7 tỉnh đã được nâng cấp và đáp ứng các công nghệ mới nhất.
Dự án cũng đã xây dựng 49 mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm: 14 mô hình chuyên canh lúa và lúa – màu; 12 mô hình sản xuất rau – màu; 5 mô hình trồng chuyên rau; 12 mô hình trồng cây ăn quả; 3 mô hình cây công nghiệp dài ngày (chè và hồ tiêu); hỗ trợ 3 trung tâm giống cây trồng.
Cây trồng canh tác tại 49 mô hình thực hành là các giống cây trồng chủ lực, có giá trị về an ninh lương thực và hàng hóa đặc hữu tại từng địa phương như lúa, các loại rau màu, cây ăn quả và cây lâu năm khác.
Cùng với sự đồng thuận tham gia của người dân, Dự án đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất từ 15% đến 20% so với phương thức canh tác truyền thống, qua đó thu nhập của các hộ nông dân đã được cải thiện rõ rệt.
Những kết quả đạt được của dự án đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp cũng như Chiến lược Phát triển thủy lợi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
“Bộ NN-PTNT đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, Ban Quản lý Dự án các cấp và chính quyền địa phương của 7 tỉnh, vùng Dự án đã tích cực phối hợp với nhà tài trợ thực hiện thành công Dự án trong thời gian qua”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh, thông qua việc đánh giá toàn bộ kết quả Dự án, đặc biệt đánh giá những bài học kinh nghiệm, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các nhà tài trợ xây dựng các dự án nhân rộng gói kỹ thuật nông nghiệp thông minh. Đây cũng là sự mong đợi của nông dân các địa phương cũng như mong muốn của Bộ NN-PTNT cũng như các nhà tài trợ trong thời gian tới.
Nguồn: V.A (tổng hợp) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn