Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam thành công xuất khẩu lô cà phê đầu tiên sang châu Âu
Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam thành công xuất khẩu lô cà phê đầu tiên sang châu Âu
Ngày 16/9 vừa qua, tại Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, đã tham dự lễ xuất khẩu cà phê đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, toàn bộ các sản phẩm cà phê bao gồm chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%. Đồng thời, EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường EU.
Trong đợt xuất khẩu đầu tiên này, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container với số lượng 296 tấn sang Cảng đến Hamburg, Antwerp của Đức và Bỉ.
Tại buổi Lễ xuất khẩu cà phê đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA do Bộ NN & PTNT, UBND tỉnh Gia Lai và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (thành phố Pleiku, Gia Lai) tổ chức, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, từ nhiều năm nay Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, ngành hàng cà phê còn là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, cà phê Việt Nam có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, EU là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 3% GDP cả nước. Với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, triển khai Hiệp định EVFTA cho thấy những kết quả tích cực. Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020. Trong thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam sẽ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho cà phê Robusta toàn cầu.
Để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả, đặc biệt trong ngành hàng cà phê, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.
Cùng đó, đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sở chế bảo quản các sản phẩm cà phê; chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần cà phê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.

Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cần nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp thông tin kịp thời cho các thành viên về cơ chế, chính sách ưu đãi, hàng rào về kỹ thuật, thông tin thị trường để các doanh nghiệp sớm nắm bắt và có điều chỉnh kịp thời.
Các doanh nghiệp chủ động chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với các sản phẩm cà phê. Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm đặc biệt là công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm cà phê xuất khẩu sang châu Âu. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cà phê.
Cũng tại buổi lễ, đại diện thành viên EU tại Việt Nam đánh giá cao lợi thế của ngành cà phê Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nếu Việt Nam tổ chức thực hiện được chứng nhận đảm bảo nguồn gốc xuất xứ thì xem như đã làm được 50% yêu cầu trong quy trình xuất khẩu sang EU.
Tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã tiến hành đi thăm dây chuyền chế biến cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, chứng kiến hoạt động xếp hàng vào container.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu cà phê của Việt Nam vinh dự xuất lô sản phẩm cà phê đầu tiên đi châu Âu. Để vào được thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này. Khi sản phẩm cà phê được vào thị trường các nước EU, các hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, theo đó thuế trở về bằng 0%, giá trị đem lại cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu được bền vững.
Tuy nhiên, sản phẩm cà phê bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, thực thi các quy trình của Hiệp định EVFTA đã được kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Hằng năm, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 50-70 tấn cà phê các loại cho thị trường thế giới, trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%. Doanh thu kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Niên vụ 2019-2020, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất sang thị trường Châu Âu khoảng 34.000 tấn cà phê, gồm các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê tinh và cà phê sạch.
Hiện sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã đạt toàn bộ các chứng chỉ Quốc tế cho 25.000 ha cà phê của đơn vị. Từ các chứng chỉ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, kể cả chứng chỉ của các tổ chức bền vững; trong đó, có Hà Lan về FOSI, DELFORES. Đặc biệt, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Hoa Kỳ.
Theo Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn
Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)
Ngày 6/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA”.

Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Chương trình hành động của Chính phủ thực thi EVFTA được Thủ tướng ký (vào hôm qua, 5/8) với 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.
EVFTA là một FTA thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường thì hiệp định sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó. Theo một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới, nếu thực hiện đồng thời cả EVFTA và CPTPP thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.
Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định và tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh EVFTA là “con đường cao tốc” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU quy mô 15.000 tỷ USD. Nhưng đây cũng là thị trường tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe nên sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, thiếu sáng tạo. “EVFTA là điều kiện để doanh nghiệp Việt nâng cấp chính mình để vào chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu, nhất là khi nhiều tập đoàn EU đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam”.
Thủ tướng cũng cho rằng, tồn tại lớn nhất là nhận thức hạn chế của các doanh nghiệp về hiệp định thương mại tự do này, nên việc tận dụng cơ hội khiêm tốn. Chưa kể, EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh “cơn gió ngược dữ dội từ Covid-19” khiến chuỗi cung ứng, thị trường toàn cầu bị xáo trộn. Dù thế, EVFTA vẫn được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu mỗi bên.
Để “đường cao tốc tới EU” thông thoáng, Thủ tướng nêu các yêu cầu về truyền thông, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cạnh tranh trên thị trường nội địa với sản phẩm EU….
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh – cơ quan giữ vai trò chính trong thực thi chương trình hành động thực thi EVFTA, cho rằng xoá bỏ những rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cải cách hành chính là điều kiện giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa cơ hội EVTA đem lại.
Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói cần thay đổi thế chế quyết liệt nếu “không muốn doanh nghiệp Việt bị loại bỏ khỏi cuộc chơi”. Người đứng đầu ngành nông nghiệp hứa trong lĩnh vực ngành sẽ tạo mọi cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Thực hiện hiệp định này với quan điểm cả hai cùng thắng chứ không riêng với Việt Nam, để khai thác hết hiệu quả của hiệp định. Muốn vậy chúng ta phải vượt lên chính mình thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp”.
Nhấn mạnh “buộc phải thay đổi nếu muốn thích ứng, tận dụng cơ hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động, kịp thời ban hành các văn bản pháp luật, nội luật hoá cam kết và hướng dẫn thực thi EVFTA.
Với các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng khuyến nghị “phải thay đổi tư duy quản lý, kinh doanh, chú ý hơn bảo đảm nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường”. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ làm vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp chính mình để nắm bắt cơ hội mà EVFTA đem lại.
(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, các lĩnh vực từ trồng trọt đến chăn nuôi trên địa bàn huyện đều đã đưa máy móc vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình trong sản xuất lúa gạo, khâu làm đất đạt trên 95%; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 100%; thu hoạch đạt 100%; tưới tiêu đạt 100%…

Ông Đỗ Đức Thiềm, thành viên của HTX cho biết, khi tham gia vào HTX, các thành viên được hướng dẫn canh tác theo quy trình, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ; dùng thuốc sinh học, hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu độc hại, bảo đảm chất lượng hạt gạo an toàn. Bên cạnh đó, khi tham gia sản xuất, bà con nông dân được hỗ trợ giống, phân bón trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra với giá ổn định.
“Đường cao tốc” đưa nông sản Việt đến châu Âu
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, EVFTA là “đường cao tốc” để nông sản Việt đi vào thị trường rộng lớn của 27 quốc gia châu Âu.
Phát biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản – Hành động tiếp cận EVFTA” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 30/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, là văn bản điều chỉnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đề cập đến các văn đề về trao đổi hàng hóa, xuất xứ, quy cách phẩm chất, biểu thuế đối với từng mặt hàng….
Hội thảo “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản – Hành động tiếp cận EVFTA” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 30/7 tại Hà Nội.
“Trong đó với lĩnh vực nông nghiệp ngoài các nội dung lồng ghép về các quy định chung còn được dành riêng chương 6 cho nội dung về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật chắc chắn cần có sự nghiên cứu trao đổi, đánh giá và tìm ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp”, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Hoàng Quang Phòng đánh giá cao ý tưởng tổ chức hội thảo dành riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và trao đổi sâu hơn về các khía cạnh mang tính kỹ thuật tác động đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Chủ tịch VCCI kỳ vọng những thông tin mang lại sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động và tận dụng được các mặt tích cực và Hiệp định mang lại, tránh được các rủi ro có thể có trong quá trình hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế quan trọng này.
Trên thực tế, EVFTA đi vào thực thi, các rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ dần được xóa bỏ giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế, các rào cản phi thuế quan lại không bị chối bỏ hoàn toàn, ngược lại, có xu hướng được sử dụng ở nhiều hình thức tinh vi hơn khi mức thuế quan tiến về 0% theo cam kết của EVFTA, trong đó gồm các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng rau quả xuất khẩu (XK) sang 27 nước thuộc EU.
Trao đổi với các doanh nghiệp, TS Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, SPS là những nội dung liên quan an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, rào cản sẽ ngày càng phức tạp với các FTA mới được ký kết, đặc biệt là với EVFTA.
Theo đó, các mặt hàng rau quả phải đáp ứng tất cả quy định chung về thực phẩm theo Luật Thực phẩm tổng hợp của EU (EU General Food Law), luật này cũng có các yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc. Các loại thực vật và các sản phẩm thực vật, kể cả rau quả có xuất xứ từ những khu vực không xác định được, bị nhiễm sinh vật gây hại sẽ không được phép nhập khẩu vào EU.
Cùng với đó, quy định về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của EU còn đưa ra 7 nguyên tắc cần phải thực hiện nhằm ngăn chặn các mối nguy hại trong quá trình sản xuất ra thành phẩm.
Đối với rau quả tươi, EU thường yêu cầu người XK phải có giấy chứng nhận về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) hay các chứng nhận an toàn thực phẩm khác. Ngoài đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, GlobalGAP còn liên quan tới đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường và xã hội thông qua giảm lượng hóa chất sử dụng, có trách nhiệm về sức khỏe và an toàn lao động. GlobalGAP được phát triển từ EurepGAP. Phạm vi EurepGAP gồm: sản xuất quả, rau, khoai tây, salad, hoa cắt cành và gia súc chăn nuôi.
Quy định chung về kiểm soát, kiểm tra sản phẩm: Tất cả sản phẩm nhập khẩu vào EU đều bị kiểm tra xem sản phẩm có phù hợp theo các quy định trong luật về thực phẩm có liên quan của EU.
Trong chính sách an toàn thực phẩm, EU cũng đưa ra tiêu chí về nhiễm vi khuẩn trong thực phẩm (thực phẩm có mang vi sinh vật, độc tố, chất chuyển hóa của nó), quy định về dư lượng tối đa chất gây ô nhiễm trong sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể.
Các lô hàng nhập khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận vệ sinh và an toàn thực vật để thể hiện tình trạng sản phẩm, biện pháp kiểm tra và chữ ký xác nhận của cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia trước khi gửi hàng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đồng Quảng, Nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ khoa học Bộ Nông nghiệp cũng đã chỉ ra 5 thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Cụ thể, thứ nhất, là các quy đinh về xuất xứ hàng hóa. Nếu không bảo đảm các quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan tối huệ quốc (MFN) hoặc ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), chứ không được áp thuế xuất 0% trong EVFTA.
Thứ hai, quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch động thực vật. EU yêu cầu rất khắt khe về ATTP, kiểm dịch động thực vật trong khi sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, ý thức tuân thủ của nông dân chưa cao…
Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thứ tứ, thương mại công bằng phát triển bền vững. Thứ năm, các thủ tục điều kiện xuất khẩu vào EU. Việt Nam và EU cam kết áp dụng chung một hệ thống các thủ tục, điều kiện nhập khẩu đối với sản phẩm đến từ bất kỳ khu vực nào của bên kia.
Do đó, chuyên gia nhấn mạnh cần nghiên cứu nắm vững các quy định của EU về an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng như tổ chức sản xuất theo công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tốt khâu bảo quản, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, HACCP…
Tại Hội thảo, các chuyên gia thống nhất cho rằng, bên cạnh nắm bắt các quy định, doanh nghiệp cần chủ động gắn kết các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, XK với vùng nguyên liệu.
Chú trọng xây dựng và bảo vệ hình ảnh, uy tín thương hiệu mặt hàng rau quả cũng như lập ra kế hoạch phổ biến, rộng rãi thương hiệu rau quả Việt Nam đến thị trường EU-27 bằng nhiều hình thức.
Tăng cường xây dựng mối quan hệ tốt, bền vững với các nhà nhập khẩu EU-27 nhằm giúp cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó tốt với các rào cản rau quả của thị trường này.
Nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng cao, đội ngũ cán bộ cần nắm vững tiêu chuẩn chất lượng rau quả, có khả năng kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, quy trình kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của EU…
“Sản xuất hữu cơ vẫn phải là hướng đi trong thời gian tới, đặc biệt để vào thị trường EU. Chúng ta thực tế đã chậm hơn một bước, Chương trình organic Thái Lan đã ban hành cách đây hơn 10 năm, chúng ta gần đây mới ban hành được một nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Chúng ta cần thúc đẩy nhanh hơn hướng đi này”, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS đánh giá.
(Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
VITAD-AGRI và VCCI đã phối hợp tổ chức buổi tập huấn hội thảo” Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản- Hành động tiếp cận EVFTA” ngày 30/7/2020
Để giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ động bắt kịp, tận dụng tốt cơ hội ngay từ khi hiệp định có hiệu lực, VITAD-AGRI và VCCI đã phối hợp tổ chức buổi tập huấn hội thảo” Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản- Hành động tiếp cận EVFTA”.
Mục đích của buổi Tập huấn- Hội thảo là nhằm trang bị các kiến thức cần thiết của EVFTA liên quan đến xản xuất và xuất khẩu nông sản sang thị trường EU; Tạo lập liên kết chuỗi giữa sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản; Đề xuất các chính sách nhằm chủ động, đẩy nhanh quá trình và nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA trong sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Các mục tiêu cụ thể:
- Xác định rõ các ngành hàng nông sản và các yêu cầu đặt ra với từng mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU (gồm i) Ngành hàng trồng trọt; ii) Ngành hàng chăn nuôi và iii) Ngành hàng thủy hải sản).
- Xác định và đề xuất những giải pháp, chính sách và lộ trình nhằm đẩy nhanh xuất khẩu nông sản sang thị trường EU (Theo từng ngành hàng)..
- Tạo lập liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường EU (Theo từng ngành hàng).
- Các mục tiêu sẽ được giải đáp, hướng dẫn cụ thể với những nội dung sau:
– Lộ trình thuế về 0% đối với các sản phẩm NN xuất khẩu của VN;
– Những sản phẩm hưởng thuế ưu đãi nhưng áp dụng hạn ngạch XK;
– Trình tự thủ tục thực hiện quy định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa XK;
– Yêu cầu, thủ tục về quy định an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thức vật đối với nông sản XK;
– Quy định về chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu;
– Yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
– Những ngành hàng nông sản XK có lợi thế canh tranh cao nhờ VEFTA, những khó khăn và giải pháp
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo, Tập huấn “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản-Hành động tiếp cận EVFTA” ngày 30/7/2020
Nông nghiệp Thủ đô tạo bước chuyển mới
(HNM) – 6 tháng đầu năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh quý I-2020 tăng trưởng âm và dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, có thể xem đây là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,12% trong năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần quyết liệt tạo bước chuyển mới trên cơ sở bám sát diễn biến thời tiết, kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư…
Lấy lại đà tăng trưởng
Đến thời điểm này, có thể khẳng định nông nghiệp Hà Nội đã có những chuyển động mới rất đáng ghi nhận. “Nếu như quý I-2020, Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng âm 1,17% thì bước sang quý II-2020 đã có bước đột phá, đưa tăng trưởng ngành trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 1,61%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nông nghiệp cả nước chỉ tăng 1,18% trong nửa đầu năm 2020…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết.
Kết quả này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực. Trước hết, diện tích lúa xuân không tăng nhưng năng suất tăng đáng kể, đạt khoảng 60-61 tạ/ha. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, trước kia lúa xuân tại địa phương cho năng suất 58-60 tạ/ha thì vụ này đạt 63 tạ/ha. Tương tự, diện tích rau vẫn duy trì hơn 23.020ha, nhưng tăng diện tích rau an toàn, rau VietGAP, hữu cơ… nên năng suất rau các loại đạt 230,23 tạ/ha (bằng 102,37% so với năm trước).
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, huyện đã tập trung phát triển cây lúa với 70% diện tích là giống chất lượng cao. Năng suất lúa xuân năm nay của Thanh Oai cao nhất thành phố, đạt 63tạ/ha.
Trong khi đó, sản lượng thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt 52,52 nghìn tấn, bằng 106,02% so với cùng kỳ năm 2019… Ông Lê Văn Tín, xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Gia đình tôi nuôi trồng theo phương thức thâm canh với các giống cá giá trị cao nên chỉ với hơn 1ha đã có thể nuôi 3 lứa cá, tăng 1 lứa so với trước, doanh thu đạt 500 triệu đồng”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn thông tin thêm: “Trong 6 tháng qua, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 3.820ha và sản lượng đạt 9.167 tấn, tăng lần lượt 10,5% và 6,05% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố tăng 700ha thì riêng huyện Ứng Hòa đóng góp 420ha”.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đàn lợn của thành phố được khôi phục mạnh mẽ, hiện là 1,3 triệu con (bằng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh chăn nuôi lợn nói riêng, gia súc nói chung, nhiều địa phương cũng chú trọng phát triển chăn nuôi gia cầm. Đơn cử, trong 6 tháng qua, giá trị các sản phẩm gia cầm công nghệ cao của huyện Thanh Oai đạt gần 700 tỷ đồng.
Tạo đột phá mới
Giải thích về sự phục hồi tăng trưởng của ngành Nông nghiệp thời gian qua, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: “Trước hết là nhờ những định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương. Tiếp đến là sự chủ động nắm bắt thị trường, diễn biến thời tiết để có những điều chỉnh cụ thể của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân. Bên cạnh đó, sự phát triển của các chuỗi, mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã tạo đột phá mới, bởi các mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với sản xuất bình thường. 141 chuỗi liên kết, 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ tiếp tục được nhân rộng, là điểm tựa để Nông nghiệp Thủ đô bứt phá trong 6 tháng cuối năm”.
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 4,12% trở lên trong năm 2020, góp phần vào tăng trưởng chung của thành phố đồng thời cung cấp ổn định lương thực, thực phẩm cho người dân, Sở NN&PTNT đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng. Trong đó, trồng trọt tăng 0,28%; chăn nuôi tăng 7,47%, thủy sản tăng 6,52%… Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản tương đối khả quan, còn trong lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào các giống rau, hoa, cây quả chất lượng cao, giống ngắn ngày với diện tích tăng thêm khoảng 600ha; đồng thời tăng cường chăm sóc mở rộng diện tích cho thu hoạch đối với cây ăn quả.
Về chăn nuôi, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, bên cạnh nỗ lực khôi phục đàn lợn lên 1,8 triệu con như trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi, sẽ tập trung tăng đàn bò, đàn gia cầm… Với nuôi trồng thủy sản duy trì diện tích khoảng 24.000ha, nhưng mở rộng các mô hình nuôi trồng theo phương thức thâm canh để đạt hiệu quả lớn hơn.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư; tận dụng tối đa nguồn lực từ các sản phẩm của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để kết nối và mở rộng thị trường.
Trong 282 dự án Hà Nội mời gọi đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 27-6 vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp có 15 dự án. Đây sẽ là những dự án tiềm năng, góp phần giúp ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng tốc trong thời gian tới
(Nguồn: Hà Nội Mới)
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020
Sáng ngày 29/6, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của các Thứ trưởng và các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19, dịch bệnh lan tỏa cả thế giới làm “đứt, gãy” các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn phải đương đầu với tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL…
Tuy nhiên nhìn lại 6 tháng đầu năm, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính Phủ, sợ hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, mức tăng trưởng 6 tháng vẫn duy trì ở mức khá: tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; tốc độ tăng GDP ước đạt trên 1%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 18,8 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt quý II, ngành nông nghiệp đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng với giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%; trong nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực – thực phẩm tiêu dùng trong thời gian cao điểm dịch bệnh và vẫn đảm bảo phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, cơ cấu lại ngành tiếp tục được triển khai tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng; các khó khăn vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu đã được giải quyết; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, tái đàn lợn được thực hiện tốt; và nguồn nước được điều tiết kịp thời phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và phòng chống cháy rừng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị
Để đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn hơn của toàn ngành nông nghiệp. Do đó, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Trong bối cảnh đó, toàn ngành phải đối phó kép để thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề mà Chính phủ giao (tăng trưởng GDP từ 2,8 đến 3,2%).
Đặc biệt, bằng mọi giá phải hoàn thành hai mặt trận, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn. Đảm bảo nhu cầu sử dụng thịt, trứng, sữa, rau… cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 42 tỷ USD.
“Chúng ta phải nhìn lại cục diện bất thuận, thách thức trong 6 tháng qua và các tháng tiếp theo, từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch điều hành và hành động đồng bộ tất cả các khu vực, từ hành chính, sự nghiệp cho đến các doanh nghiệp. Phương châm là với thách thức kép thì phải quyết tâm và cố gắng thực hiện 2-3 lần”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Khi đứng trước khó khăn, thách thức lớn, chúng ta phải tập trung trí tuệ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, không bàn lùi, không thay đổi mục tiêu kế hoạch năm 2020 mà Chính phủ giao.
(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Khoa học và công nghệ là đòn bẩy tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh và các đơn vị chức năng của hai Bộ.
Phát biểu khai mạc buổi họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối cùng có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị tổng kết Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012; cũng như đánh giá kết quả đạt được việc triển khai phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2016-2020 đã phê duyệt tại Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng và chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 10 năm 2021 – 2030 và Bộ KH&CN phê duyệt các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2030. Năm 2020 cũng là năm tổng kết nhiều chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ KH&CN với các bộ, ngành. Nội dung và mục tiêu các Chương trình phối hợp cần được rà soát và ký kết cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025. Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn số 254/BKHCN-KHTC ngày 07/02/2020 về hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm 2020 gửi đến các Bộ, ngành đầu mối kế hoạch. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 14/4/2020 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Do đó buổi họp hôm nay hai Bộ không chỉ đánh giá kết quả đạt được về hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua mà rất cần thiết phải chỉ ra được những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 để đưa vào kế hoạch năm và kế hoạch 5 năm.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học, hai Bộ thống nhất những nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong năm tới và các năm tiếp theo là: Thống nhất kế hoạch tổng kết đánh giá hiệu quả Chương trình phối hợp giữa hai Bộ; ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai Bộ cho giai đoạn 2021-2025. Thúc đẩy đánh giá việc tổ chức thực hiện các Chương trình KHCN cấp quốc gia kết thúc năm 2020; Đánh giá và đề xuất phê duyệt điều chỉnh chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình sản phẩm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp vào danh mục sản phẩm quốc gia; Tăng cường phối hợp trong công tác đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ ngành nông nghiệp; Chú trọng đẩy mạnh phối hợp giữa hai bộ về văn bản quy phạm pháp luật; Hai Bộ thống nhất sớm tập trung rà soát phục vụ tái cơ cấu các Chương trình KHCN cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần của NQ 01, 02 của Chính phủ…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã đánh giá cao những kết quả về khoa học công nghệ trong thời gian qua đối với ngành nông nghiệp. Khoa học công nghệ đã là đòn bẩy tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tăng trưởng đều và ổn định, mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, dịch bệnh triền miên. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đánh giá cao sự phối hợp hoạt động về khoa học công nghệ giữa hai bộ và đề nghị thời gian tới, Bộ KH&CN cần tập trung nguồn lực cho những nghiên cứu công nghệ phục vụ sản xuất theo chuỗi giá trị (ưu tiên chế biến sâu) tạo giá trị gia tăng của hàng nông sản Việt Nam.
Phát biểu bế mạc cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nêu rõ: Một đất nước với quá nửa dân số sản xuất nông nghiệp nên khoa học công nghệ phải ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài các chương trình cấp quốc gia đang triển khai có thể hình thành các chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ theo các lĩnh vực cần được ưu tiên. Bộ Nông nghiệp xem xét ưu tiên các Đề án đầu tư đưa vào kế hoạch trung hạn để triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1670/QĐ-TTg, Quyết định số 1671/QĐ-TTg như: Vườn thực vật quốc gia, các phòng thí nghiệm trọng điểm… Triển khai các nhiệm vụ nhằm phòng chống dịch hại châu chấu sa mạc và các bệnh dịch hại cây trồng; Tập trung cho việc hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản.Từ nay đến cuối năm 2020 hai Bộ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đánh giá tổng kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN, các chương trình quốc gia khác về nông nghiệp và phát triển nông thôn./.
(Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ)
Đẩy mạnh việc phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp
Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2020 của Ban chấp hành Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ; hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ, được sự đồng ý của Đảng ủy, Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (KHNNVN) phối hợp triển khai Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (gọi tắt là IPPlatform) và tổ chức “Ngày hội sở hữu trí tuệ” cho đoàn viên, thanh niên, nghiên cứu viên trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.
Các đại biểu cắt băng khai mạc.
Về phía đoàn khối các cơ quan Trung ương có đồng chí Trần Hữu, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có đồng chí Phương Tuyến, Chánh văn phòng Đảng – Đoàn thể; đồng chí Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Viên Nam; đồng chí Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ; đồng chí Lê Vũ Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Bộ; đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Bộ.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Nguyễn Hoàng Linh, Phó Bí thư Đoàn Bộ, đồng chí Đào Ngọc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn bộ.
Về phía Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có đồng chí Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; đồng chí Phạm Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường Vụ Đảng ủy Viện, Trưởng ban Tổ chức hành chính; đồng chí Lã Tuấn Nghĩa, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Viện, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật; đồng chí Hoàng Thị Hiền, Chủ tịch công đoàn Viện cùng đại diện Lãnh đạo các ban, các Viện và trung tâm trực thuộc Viện.
Khai trương Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp.
Các sản phẩm được trưng bày tại gian hàng là các sản phẩm khoa học công nghệ được thực hiện bởi trí óc và bàn tay của những nhà khoa học từ hai Bộ (các đơn vị đầu mối của Viện KHNNVN, và gian hàng của Đoàn thanh niên Viện ƯDCN, Viện NLNTVN, Viện KHSHTT) là đúc kết của kinh nghiệm và thực tiễn nghiên cứu sau nhiều năm của các tập thể. Rất nhiều sản phẩm trong triển lãm đã và sắp được bảo hộ Giống, thiết bị kỹ thuật và sở hữu công nghiệp. Thông qua triển lãm này, ban tổ chức mong muốn các đơn vị có thể chia sẻ với nhau về các nghiên cứu ứng dụng của đơn vị mình, đồng thời tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của bảo hộ các tài sản trí tuệ, qua đó, lãnh đạo các đơn vị cũng sẽ có thêm cái nhìn tổng quát hơn để có thể quản trị những tài sản trí tuệ của đơn vị mình.
Chương trình được tổ chức nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong công tác nghiên cứu khoa học, kết nối chuỗi giá trị trong sở hữu tài sản trí tuệ giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Toàn cảnh Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghệp phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp”.
Tại Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghệp phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp”, nhiều vấn đề nóng liên quan đến công tác tạo dựng, xác lập tài sản trí tuệ được đưa ra thảo luận.
Theo đánh giá của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, thực trạng tài sản trí tuệ hiện nay tại các viện nghiên cứu có chất lượng thấp; mối liên kết giữa các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu còn yếu; khả năng quản trị công tác xác lập quyền chưa đủ mạnh; hiệu lực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế.
Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, chỉ ra rằng nếu không quản trị tốt tài sản trí tuệ sẽ dẫn đến những tổn thất nặng nề cho viện nghiên cứu cũng như các nhà khoa học như: Lãng phí tài nguyên trí tuệ, vốn trí tuệ; giảm sút, triệt tiêu hiệu quả đầu tư sáng tạo; đánh mất cơ hội, giảm sút khả năng cạnh tranh, giảm thiểu động lực phát triển; tổn thất uy tín, tài chính do vướng vào các tranh chấp, rắc tối pháp lý với người khác.
Các đại biểu trao đổi thảo luận tại Hội thảo.
Cũng tại Hội thảo, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong hoạt động sở hữu trí tuệ của đơn vị: Hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức với tốc độ và yêu cầu hội nhập, phát triển kinh tế xã hội; hoạt động khai thác các giá trị của sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị thành viên hầu hết không có cán bộ chuyên trách về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.
Nhận thức về sở hữu trí tuệ của các cán bộ nghiên cứu chưa đồng đều và đầy đủ trong điều kiện Viện chuyển hướng sang tự chủ về tài chính. Thiếu tư vấn về thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chưa xác định được phương án thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ phù hợp trong bối cảnh không có nguồn ngân sách riêng để duy trì và thúc đẩy hoạt động này.
Kí kết thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội Sở hữu trí tuệ” năm 2020, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã tổ chức lễ kí kết thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ và khai trương trạm khai thác thông tin sở hữu công nghiệp IPPlatform.
Platform là nền tảng công cộng miễn phí, cho phép tất cả người dùng tra cứu thông tin về sở hữu công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ đăng kí sở hữu trí tuệ, cập nhật thông tin về tài sản trí tuệ, và đăng thông báo mua bán các tài sản trí tuệ trên sàn giao dịch. Nó tích hợp toàn bộ cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN), đồng thời có thêm cơ sở dữ liệu do người dùng tự cung cấp (được kiểm chứng) và liên kết với một số cơ sở dữ liệu từ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và các cơ quan sáng chế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, bối cảnh nghiên cứu trong ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch. “Trước đây, các sản phẩm khoa học công nghệ như giống, quy trình kỹ thuật chúng tôi nghiên cứu ra chưa có thị trường mà chủ yếu để phục vụ yêu cầu của nhà nước, tức dành cho người nông dân sử dụng, đa phần là miễn phí thông qua hệ thống khuyến nông. Tuy vậy, hiện nay chúng ta đã bước sang giai đoạn thị trường hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Sản xuất nông nghiệp không phải chỉ có nông dân mà đã có sự tham gia của các doanh nghiệp,”. Như vậy, trong tương lai nhu cầu của doanh nghiệp về các tài sản trí tuệ sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc các viện nghiên cứu phải đẩy mạnh hơn quá trình thiết lập quyền bảo hộ tài sản trí tuệ của mình để trở thành người cung cấp ‘vốn chất xám’ hiệu quả.
Sự kiện này là bước đầu phối hợp giữa Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác nghiên cứu khoa học và công tác sở hữu trí tuệ. Thỏa thuận hợp tác sẽ tập trung vào công tác đào tạo, huấn luyện các nhà khoa học của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong việc tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ.
( Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững
Ngày 12/6/2020, tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị. Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng sản xuất, tiêu thụ cây chè cả nước trong thời gian qua; định hướng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chè trong thời gian tới.

Việt Nam là một quốc gia trồng, sản xuất và chế biến chè, có diện tích và sản lượng chè đứng thứ 5 nhưng năng suất lại đứng hàng thứ 3 trong tổng số 50 quốc gia sản xuất chè trên thế giới. Đến nay, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha chè, năng suất đạt gần 95 tạ/ha, cao hơn năm 2018 là 4,4 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi. Khối lượng xuất khẩu đạt 136 nghìn tấn, giá trị đạt 235 triệu USD. Những năm qua, chè là cây được sản xuất khá bền vững, góp phần tích cực giảm nghèo cho nhân dân miền núi, đặc biệt ở một số vùng sản xuất chè đặc sản, là cây làm giàu cho nhân dân.
Thái Nguyên, hiện là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước, diện tích trồng chè hiện nay ước đạt 22.500ha; năng suất ước đạt 119 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 230 nghìn tấn. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Đến nay, hầu hết diện tích chè của tỉnh đã được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ; khâu chế biến cũng được chú trọng, đa dạng hóa sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè; các sản phẩm chè của tỉnh đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, nhờ đó đã giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất chè.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu dự Hội nghị cho rằng, dư địa phát triển chè còn rất lớn, đặc biệt là việc nâng giá trị gia tăng của chè; nhận thức, đầu tư, chỉ đạo và tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh khác nhau, có những nơi một héc-ta chè đạt giá trị tù 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có những nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm; liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu; gắn sản xuất chè với du lịch còn yếu.
Tại hội nghị, tham luận của các địa phương tập trung đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về công tác giống, khâu sản xuất, khâu chế biến, phát triển thị trường… với ngành chè. Một số ý kiến gợi mở từ phía Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng được trình bày tại hội nghị.
Quan điểm chung của các đơn vị tự chung lại, là phát triển cây chè đạt hiệu quả cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Để việc phát triển sản xuất ngành chè đảm bảo thực sự bền vững thì quy mô diện tích trồng chè phải phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, địa bàn bố trí phù hợp với sinh thái và truyền thống canh tác, đồng thời phải có khả năng cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác trên địa bàn.
Các đại biểu thăm mô hình sản xuất chè tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị: Những năm tới đây giữ ổn định diện tích cây chè, nhưng phải nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà. Do đó, các địa phương cần đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Nhằm nâng cao chất lượng trà, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm trà, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phầm trà truyền thống.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao trách nhiệm cho Cục Trồng trọt xây dựng đề án phát triển cây chè bền vững trong điều kiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định mục tiêu rõ ràng, có chính sách đối với cây chè. Các cục, vụ, viện, trường đại học liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các vấn đề liên quan nhằm phát triển cây chè.